Mỹ nỗ lực chinh phục châu Phi

Với việc tổ chức cuộc gặp cấp cao lần thứ hai giữa Mỹ và các nước châu Phi, ông Biden cho thấy Mỹ hiện hạ quyết tâm chinh phục châu lục này.

 

Lãnh đạo của 50 quốc gia châu Phi đã nhận lời mời của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Mỹ tham dự cuộc gặp cấp cao giữa Mỹ và các nước châu Phi lần thứ 2. Cuộc gặp lần thứ nhất diễn ra hồi năm 2014 ở thời Tổng thống Mỹ Barack Obama - khi ông Biden là Phó Tổng thống Mỹ. Trước đấy nữa, dấu mốc quan trọng đối với mối quan hệ giữa Mỹ và các nước châu Phi là đạo luật của Mỹ về tăng trưởng và cơ hội ở châu Phi có hiệu lực từ ngày 18/5/2000 (The African Growth And Opportunity Act) - ở thời Tổng thống Mỹ Bill Clinton, cũng thuộc Đảng Cộng hòa như ông Obama và ông Biden. Chỉ qua đấy thôi cũng đã đủ để thấy phía Mỹ không dành cho khu vực châu Phi sự coi trọng và ưu tiên thuộc diện hàng đầu trong chính sách đối ngoại và kinh tế đối ngoại. Với việc tổ chức cuộc gặp cấp cao lần thứ hai giữa Mỹ và các nước châu Phi, ông Biden cho thấy Mỹ hiện hạ quyết tâm chinh phục châu lục này. Muốn chinh phục châu lục này trong bối cảnh tình hình chung là Trung Quốc đã gây dựng được ảnh hưởng rất sâu rộng và vững chắc, nhiều đối tác bên ngoài khác như EU, Nga, Ấn Độ hay Nhật Bản cũng đều đã có được các mối quan hệ hợp tác rất chặt chẽ với các nước châu Phi, Mỹ phải thể hiện rõ ràng và thuyết phục hơn hẳn so với trước đấy về thật sự coi trọng, thiện chí và tranh thủ các nước châu Phi. Không phải ngẫu nhiên mà trước cuộc gặp cấp cao lần thứ 2 này với các nước châu Phi, ông Biden đề xuất nhóm G20 coi Liên minh châu Phi là thành viên mới. Việc này hiện khó thành công, nhưng các nước châu Phi vẫn rất thích nghe.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken và Ngoại trưởng Nam Phi Pandor. (Ảnh: BBC)Theo những phát ngôn của các cộng sự của ông Biden, Mỹ đã rút ra được những bài học cần thiết từ quá khứ lịch sử để lần này chinh phục châu Phi thành công. Bài học trước hết là không thể chần chừ được thêm nữa mà phải nhanh chân với việc thúc đẩy mạnh mẽ và thực chất mối quan hệ hợp tác của Mỹ với các nước châu Phi. Hàm ý ở đây là khắc phục tình trạng chậm chân và tụt hậu so với nhiều đối tác khác bằng cách phải dồn bước và tạo ưu thế mới. Bài học tiếp theo là phải nhìn nhận các nước châu Phi là những đối tác ngang bằng, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi. Điều này được các nước châu Phi coi trọng hàng đầu. Trung Quốc cho đến nay thành công hơn tất cả các đối tác bên ngoài khác chính vì làm cho các nước châu Phi thật sự tin rằng họ được Trung Quốc coi là những đối tác ngang bằng, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi. Bài học thứ ba của Mỹ là phải coi trọng lợi ích của các nước châu Phi, coi trọng hiệu quả thiết thực của các dự án hợp tác, ý tưởng và kế hoạch lớn được đưa ra phải đi cùng với dự án cụ thể và phải đảm bảo tính khả thi.

An ninh là chủ đề nội dung xưa nay Mỹ coi trọng hàng đầu trong chính sách đối với châu Phi. Nhưng vì châu Âu hiện tại đòi hỏi ở Mỹ nhiều hơn thế nên ông Biden muốn tranh thủ và chinh phục châu lục thì phải làm lợi cho các nước châu Phi trên những lĩnh vực khác như phát triển kinh tế xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện chăm sóc sức khoẻ và chữa bệnh, trợ giúp cho giáo dục và đào tạo, đảm bảo an ninh lương thực và năng lượng, chống biến đổi khí hậu trái đất...

Mỹ không phải là đối tác bên ngoài duy nhất cho tới nay tổ chức các cuộc gặp cấp cao với các nước châu Phi. Nhưng sau 8 năm mới lại có cuộc gặp lại là bằng chứng về nhận thức mới, quyết tâm mới và định hướng mới. Mỹ cần hoạt động chính trị ngoại giao này không những để định hướng cho quan hệ giữa Mỹ và các nước châu Phi trong thời gian tới mà còn để phát đi thông điệp là cho dù bận tâm và tập trung đến mấy tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đối phó Nga và Trung Quốc thì Mỹ vẫn coi trọng và nỗ lực tranh thủ các nước châu Phi./.

Hoàng Lan

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận