Đón năm mới ở xứ sở Bạch Dương

Cây thông, ông già tuyết, rượu sâm panh... là những biểu tượng thiêng liêng được lưu truyền trong tục đón năm mới ở xứ sở Bạch Dương

 

Cây thông, ông già tuyết, rượu sâm panh... là những biểu tượng thiêng liêng được lưu truyền trong tục đón năm mới ở xứ sở Bạch Dương.

Truyền thống đón năm mới tại Nga

Cây thông là biểu tượng của năm mới, không thể thiếu đối với người Nga. Hằng năm, việc chuẩn bị cho lễ đón năm mới bắt đầu vào giữa tháng 12. Họ thường dọn dẹp nhà cửa, đi mua cây thông và trang trí để đón năm mới và giáng sinh. Người Nga đặc biệt thích những cây thông thật. Các khu chợ bán thông mỗi năm chỉ họp một lần nhưng rất rộn ràng. Họ cũng có thể vào rừng, tự tìm cho mình một cây thông ưng ý. Ở mỗi thành phố, thị trấn hay làng mạc, dù xa xôi hẻo lánh, thì tại quảng trường trung tâm đều có cây thông được trang trí những quả cầu tuyết đủ màu và thắp sáng bằng những vòng hoa điện lung linh.

Pháo hoa trên quảng trường Đỏ vào đêm Giao thừa.Cây thông Noel chính của nước Nga được đặt ở Điện Kremlin và là thông tươi. Cây thông này được lựa chọn rất kỹ theo các tiêu chuẩn như: tuổi thọ phải từ 80 - 100 năm, chiều cao khoảng 30m, có dáng đẹp dạng kim tự tháp cân đối, lá kim dày và cành khỏe để chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết. Cây thường được đưa đến Thủ đô trên một chuyến tàu chuyên dụng. Sau lễ, cây được tháo dỡ, gỗ của nó được sử dụng làm quà lưu niệm.

Truyền thống đón năm mới ở Nga vào ngày 1/1 như hiện nay mới chỉ duy trì từ năm 1699 theo sắc lệnh của Peter Đại đế. Trong đó, Sa hoàng quy định người dân trang trí nhà cửa bằng cây thông, vân sam và bách xù để đón mừng năm mới. Trước đó, trong một thời gian dài ở nước Nga cổ đại, năm mới được tổ chức vào ngày 1/3. Người ta tin rằng đó là mùa xuân, tượng trưng cho sự khởi đầu của một cái mới - thiên nhiên hồi sinh sau mùa đông dài băng giá, thực vật, động vật và côn trùng thức dậy. Sau đó, nó đã được hoãn đến ngày 1/9, trùng với thời gian hoàn thành công việc làm vườn.

Cây thông trên quảng trường Đỏ.Các em nhỏ háo hức với khung cảnh như trong cổ tích.Sau Cách mạng tháng Mười, tục lệ tổ chức Giáng sinh và đón năm mới có thời gian bị gián đoạn, do bị coi là "tàn dư của tôn giáo và chủ nghĩa tư bản". Đến năm 1935 mới lại được khôi phục. Tuy nhiên, phải đến năm 1949, ngày 1/1 mới được coi là ngày lễ chính thức và tục đón năm mới được duy trì, phát triển cho đến ngày nay. Điều thú vị là cho đến nay, người Nga vẫn duy trì truyền thống cũ đón năm mới, theo lịch Julian trước đây, tính theo dương lịch, nó rơi vào ngày 13/1, còn Giáng sinh được đón mừng vào ngày 7/1.

Ông già Tuyết và công chúa Tuyết - những nhân vật bước ra từ cổ tích

Cả người lớn và trẻ em đều yêu thích những nhân vật tuyệt vời trong truyện cổ tích - Ông già Tuyết và công chúa Tuyết, những người đến các gia đình vào đêm giao thừa để tặng quà. Hình ảnh ông già Tuyết trong văn hóa dân gian Nga phát triển dần dần qua nhiều thế kỷ. Trong các câu chuyện cổ tích và truyền thuyết, ông đã tặng quà cho những người tốt bụng và trừng phạt những kẻ xấu xa và tham lam. Ông mặc một chiếc áo khoác dài màu đỏ bằng lông thú, đội mũ, đi ủng bằng nỉ và găng tay lông. Ông đến các gia đình vào đêm giao thừa với một chiếc túi trên vai và lấy ra những món quà.

Viết thư gửi ông già Tuyết.Quê hương của ông già Tuyết là ở thành phố Veliky Ustyug - một trong những thành phố lâu đời nhất ở miền Bắc nước Nga, thuộc vùng Vologda, nơi hai con sông Sukhona và Yug đổ vào Bắc Dvina. Veliky Ustyug là thành phố bảo tồn thiên nhiên với không khí trong lành. Mùa đông tuyết trắng phủ đầy những cánh rừng taiga. Ở đó có ngôi nhà của ông già Tuyết, cửa hàng lưu niệm và bưu điện, nơi tiếp nhận hàng vạn lá thư của các em nhỏ được gửi đến từ mọi miền nước Nga. Tất cả các lá thư này đều được trả lời. Trong các bức thư các em viết về những thứ mà chúng mong ước, ngoài những món đồ chơi, còn có những điều ước rất xúc động và dễ thương trước thềm năm mới dành cho ông bà, bố mẹ.

Năm 1937, tại buổi gặp mặt giao thừa, công chúa Tuyết lần đầu tiên xuất hiện với tư cách là bạn đồng hành, cháu gái của ông già Tuyết. Công chúa Tuyết là một nhân vật trong truyện cổ tích Nga và việc cô đồng hành cùng ông già Tuyết là một nét đặc biệt trong văn hóa Nga mà không có ở nước nào khác. Hàng năm, từ những ngày đầu tháng 12, ông già Tuyết và công chúa Tuyết sẽ đến tham dự các hoạt động đón chào năm mới tại các trường mẫu giáo, trường học, nhà văn hóa. Trẻ em theo truyền thống sẽ nhảy múa quanh cây thông được trang trí rực rỡ và nhận những món quà tuyệt vời từ ông già Tuyết. Tất cả tạo nên kỷ niệm không bao giờ quên đối với mỗi đứa trẻ.

Trang trí cây thông đón năm mới.

Năm mới ở xứ sở Bạch Dương là kỳ nghỉ dài và được trông đợi nhất trong năm. Người Nga quan niệm, “đón năm mới như thế nào thì cả năm sẽ được như thế ấy”. Vì thế, nó được chào đón một cách vui vẻ, đủ đầy nhất, để cả năm được may mắn, hạnh phúc. Các biểu tượng chính của ngày lễ năm mới ở Nga là cây thông được trang trí đẹp mắt, các nhân vật trong truyện cổ tích ông già Tuyết, công chúa Tuyết tặng quà cho trẻ em, tiếng chuông đồng hồ vào đêm giao thừa, thông điệp chúc mừng của nguyên thủ quốc gia, rượu sâm panh, quýt, salat Olivier, kèm theo pháo hoa lung linh sắc màu.

Bàn tiệc - nơi người Nga quây quần đón năm mới

Người Nga tin rằng, “đón năm mới như thế nào, cũng sẽ tiễn như thế”, do đó, bàn ăn luôn luôn đầy đủ thức ăn để năm mới dư dả. Món ăn được yêu thích trên bàn tiệc là salad Olivier (mà người Việt quen gọi là salad Nga). Người đầu tiên sáng tạo ra nó là chủ nhà hàng người Pháp ở Moscow Lucien Olivier (1837 - 1883). Thịt gia cầm, cá, lợn sữa nướng là những món thường có trên bàn tiệc năm mới. Đồng thời không thể thiếu bánh mỳ, trứng cá đỏ muối, bắp cải cuộn thịt. Đồ uống thường có thể là champagne hoặc rượu vang, tráng miệng sẽ là bánh chocolate nâu và không thể thiếu quýt. Truyền thống ăn quýt bên bàn tiệc năm mới xuất hiện từ thời vị Sa hoàng cuối cùng của Nga, Nicholas Đệ Nhị và vẫn duy trì cho tới nay.

Hội chợ quà tặng trên quảng trường Đỏ.Ở nhiều gia đình Nga có phong tục nướng những chiếc bánh đặc biệt với những điều ước trên bàn tiệc năm mới: một tờ giấy bạc được gói trong một chiếc bánh, trên đó có viết một điều ước. Hoặc một đồng xu được đặt trong một chiếc bánh, một chiếc được nướng rất mặn và một chiếc khác rất ngọt. Bánh mặn tượng trưng cho khó khăn, thử thách, bánh ngọt tượng trưng cho cuộc sống “ngọt ngào”. Ai lấy ra được chiếc bánh có đồng xu dưới tiếng chuông đồng hồ vào lúc giao thừa, sẽ trở nên giàu có trong năm mới.

Thông điệp của Tổng thống

Đối với nhiều người Nga, năm mới là ngày lễ của gia đình. Bữa tiệc giao thừa thường bắt đầu vào khoảng 23 giờ đêm. Lúc này, người dân Nga cũng thường đón đợi thông điệp mừng năm mới của nguyên thủ quốc gia. Điều thú vị là nước Nga trải dài trên 11 múi giờ, nên bài phát biểu sẽ được phát sóng 11 lần qua qua các kênh phát thanh và truyền hình. Truyền thống chúc mừng năm mới của các nguyên thủ tại Nga bắt đầu từ năm 1936, khi tục lệ đón năm mới được khôi phục trở lại sau một thời gian bị gián đoạn. Đúng vào lúc nửa đêm, tiếng chuông đồng hồ vang lên và mọi người đốt pháo sáng, mở sâm panh và nâng ly chúc mừng năm mới. Một số người ra ngoài đốt pháo sau giao thừa, đến các địa điểm ngoài trời, vui chơi bên cây thông chính của thành phố trên quảng trường, ca hát, nhảy múa theo tiếng nhạc lớn.

Chụp ảnh cùng ông già Tuyết.Trải qua thời gian, phong tục đón năm mới của người Nga đã có nhiều thay đổi, vừa lưu giữ truyền thống cũ, vừa tiếp nhận những nét mới. Nhưng những giá trị văn hóa truyền thống luôn luôn có sức sống mãnh liệt trong lòng mỗi người dân Nga./.

Anh Tú/VOV-Moscow

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận