Câu chuyện Mỹ ở Brazil

Ông Lula da Silva là tổng thống đầu tiên của Brazil trở lại cầm quyền thông qua bầu cử dân chủ.

 

Ở Brazil, Tổng thống đắc cử Lula Inascio da Silva đã tuyên thệ nhậm chức vào ngày 1/1/2023 vừa qua. Ông Lula da Silva là tổng thống đầu tiên của Brazil trở lại cầm quyền thông qua bầu cử dân chủ. Nhưng những gì đã diễn ra trong quá trình trở lại cầm quyền của ông Lula như thể lặp lại những gì đã diễn ra ở Mỹ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi cuối năm 2020.

Ở nước Mỹ vào năm 2020, tổng thống đương nhiệm Donald Trump thuộc Đảng Cộng hòa bị thất cử và cựu phó tổng thống Joe Biden thuộc Đảng Dân chủ đắc cử. Ông Trump không chịu công nhận thất cử và tìm mọi cách để lật ngược kết quả bầu cử tổng thống nhưng đều thất bại. Ngày 6/1/2021, khi thượng viện Mỹ họp để phê chuẩn kết quả bầu cử tổng thống và chính thức xác nhận thắng cử của ông Biden, những người ủng hộ ông Trump đã tấn công vào tòa nhà trụ sở quốc hội Mỹ, phá phách và cản trở hoạt động đang diễn ra ở thượng viện. Về sau, ủy ban điều tra của hạ viện Mỹ đi đến kết luận rằng chính ông Trump đã kích động những người ủng hộ mình hành động như vậy. Ông Trump không những không chịu chúc mừng người kế nhiệm mà còn không tham dự nghi lễ tuyên thệ nhậm chức của tổng thống mới, phá bỏ thông lệ đã trở thành truyền thống chính trị ở Mỹ.

Tổng thống đắc cử Lula Inascio da Silva. (Ảnh: KT)Ở Brazil trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 10 năm ngoái, tổng thống đương nhiệm Jair Bolsonaro bị thất cử và ông Lula da Silva đắc cử. Giống như ông Trump ở Mỹ, ông Bolsonaro cũng không công nhận thất bại và không chúc mừng người thắng cử. Ông Bolsonaro cũng không tham dự nghi lễ tuyên thệ nhậm chức của người kế nhiệm. Mấy ngày sau, những người ủng hộ ông Bolsonaro tấn công vào phủ tổng thống và phá phách ở đó, kêu gọi giới quân sự xuất chinh để lật đổ ông Lula da Silva và đưa ông Bolsonaro trở lại cầm quyền. Đáng chú ý ở Brazil là trong khi giới quân sự án binh bất động thì lực lượng an ninh lại làm ngơ để cho những phần tử nổi loạn tràn vào phá phách phủ tổng thống.

Ở cả Mỹ cách đây hơn 2 năm và Brazil trong thời gian vừa qua, nền dân chủ và hiệu lực của nhà nước pháp quyền đều bị thách thức nghiêm trọng, thậm chí bị đe dọa. Ở cả hai nơi, nội bộ chính trường và xã hội đều bị phân rẽ sâu sắc và thậm chí còn phân bè, chia phái đối địch nhau không khoan nhượng. Mỹ là nền kinh tế lớn nhất châu Mỹ và thế giới, Brazil là nền kinh tế lớn nhất khu vực Trung và Nam Mỹ. Thực trạng chính trị - xã hội như thế ở hai nước này vì vậy mà có tác động rất mạnh mẽ vượt ra ngoài phạm vi lãnh thổ của Mỹ và Brazil. Ở cả hai nơi đều thấy có hiện tượng cực đoan hóa cánh hữu và dân tuý. Ở Mỹ, ông Biden phải trực diện hạ viện do phe Đảng Cộng hoà kiểm soát trong khi ở Brazil, ông Lula phải đối phó với phe đối lập chiếm đa số trong quốc hội. Việc hợp tác giữa tổng thống và quốc hội vì vậy sẽ rất khó khăn và ông Biden ở Mỹ cũng như ông Lula da Silva ở Brazil đều phải nỗ lực hợp tác như có thể được với quốc hội thì mới có thể cầm quyền thành công và dùng thành quả cầm quyền để chế ngự và vô hiệu hoá mọi sự chống đối và chống phá của các lực lượng cực đoan trong phe cánh của ông Trump và ông Bolsonaro.

Chuyện đã xảy ra ở Mỹ mới rồi lại xảy ra ở Brazil - điều này là điềm thật sự bất lành đối với nền dân chủ và nhà nước pháp quyền ở các quốc gia châu Mỹ nói chung. Những lực lượng ủng hộ dân chủ và nhà nước pháp quyền trên châu lục này không thể không nhìn nhận đấy là sự báo động và cảnh tỉnh khẩn thiết. Mỹ và Brazil bất an và bất ổn về chính trị và xã hội sẽ tác động rất tiêu cực tới tình hình an ninh và ổn định chính trị, xã hội ở các nước khác trên châu lục, đồng thời khích lệ các lực lượng cực hữu, cánh hữu cực đoan, dân tuý và dân tộc chủ nghĩa đặc biệt ở châu Âu trỗi dậy mạnh mẽ hơn nữa./.

Hoàng Lan

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận