Chính phủ mới của Israel đang phải đối mặt với một làn sóng biểu tình quy mô lớn, phản đối các kế hoạch cải cách ngành tư pháp. Tuy nhiên, Thủ tướng Netanyahu đang tỏ rõ quyết tâm “không nhượng bộ” trước người biểu tình khi khẳng định phải có những sửa đổi cần thiết đối với hệ thống tư pháp.
Dưới sức ép của các đảng cực hữu trong chính phủ liên minh, Thủ tướng Israel Netanyahu và Bộ trưởng Tư pháp Yariv Levin đã đưa ra một loạt đề xuất cải cách tư pháp, bao gồm việc cho phép Quốc hội bác bỏ phán quyết của Tòa án Tối cao và can thiệp vào quá trình bổ nhiệm các thẩm phán.
Dự luật được đưa ra trong bối cảnh phe cánh hữu chiếm đa số trong Quốc hội cho rằng, các Thẩm phán đang ngày càng lấn sâu sang lĩnh vực chính trị, vượt quá thẩm quyền và có xu hướng ủng hộ các chương trình nghị sự của các Đảng phái cánh tả.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, những người phản đối cải cách tư pháp lại cho rằng, chính phủ cực hữu của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang cố gắng kiểm soát hệ thống tư pháp, xóa bỏ sự độc lập của ngành này, phá hoại quy tắc dân chủ; thúc đẩy tham nhũng và hạn chế các quyền của các nhóm người thiểu số…
Trên thực tế, trong 2 ngày cuối tuần qua, hàng chục nghìn người Israel, bao gồm cả Chánh án Tòa án Tối cao và tổng chưởng lý đã xuống đường biểu tình:
“Chúng tôi đến đây để đấu tranh cho dân chủ. Chúng tôi muốn nói rằng chính phủ liên minh hiện tại ở Israel muốn thay đổi chế độ, để biến chúng tôi thành chế độ đen tối trên thế giới. Chúng tôi sẽ không chấp nhận điều đó và chúng tôi sẽ đấu tranh cho nền dân chủ này”.
“Tôi đến đây để biểu tình chống lại các bước phản dân chủ của chính phủ mới ở Israel. Họ đang chống lại nền tảng của nền dân chủ Israel và đang cố gắng áp dụng các quy tắc hà khắc”.
“Chúng tôi cần một hệ thống tư pháp độc lập mạnh mẽ và chính phủ mới đang cố gắng xóa bỏ nó. Chúng tôi đang cố gắng nói chuyện với Tổng thống, mong ông hãy ở bên chúng tôi và đừng để điều đó xảy ra”.
Tổng thống Israel Isaac Herzog hôm qua (15/1) đã phải lên tiếng cảnh báo, kế hoạch cải cách tư pháp mà chính phủ Thủ tướng Netanyahu đang cố gắng thực hiện có thể gây ra một cuộc “khủng hoảng hiến pháp lịch sử”:
“Chúng ta đang vướng vào một bất đồng sâu sắc, chia rẽ đất nước chúng ta. Điều này khiến tôi và người dân đất nước này vô cùng lo lắng. Giờ đây, tôi đang tập trung vào hai vai trò quan trọng mà tôi tin rằng mình sẽ đảm nhận với tư cách là tổng thống, đó là ngăn chặn một cuộc khủng hoảng hiến pháp lịch sử và ngăn chặn sự rạn nứt đang tiếp diễn trong lòng đất nước của chúng ta”.
Tổng thống Israel đã dành cả tuần trước để thúc đẩy các đảng phái cánh hữu và cánh tả ngồi vào bàn đối thoại để ngăn sự chia rẽ tiếp diễn. Tuy nhiên, hôm qua, Thủ tướng Netanyahu - người đứng đầu chính phủ liên minh cánh hữu vẫn tuyên bố sẽ không nhân nhượng trước người biểu tình:
“Hai tháng trước đã có một cuộc tuần hành lớn hơn nhiều… Hàng triệu người xuống đường nhưng là để bỏ phiếu bầu cử. Một trong những nội dung mà cử tri bỏ phiếu ủng hộ chúng tôi - đó là việc cải cách hệ thống tư pháp”.
Theo người đứng đầu chính phủ Israel, chính quyền của ông “sẽ có những sửa đổi cần thiết đối với hệ thống tư pháp, theo cách thận trọng và có trách nhiệm".
Cựu Thủ tướng Yair Lapid - người đứng đầu phe cánh tả đối lập Israel đề xuất, cần phải có một cuộc trưng cầu ý dân cho những sửa đổi này; hoặc không nếu muốn bác bỏ phán quyết của Tòa án tối cao, phải cần ít nhất 70 phiếu biểu ủng hộ tại quốc hội 120 ghế, thay vì chỉ cần đa số 61 phiếu như đề xuất của phe cánh hữu./.
Đình Nam/VOV1
Tổng hợp