Trong chiều ngày 8/2, ông Zelensky đã đặt chân đến Anh, hội đàm cùng Thủ tướng Anh Rishi Sunak, tiếp kiến Nhà Vua Anh Charles III đồng thời có bài phát biểu trước Nghị viện Anh, kêu gọi Anh gia tăng viện trợ quân sự cho Ukraine, đặc biệt là các khí tài hiện đại như máy bay chiến đấu. Tiếp đó, ông Zelensky cũng đã đến thăm các đơn vị quân đội Ukraine đang được huấn luyện trên đất Anh.
Trong tối ngày 8/2, Tổng thống Ukraine đã đặt chân đến Pháp, hội đàm cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng Thủ tướng Đức Olaf Scholz, với cùng mục đích vận động các nước châu Âu tiếp tục gia tăng viện trợ quân sự cho Ukraine. Các chuyến thăm bất ngờ đến châu Âu lần này mới là lần thứ hai ông Zelensky rời khỏi Ukraine kể từ khi nổ ra xung đột Ukraine vào tháng 2/2022. Trước đó, vào cuối năm 2022, ông Volodymyr Zelensky cũng đã đến thăm Mỹ.
Sau các điểm dừng chân ở Anh và Pháp, theo dự kiến Tổng thống Ukraine sẽ có mặt tại Brussels trong sáng 9/2, gặp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và có bài phát biểu trước Nghị viện châu Âu, nhằm vận động châu Âu viện trợ quân sự-kinh tế và gây sức ép để châu Âu đẩy nhanh quá trình kết nạp Ukraine làm thành viên của khối.
Chuyến thăm bất ngờ của ông Zelensky đang gây ra nhiều tranh cãi tại châu Âu. Mặc dù chuyến thăm của ông Zelensky được giữ bí mật nhưng từ ngày 6/2, thông tin từ Nghị viện châu Âu đã đề cập đến chuyến thăm, buộc phía Hội đồng châu Âu lên tiếng tạm thời bác bỏ. Giới quan sát nhận định, đang có những mâu thuẫn và cạnh tranh, vì hình ảnh cá nhân, giữa các lãnh đạo hàng đầu của Liên minh châu Âu trong việc thể hiện mình là người ủng hộ nhiệt thành nhất cho Ukraine. Ngoài ra, giới phân tích cũng cho rằng chuyến thăm của ông Zelensky đến Brussels cũng chủ yếu mang tính biểu tượng bởi các vấn đề cụ thể đã được hai bên bàn thảo tại Thượng đỉnh EU-Ukraine diễn ra tuần trước tại Kiev.
Điều đáng nói hơn, đó là chuyến thăm của ông Zelensky sẽ khiến chủ đề Ukraine tiếp tục bao trùm tại Thượng đỉnh đầu tiên của Liên minh châu Âu trong năm 2023, mà theo kế hoạch ban đầu sẽ dành chủ yếu thời gian để thảo luận các vấn đề nội bộ quan trọng khác của châu Âu là chính sách nhập cư và việc đối phó với Đạo luật giảm lạm phát (IRA) của Mỹ.
Trong một bức thư chung gửi đến Liên minh châu Âu đầu tuần này ngay trước thềm Thượng đỉnh, lãnh đạo các nước Malta, Đan Mạch, Hy Lạp, Latvia, Litva, Estonia, Áo và Slovakia tuyên bố “tình trạng nhập cư bất thường gia tăng đang là một trong những vấn đề nguy cấp nhất của châu Âu và nếu không có các nỗ lực triệt để, tình hình sẽ chỉ càng tồi tệ hơn trong những năm tới”. Lãnh đạo các nước cũng đánh giá “hệ thống cấp quy chế tị nạn” của châu Âu đang đổ vỡ. Cũng chung mối quan ngại về vấn đề nhập cư, chính phủ Hungary cũng kêu gọi Uỷ ban châu Âu hỗ trợ tài chính cho các nước thành viên xây dựng các hàng rào ở biên giới, một chính sách vốn bị Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, nhiều lần bác bỏ. Theo các số liệu cho châu Âu cung cấp, trong năm 2022 đã có hơn 330.000 người tị nạn trái phép xâm nhập vào EU, con số cao nhất từ năm 2016.
Một chủ đề gai góc khác mà các lãnh đạo châu Âu cũng sẽ phải bàn thảo là việc xây dựng các chính sách ứng phó và trả đũa đối với Đạo luật giảm lạm phát (IRA) được Mỹ tung ra cuối năm 2022 mà theo EU là đã phân biệt đối xử với các công ty châu Âu và tạo lợi thế cạnh tranh bất bình đẳng cho các công ty đầu tư, sản xuất trên đất Mỹ. Các lãnh đạo cấp cao của châu Âu trong thời gian qua từng nhiều lần cảnh báo sẽ đáp trả chính sách của Mỹ nhưng hiện châu Âu vẫn chưa công bố bất cứ biện pháp cụ thể nào./.
Quang Dũng/VOV-Paris