EU mở rộng cấm vận Nga

Bắt đầu từ ngày 5/2 vừa qua, EU tiến hành cấm vận đối với cả sản phẩm từ dầu mỏ của Nga.

 

Bắt đầu từ ngày 5/2 vừa qua, EU tiến hành cấm vận đối với cả sản phẩm từ dầu mỏ của Nga. Biện pháp này được EU quyết định từ cách đấy 2 tháng cùng với quyết định cấm vận xuất khẩu dầu mỏ của Nga. Tuy được áp dụng muộn hơn nhưng việc cấm vận xuất khẩu sản phẩm từ dầu mỏ của Nga được EU thực hiện theo cách thức như cấm vận dầu mỏ của Nga. Theo đó, các nước thành viên EU và cả nhóm G7 ngừng nhập khẩu dầu mỏ và sản phẩm từ dầu mỏ của Nga, áp giá trần cho xuất khẩu dầu mỏ và sản phẩm từ dầu mỏ của Nga đối với các hãng vận tải và bảo hiểm cung cấp các dịch vụ vận tải và bảo hiểm liên quan cho xuất khẩu dầu mỏ và sản phẩm từ dầu mỏ của Nga.

Với biện pháp chính sách trừng phạt Nga này, EU và nhóm G7 nhằm mục tiêu vừa triệt hạ như có thể được nguồn thu của Nga từ xuất khẩu dầu mỏ và sản phẩm từ dầu mỏ vừa vẫn để cho Nga xuất khẩu dầu mỏ và sản phẩm từ dầu mỏ, không ngăn chặn mọi khả năng xuất khẩu của Nga để không gây tình trạng khan hiếm dầu mỏ và sản phẩm từ dầu mỏ trên thị trường thế giới. Nga là một trong những nước cung ứng lớn nhất dầu mỏ và sản phẩm từ dầu mỏ cho thị trường thế giới nên Nga tăng hay giảm, tiếp tục hay ngừng xuất khẩu dầu mỏ và sản phẩm từ dầu mỏ tác động trực tiếp ngay lập tức tới cán cân cung cầu và qua đó giá bán mua trên thị trường. Nhiều nước thành viên EU và nhóm G7 vốn nhập khẩu khối lượng lớn dầu mỏ và sản phẩm từ dầu mỏ của Nga nhưng không thể tìm kiếm được nguồn cung ứng thay thế ngay lập tức nên sẽ gặp khó khăn lớn nếu Nga ngừng xuất khẩu và giá dầu, giá sản phẩm từ dầu trên thị trường thế giới gia tăng.

Hệ thống van tại mỏ khí đốt Gremikhinskoye, Nga. (Ảnh minh họa: Reuters/TTXVN)

EU và nhóm G7 mưu tính như vậy. Không còn những khách hàng truyền thống lớn này nữa, Nga đương nhiên gặp khó khăn vì không dễ dàng và không thể nhanh chóng tìm kiếm được khách hàng thay thế. Thu nhập của Nga từ xuất khẩu dầu mỏ và sản phẩm từ dầu mỏ chắc chắn sẽ bị suy giảm. EU và nhóm G7 mưu tính rằng một khi bị triệt hạ nguồn thu nhập rất quan trọng và rất đáng kể này thì Nga không thể tài chi được lâu dài cho cuộc chiến ở Ukraine với Ukraine.

Định hướng và mục tiêu chiến lược của phe các nước phương Tây liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine là hậu thuẫn Ukraine bằng mọi giá và với mọi cách để Ukraine chiến thắng trong cuộc chiến tranh này, đồng thời gây khó như có thể được cho Nga để buộc Nga chỉ có thể thua chứ không thể thắng được ở Ukraine. Phe này đã tổ chức sự phân vai giữa các thành viên với nhau để thực hiện chiến lược này. NATO trang bị cho Ukraine các chủng loại vũ khí cần thiết và cung cấp thông tin tình báo để Ukraine cầm cự và tấn công quân sự ở Ukraine. EU và nhóm G7 hậu thuẫn Ukraine về chính trị và tài chính để nhà nước Ukraine duy trì hoạt động, đồng thời EU và nhóm G7 trừng phạt Nga. Một số nước thành viên NATO đã quyết định cung cấp xe tăng chiến đấu hiện đại cho Ukraine. EU phá lệ khi tổ chức hẳn cuộc gặp cấp cao với Ukraine tại Ukraine. Và bây giờ, EU cùng với nhóm G7 cấm vận và áp giá trần đối với cả xuất khẩu sản phẩm từ dầu mỏ của Nga.

Biện pháp chính sách mới này có giúp EU và nhóm G7 toại nguyện hay không phụ thuộc ở mức độ rất quyết định vào việc EU và nhóm G7 có nhanh chóng tìm kiếm được nguồn cung ứng thay thế hay không và vào việc Nga có nhanh chóng khai phá được thị trường mới và tạo dựng khả năng tăng cường xuất khẩu cho các khách hàng truyền thống được hay không. Những khách hàng lớn của Nga như Trung Quốc và Ấn Độ đóng vai trò rất quyết định trên phương diện này. Một rủi ro khác nữa về nguy cơ phản tác dụng đối với EU và nhóm G7 là nếu Nga giảm mức độ xuất khẩu thì giá dầu mỏ và sản phẩm từ dầu mỏ trên thị trường thế giới sẽ tăng, cung ứng khan hiếm và lạm phát sẽ tăng ở các nước thành viên EU và nhóm G7. Cho nên, cú đòn này của EU và nhóm G7 có tác động hai mặt của nó đối với chính phe này./.

Hoàng Lan

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận