Quyết sách lớn, hệ lụy nhiều

Ông Trump có những quyết sách quan trọng nhất từ trước đến nay về đối ngoại và an ninh với quyết định triệt thoái quân đội Mỹ ra khỏi Syria.

 

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có một trong những quyết sách quan trọng nhất từ trước đến nay về đối ngoại và an ninh với quyết định triệt thoái quân đội Mỹ ra khỏi Syria.

Quyết định này của ông Trump khiến tất cả các đồng minh chiến lược của Mỹ ở châu Âu và ở khu vực xung quanh Syria không khỏi ngỡ ngàng. Cả trong nước Mỹ có không ít dân biểu và cộng sự thân cận của ông Trump cũng vậy, đặc biệt từ phía bộ quốc phòng Mỹ. Ông Trump lập luận cho quyết định này bằng lý do cho rằng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã bị đánh bại ở Syria và nước Mỹ không thể tốn công, hao của và mất người thêm được nữa ở Syria và vì Syria. Cũng vì quyết định này của ông Trump mà bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis và đặc phái viên của Mỹ cho cuộc chiến chống IS Brett McGurk từ chức.

          Mỹ can thiệp quân sự vào cuộc chiến tranh và nội chiến ở Syria từ năm 2014, khi tổng thống Mỹ là Barack Obama chứ chưa phải là Donald Trump. Cách thức can thiệp của Mỹ là không kích bằng tên lửa hoặc máy bay và triển khai ở Syria khoảng 2.000 binh lính, nhân viên không phải để tham chiến trực tiếp mà để huấn luyện và cố vấn cho lực lượng vũ trang YPG của người Kurd ở vùng miền bắc của Syria giáp Thổ Nhĩ Kỳ. YPG là hạt nhân và trụ cột của liên minh Lực lượng dân chủ Syria (SDF). SDF là đối tác chính và duy nhất của Mỹ ở Syria. Khi ấy, Mỹ đề ra 3 mục tiêu cho sự hiện diện và can thiệp quân sự vào Syria: tiêu diệt IS, đẩy lùi vai trò và ảnh hưởng của Iran ở Syria và kiến tạo giải pháp chính trị lâu bền cho Syria. Hiện tại đúng là IS đã bị đánh tan ở Syria, nhưng tàn quân vẫn còn, thể chế nhà nước tự xưng IS bị tiêu diệt nhưng những phần tử theo IS vẫn còn hoạt động. Vai trò và ảnh hưởng của Iran ở Syria vẫn không hề bị suy chuyển gì. Giải pháp chính trị cho Syria đang dần định hình mà vai trò của Mỹ trong đó lại chỉ rất hạn chế. Bởi thế, ông Trump quyết định rút quân Mỹ ra khỏi Syria không phải vì IS đã bị tiêu diệt hoàn toàn, không phải vì Mỹ đã đạt được tất cả 3 mục tiêu nói trên mà chắc chắn vì những nguyên do khác và nhằm mục tiêu khác.

          Mỹ rút quân khỏi Syria không có nghĩa là Mỹ chấm dứt can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria, nhưng bản chất của việc can thiệp đã thay đổi cơ bản, mức độ hậu thuẫn cả về chính trị lẫn quân sự cho YPG và SDF không còn được như trước. Mỹ rút quân sẽ tạo ra khoảng trống về chính trị và an ninh mới ở Syria không phải dành cho đồng minh của Mỹ mà lại dành cho Thổ Nhĩ Kỳ và các đối thủ chính của Mỹ và đồng minh của Mỹ ở Syria là Nga và Iran. Israel và Ả rập Xê út hậm hực bao nhiêu về quyết định này của ông Trump thì chính phủ Syria, Nga và Iran lại vui mừng bấy nhiêu. Cục diện chiến sự và tương quan lực lượng ở Syria sẽ thay đổi cơ bản và tiến trình tìm kiếm giải pháp chính trị cho Syria cũng bị tác động mạnh mẽ. Những đồng minh và đối tác của Mỹ không sai khi cho rằng ông Trump đã buông bỏ Syria cho các đối thủ của Mỹ.

Ông Trump đưa ra quyết sách này mà không nghe theo tư vấn của cộng sự vì cần sử dụng đối ngoại phục vụ đối nội, cần tác động dân tuý của việc thực hiện cam kết tranh cử để đối phó với những khó khăn và hiểm nguy mới ở nước Mỹ. Quan điểm nhất quán của người này là giảm cam kết của Mỹ ở bên ngoài nước Mỹ. Cả ý định của ông Trump triệt thoái "bộ phận đáng kể" quân đội Mỹ ra khỏi Afghanistan cũng thể hiện quan điểm ấy. Đằng sau đó còn ẩn hiện nhận thức là Mỹ không thể thắng được ở cả Syria và Afghanistan cho nên rút quân về bây giờ sẽ giúp tránh bị thất bại còn nặng nề hơn và không phải trả giá còn đắt hơn trong tương lai, lại còn có thể biến thất bại ở bên ngoài thành con bài có giá trị đối nội cho mình./.

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận