Theo đó, nước này dỡ bỏ các yêu cầu kiểm dịch đối với du khách quốc tế, hạ cấp độ chống dịch để chuyển sang giai đoạn “sống chung với virus”.
Tuy nhiên, giai đoạn mở cửa diễn ra đúng vào thời điểm dịch đang bùng phát mạnh tại Trung Quốc, theo ước tính, mỗi ngày nước này ghi nhận hàng triệu người mắc Covid-19. Trong bối cảnh ấy, nhiều quốc gia từ châu Âu đến Mỹ đều bày tỏ lo ngại với du khách Trung Quốc nhập cảnh thời điểm này. Vậy Trung Quốc đã chuẩn bị và ứng phó ra sao với việc mở cửa và phòng chống dịch?
Trung Quốc thực hiện song song việc mở cửa và phòng chống dịch ra sao?
Trung Quốc bắt đầu nới lỏng kiểm soát Covid-19 từ 11/11/2022 với việc công bố 20 biện pháp tối ưu hóa phòng chống dịch. Tiếp đó, chưa đầy 1 tháng sau, vào ngày 7/12/2022, Trung Quốc tiếp tục công bố thêm 10 biện pháp mới, trong đó đáng chú ý nhất là cho phép những người bệnh nhẹ và không triệu chứng được cách ly tại nhà và loại bỏ phần lớn mã QR y tế vốn là quy định bắt buộc đối với hầu hết các địa điểm công cộng, đánh dấu việc Trung Quốc đã sẵn sàng cho người dân sống chung với Covid-19.
Trong một thông báo đưa ra đêm muộn ngày 26/12, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc tuyên bố hạ cấp quản lý Covid-19 và bỏ cách ly tập trung đối với người nhập cảnh, tức mở cửa biên giới từ ngày 8/1/2023.
Do thời điểm nới lỏng chống dịch chỉ cách thời điểm mở cửa biên giới chưa đầy 2 tháng, đặc biệt lại vào đúng lúc diễn ra cuộc đại di chuyển mùa Xuân còn gọi là "Xuân vận" ngay dịp Tết Nguyên đán, nên đây cũng là lúc dịch bùng phát mạnh ở Trung Quốc. Dự kiến, sẽ có khoảng 2,1 tỉ lượt người tham gia vào đợt di chuyển này, tăng gần gấp đôi năm ngoái. Đây là mùa Xuân vận mà theo chính nước này đánh giá là tiềm ẩn nhiều yếu tố không xác định nhất, tình hình phức tạp nhất, khó khăn thách thức lớn nhất trong những năm gần đây do cao điểm di chuyển và cao điểm dịch bệnh trùng với nhau.
Để giảm thiểu tác động của dịch bệnh, đến nay, Trung Quốc đã chuyển trọng tâm chống dịch từ phòng chống lây nhiễm sang bảo vệ sức khỏe và phòng chống ca bệnh nặng. Nhiều tỉnh, thành đã thông báo đạt đỉnh lây nhiễm với hàng trăm thậm chí hàng triệu ca nhiễm mỗi ngày thời gian qua. Giờ đây, nông thôn trở thành khu vực trọng điểm trong phòng chống dịch và bảo đảm dịch vụ y tế, khi làn sóng người dân tràn về quê ăn Tết sau 3 năm chịu nhiều hạn chế.
Sau khi đạt đỉnh lây nhiễm, một số địa phương ở Trung Quốc đã dần khôi phục lại cuộc sống và công việc bình thường. Có chuyên gia nước này dự đoán, khi làn sóng quy mô lớn đầu tiên đạt đỉnh, tỷ lệ lây nhiễm trong người dân Trung Quốc có thể đạt khoảng 60% và cuối cùng có thể là 80%-90% người dân nước này sẽ nhiễm bệnh, tức gần như bất cứ ai cũng có thể mắc Covid-19 ít nhất một lần. Do vậy, có thể thấy, Trung Quốc đã dần coi Covid-19 như một bệnh lây nhiễm đường hô hấp thông thường và các hoạt động xuyên biên giới sẽ ngày càng trở nên thông thoáng hơn.
Tuy nhiên, mở cửa có nghĩa sẽ có làn sóng người Trung Quốc đổ ra nước ngoài và nhiều người nước ngoài đến Trung Quốc. Đến nay, hầu hết các quốc gia thành viên EU ủng hộ yêu cầu du khách đến từ Trung Quốc đại lục phải xét nghiệm Covid-19 trước khi khởi hành. Các quốc gia khác như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Anh, Australia cũng đã quyết định tăng cường kiểm soát biên giới đối với du khách từ Trung Quốc. Một số nhà khoa học còn cảnh báo sự lây lan mạnh Covid-19 ở Trung Quốc có thể dẫn tới sự xuất hiện các biến thể mới.
Cách Trung Quốc phản ứng và phối hợp với thế giới trước các mối lo ngại của các nước khác
Sau khi hạ cấp quản lý Covid-19, Trung Quốc tuyên bố bỏ cách ly tập trung với người nhập cảnh. Tuy nhiên, theo quy định mới nhất, từ ngày 8/1, người nhập cảnh vào Trung Quốc vẫn phải làm xét nghiệm axit nucleic 48 giờ trước khi khởi hành và chỉ những người có kết quả âm tính mới có thể nhập cảnh vào nước này.
Trong khi đó, do Trung Quốc mới nới lỏng các biện pháp chống dịch trong nước từ đầu tháng 11/2022, hiện nay số ca bệnh ở nước này vẫn đang ở mức cao, một số nơi thậm chí rất cao. Do vậy, việc một số quốc gia yêu cầu du khách đến từ Trung Quốc đại lục phải xét nghiệm Covid-19 trước khi khởi hành là điều hoàn toàn dễ hiểu. Cách làm này cũng tương tự với những gì Trung Quốc đang áp dụng với các nước khác.
Trong những phản ứng đầu tiên khi một số quốc gia tuyên bố tăng cường kiểm dịch với du khách đến từ Trung Quốc, nước này đã phản ứng khá mềm mỏng, chỉ đề nghị các nước phòng chống dịch cần “khoa học và phù hợp”, không nên ảnh hưởng đến các trao đổi nhân sự bình thường.
Tuy nhiên, gần đây, sau khi xuất hiện bình luận của một số quốc gia về cách thức chống dịch và việc cung cấp thông tin liên quan đến Covid-19 của Trung Quốc, nước này đã lên tiếng phản đối, cho rằng một số quốc gia áp dụng các biện pháp hạn chế nhập cảnh nhằm vào Trung Quốc “thiếu cơ sở khoa học”, thậm chí là thái quá và điều này là “không thể chấp nhận được”. Bắc Kinh tuyên bố “kiên quyết phản đối các âm mưu thao túng các biện pháp phòng chống dịch nhằm đạt được các mục đích chính trị và sẽ áp dụng các biện pháp tương ứng theo nguyên tắc đối đẳng”.
Trước đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về việc Trung Quốc không cung cấp dữ liệu thực về tình hình dịch hiện nay, nước này đã “kêu gọi WHO giữ vững lập trường khoa học, khách quan và công bằng”, đồng thời khẳng định Trung Quốc luôn chia sẻ thông tin và dữ liệu liên quan đến Covid-19 với cộng đồng quốc tế một cách công khai, minh bạch.
Theo lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh, nước này đã duy trì hợp tác chặt chẽ với WHO trong một thời gian dài và các kênh liên lạc này luôn thông suốt. Theo thống kê chưa đầy đủ do bà cung cấp, kể từ khi có dịch, hai bên đã tiến hành ít nhất 60 cuộc trao đổi kỹ thuật về phòng chống dịch, điều trị, nghiên cứu phát triển vắc xin và truy xuất nguồn gốc vi rút.
Bà cũng cho biết, kể từ khi tối ưu hóa và điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch, Trung Quốc đã tổ chức nhiều cuộc trao đổi kỹ thuật với WHO, bao gồm các ngày 9/12, 30/12/2022 và ngày 5/1/2023. Nước này cũng đã chia sẻ trình tự gen vi rút của các trường hợp mắc Covid-19 ở Trung Quốc thông qua Cơ sở dữ liệu chia sẻ dịch cúm toàn cầu (GISAID).
Tuy nhiên, có một thực tế, do Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã không còn công bố số ca Covid-19 hàng ngày từ 25/12, tiêu chí để đánh giá các ca tử vong do căn bệnh này cũng đã thu hẹp, chỉ có số liệu điều tra do một số địa phương công bố, do vậy hiện rất khó để có được dữ liệu công khai đầy đủ về tình hình dịch ở Trung Quốc.
Một số điều đáng lưu ý và tác động chính sách mở cửa của Trung Quốc
Theo quy định mới, từ ngày 8/1, người nhập cảnh vào Trung Quốc phải làm xét nghiệm axit nucleic 48 giờ trước khi khởi hành và chỉ những người có kết quả âm tính mới có thể nhập cảnh vào nước này. Khách du lịch nhập cảnh có khai báo sức khỏe bình thường và không có dấu hiệu bất thường trong quá trình kiểm tra tại hải quan cửa khẩu sẽ được phép tham gia ngay vào các hoạt động ngoài xã hội. Những người sức khỏe bất thường hoặc có các triệu chứng như sốt sẽ được phân loại để xử lý.
Tuy nhiên, với các cửa khẩu đường bộ, mặc dù hải quan nước này khẳng định sẽ tích cực thúc đẩy mở lại có trật tự các cửa khẩu biên giới trên đất liền và phối hợp chặt chẽ đảm bảo thông quan thuận lợi tại các cửa khẩu, nhưng người nhập cảnh vẫn cần thường xuyên, kịp thời cập nhật thông tin về tiến độ mở cửa, để nắm bắt được các đối tượng được phép nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ và những đối tượng phải di chuyển bằng đường hàng không. Bởi đến nay, hoạt động cấp visa cho người nước ngoài nhập cảnh vào Trung Quốc mới chỉ giới hạn cho mục đích kinh doanh, làm việc, học tập, thăm thân và đoàn tụ.
Riêng với hàng hóa, ngay từ ngày 28/12/2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ra thông báo cho biết sẽ dỡ bỏ các biện pháp chống Covid-19, bao gồm xét nghiệm axit nucleic tại các cửa khẩu đối với tất cả thực phẩm nhập khẩu thuộc chuỗi đông lạnh và các mặt hàng không thuộc chuỗi đông lạnh từ ngày 8/1/2023. Cơ quan này cũng lưu ý các địa phương ở Trung Quốc thúc đẩy việc nối lại hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách tại các cửa khẩu biên giới một cách có trật tự và ổn thỏa, theo trình tự và phân loại.
Việc Trung Quốc dần loại bỏ các yêu cầu kiểm dịch, được đánh giá là sẽ tạo điều kiện cho sự phục hồi nhanh chóng của các hoạt động trao đổi nhân sự và giao lưu kinh tế với các nước.
Đáng chú ý, theo tuyên bố của các quan chức Trung Quốc, nước này đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế. Năm nay sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi hơn cho sự phát triển và hoạt động kinh tế của Trung Quốc sẽ được cải thiện về tổng thể. Thủ tướng Lý Khắc Cường mới đây khẳng định, tốc độ tăng trưởng kinh tế nước này sẽ liên tục phục hồi.
Một số chuyên gia cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc có thể co lại trong 3 tháng đầu tiên kể từ khi mở cửa trở lại. Nhưng sự phục hồi sẽ đến sớm hơn dự kiến của các nhà phân tích. Nhiều người cho rằng giai đoạn cực kỳ biến động sẽ kết thúc vào cuối tháng Ba. Vào thời điểm này, sự phục hồi sẽ bắt đầu và tiếp diễn trong cả năm.
Hoạt động mở cửa trở lại của Trung Quốc không chỉ tác động tới nền kinh tế trong nước mà còn với cả thế giới. Từ đầu tháng 1/2023 đến nay, hàng loạt hãng hàng không trong nước của Trung Quốc đã tuyên bố khôi phục các đường bay quốc tế, trong đó đa phần là các chuyến bay tới các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Người dân Trung Quốc đang rất nóng lòng để được đi du lịch trong và ngoài nước sau 3 năm bị hạn chế di chuyển vì dịch bệnh. Do vậy, các nước láng giềng có thể sẽ được hưởng lợi từ hoạt động đi lại của du khách Trung Quốc. Ngân hàng Goldman Sachs ước tính, Thái Lan, một điểm đến phổ biến với du khách Trung Quốc, có thể được hưởng mức tăng trưởng 3 điểm phần trăm sau khi Bắc Kinh mở cửa biên giới trở lại.
Về toàn bộ nền kinh tế, Sách Xanh Kinh tế do Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc dự đoán, năm nay, kinh tế nước này sẽ tăng khoảng 5,1%. Một số định chế quốc tế, như ngân hàng Morgan Stanley cũng nâng dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc năm 2023 lên 5,4% so với mức trước đó là 5%. Nhiều nhà phân tích cho rằng, kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi và tiếp tục trở thành động lực của kinh tế thế giới trong năm 2023./.
Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh