Trung Quốc thay đổi cách tiếp cận trong phòng chống Covid-19
Mặc dù trước đó đã có những đồn đoán về việc Trung Quốc sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách kiểm soát Covid-19 khi hàng loạt địa phương liên tiếp dỡ bỏ các hạn chế, nhưng hai ngày qua thông báo chính thức về 10 biện pháp mới nhằm tiếp tục tối ưu hóa công tác phòng chống dịch vẫn trở thành chủ đề nóng nhất trên nền tảng mạng xã hội Weibo ở nước này.
Trong số 10 biện pháp này, quy định cho phép các trường hợp mắc Covid-19 nhẹ và không có triệu chứng được cách ly tại nhà được đánh giá là thay đổi hết sức quan trọng trong chiến lược phòng chống Covid-19 ở Trung Quốc, bởi trong suốt thời gian dịch bệnh bùng phát nhiều cộng đồng đã bị phong tỏa, đôi khi trong nhiều tuần, chỉ vì xuất hiện một trường hợp dương tính.
Thêm vào đó, nước này cũng tuyên bố bỏ việc kiểm tra chứng nhận xét nghiệm âm tính và mã QR sức khỏe ở hầu hết các địa điểm công cộng, kể cả với những người di chuyển liên vùng. Đây được coi là những dấu hiệu mạnh mẽ nhất cho đến nay cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị cho người dân của mình sống chung với Covid-19.
Ngoài ra, trong số các biện pháp mới còn có việc yêu cầu nghiêm cấm “phong tỏa tạm thời” dưới mọi hình thức và việc phân định các khu vực nguy cơ cao phải thu hẹp lại theo tòa nhà, căn hộ, tầng và hộ gia đình, đồng thời không được tự ý mở rộng phạm vi. Những nơi không thuộc diện nguy cơ cao không được hạn chế đi lại, không được dừng công việc, sản xuất và kinh doanh. Các trường học không có dịch phải cho học sinh lên lớp học trực tiếp.
Mặc dù đến nay các hạn chế đối với người nhập cảnh vẫn còn, biên giới Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn rộng mở, nhưng những thay đổi kể trên vẫn là những bước ngoặt quan trọng cho thấy Trung Quốc đang dần rời xa chính sách “Zero Covid”, nhằm tiến tới đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường và vực dậy nền kinh tế đang trên đà giảm sút.
Tính toán của Trung Quốc trước kịch bản dịch bùng phát rộng
Trung Quốc cũng đã định liệu trước được khả năng này. Là quốc gia đông dân nhất thế giới và đã bắt đầu bước vào thời kỳ dân số già, các đợt bùng phát trên diện rộng có thể đe dọa tính mạng người dân, là một trong những nguyên nhân chính khiến Trung Quốc đến nay mới nới lỏng các chính sách kiểm soát dịch nghiêm ngặt đã thực hiện trong suốt 3 năm qua, chậm hơn khá nhiều so với hầu hết phần còn lại của thế giới.
Theo truyền thông và giới chuyên gia, nước này sẽ phải tập trung ứng phó với làn sóng dịch trên toàn quốc theo đúng nghĩa đầu tiên được dự báo là sẽ bùng phát rất nhanh, mạnh và lan rộng trong khoảng 1, 2 tháng tới. Khi đợt bùng phát này đạt đỉnh, tỷ lệ lây nhiễm trong dân ở Trung Quốc có thể đạt khoảng 60%, sau đó giảm dần và trở lại thời kỳ bình ổn, cuối cùng có thể là 80-90% người dân nước này sẽ bị nhiễm bệnh.
Cũng theo các chuyên gia, trong quá trình đối phó với đợt bùng phát trên diện rộng thứ nhất, có 3 việc Trung Quốc cần khẩn trương thực hiện, gồm áp dụng các biện pháp thích hợp để dập tắt đỉnh dịch; hệ thống y tế cần sẵn sàng ứng phó với áp lực và đẩy mạnh hơn công tác tiêm chủng vaccine, đặc biệt là cho người cao tuổi mắc các bệnh mãn tính.
Trong 10 biện pháp mới đưa ra, Trung Quốc cũng đặt ra các yêu cầu với công tác phòng chống dịch trong thời gian tới, đó là tiếp tục đẩy mạnh việc tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người cao tuổi và tăng cường phân loại quản lý những đối tượng dễ bị tổn thương nhất với Covid-19, yêu cầu các nhà thuốc trên cả nước duy trì hoạt động thường xuyên và không được tự ý đóng cửa. Việc mua trực tuyến và ngoại tuyến các loại thuốc không kê đơn như hạ sốt, ho, kháng vi-rút và thuốc cảm sẽ không bị hạn chế. Hoạt động của các dịch vụ y tế cơ bản phải luôn được đảm bảo.
Ngay trước khi các biện pháp mới được công bố, chỉ trong vòng 25 giờ từ chiều ngày 4/12 đến chiều ngày 5/12, 4 loại vaccine Covid-19 mới đã được cơ quan chức năng Trung Quốc phê duyệt để sử dụng khẩn cấp, đưa tổng số vaccine được phép đưa vào sử dụng ở nước này lên 12 loại.
Bên cạnh đó, theo truyền thông Trung Quốc, chính phủ nước này cũng đang lên kế hoạch tung ra liều vaccine thứ tư trên toàn quốc và liều tiêm này có thể được thực hiện trong tương lai gần bắt đầu với các nhóm cụ thể có nguy cơ cao, trong đó có những người từ 60 tuổi trở lên, bởi đây là một trong những nhóm dễ bị tổn thương nhất với Covid-19 trong bối cảnh các ca bệnh trong nước gia tăng.
Ngoài ra, hàng loạt các hướng dẫn về cách thức điều trị tại nhà dành cho người mắc Covid-19 đã được cơ quan y tế Trung Quốc liên tục công bố, nhằm giúp người dân ứng phó với dịch bệnh một cách bình tĩnh và khoa học nhất, bởi dù sao người dân nước này cũng đã quen với việc được bảo vệ trước virus trong suốt thời gian dài. Nay khi các biện pháp kiểm soát nhanh chóng được dỡ bỏ chỉ trong một thời gian ngắn, khiến nhiều người trong số họ vẫn chưa kịp thích ứng và không tránh khỏi cảm giác bàng hoàng và lo lắng.
Điều dư luận quan tâm hiện nay là liệu Trung Quốc có để xảy ra tình trạng hỗn loạn trong giai đoạn chuyển tiếp khi làn sóng lây nhiễm ập tới sau khi các quy định mới được đưa ra hay không? Và liệu nước này có thể nhanh chóng vượt qua được thời kỳ được dự báo là sẽ không hề suôn sẻ khi số ca tử vong có thể tăng cao và hệ thống y tế bị quá tải sau khi mở cửa trở lại hay không?
Tác động đến kinh tế toàn cầu
Ngay trước thời điểm 10 biện pháp mới được công bố một ngày, tức ngày 6/12, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chủ trì một cuộc họp của Bộ Chính trị, yêu cầu trong năm 2023 nước này phải tiếp tục tối ưu hóa các biện pháp phòng chống dịch, đi sâu cải cách mở cửa toàn diện, thúc đẩy cải thiện tổng thể nền kinh tế và vực dậy mạnh mẽ niềm tin của thị trường.
Hội nghị cũng yêu cầu phải nỗ lực mở rộng nhu cầu trong nước, phát huy đầy đủ vai trò cơ bản của tiêu dùng và vai trò then chốt của đầu tư. Đẩy nhanh xây dựng hệ thống công nghiệp hiện đại, nâng cao khả năng chống chịu và mức độ an toàn của chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng.
Cùng với đó, trước hàng loạt động thái nới lỏng phòng dịch, kể từ tháng 12, nhiều địa phương mạnh về kinh tế ở Trung Quốc đã tổ chức các đoàn doanh nghiệp ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội kinh doanh và đầu tư. Trong đó, phải kể đến tỉnh Chiết Giang, nơi tập trung hơn 20% các doanh nghiệp Top 500 của Trung Quốc. Tỉnh nằm ở vùng ven biển phía Đông Nam Trung Quốc này đã tổ chức cho khoảng 10.000 doanh nghiệp ra nước ngoài tham gia các hoạt động kinh tế thương mại, với chặng đầu tiên là châu Âu, cụ thể là các nước Pháp và Đức. Mục đích của việc làm này, nói theo truyền thông Trung Quốc, là để “giành đơn hàng”, dốc sức làm kinh tế, phấn đấu giành thắng lợi trong “trận ra quân” cuối năm, qua đó tạo nền tảng vững chắc cho một khởi đầu suôn sẻ trong năm tới.
Bên cạnh đó, lãnh đạo nhiều tỉnh ở nước này đã nhanh chóng gặp gỡ doanh nghiệp và các nhà đầu tư, thông qua các hội nghị chuyên đề và nhiều hình thức khác tháo gỡ những vướng mắc cho họ, thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả các biện pháp bình ổn nền kinh tế mà chính phủ Trung Quốc đưa ra, hạn chế tối đa tác động của dịch bệnh, sớm vực dậy nền kinh tế và niềm tin của thị trường. Việc đẩy nhanh phục hồi toàn diện nền kinh tế hiện đã được đặt ở vị trí hết sức quan trọng trong kế hoạch hành động của nhiều địa phương ở Trung Quốc.
Tác động của việc Trung Quốc mạnh tay nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng chống dịch nghiêm ngặt lên nền kinh tế nước này là khá rõ rệt. Đồng Nhân dân tệ cũng hồi phục mạnh so với USD trong những phiên giao dịch gần đây.
Một số nhà đầu tư đã hoan nghênh những thay đổi của Trung Quốc. Họ xem đây là một bước chuyển có thể thổi luồng sinh khí mới vào nền kinh tế đang chậm lại của nước này, tiếp tục vực dậy tỷ giá đồng Nhân dân tệ và tiếp sức cho nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, cũng có người lo ngại tình trạng không chắc chắn do tiến trình tái mở cửa của Trung Quốc được dự báo sẽ diễn ra không suôn sẻ, có thể dẫn đến nhiều tác động trái chiều. Do vậy, các tác động từ động thái nới lỏng của Trung Quốc đối với nền kinh tế thế giới sẽ theo chiều hướng nào và ảnh hưởng đến đâu vẫn cần phải đợi sang năm 2023 mới có thể đánh giá được./.
Theo VOV.VN