Ngoại giao hoà giải của Trung Quốc cho Ukraine

Việc Trung Quốc đưa ra văn kiện vào thời điểm hiện tại vẫn có tác động rất tích cực đối với Trung Quốc.

 

Mấy ngày sau khi tuyên cáo ở Hội nghị An ninh Munich (Đức), Trung Quốc công bố văn kiện 12 điểm nội dung với tên gọi "Giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Ukraine".

Hoạt động ngoại giao này của Trung Quốc đương nhiên được cả thế giới chứ không chỉ có những bên liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp tới cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine quan tâm để. Đơn giản vì cho tới nay Trung Quốc trên danh nghĩa chính thức không ngả hẳn về phía bên nào liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine, vì Trung Quốc có mối quan hệ hợp tác "không giới hạn" với Nga. Mỹ, EU, NATO, Ukraine và đồng minh quan ngại vô cùng sâu sắc về khả năng Trung Quốc hậu thuẫn Nga, đặc biệt về kịch bản Trung Quốc giúp Nga vô hiệu hoá hoặc giảm thiểu tác động của những biện pháp chính sách trừng phạt Nga mà phe này áp dụng từ sau khi cuộc chiến ở Ukraine bùng phát cũng như về kịch bản Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) gặp Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản TQ Vương Nghị tại thủ đô Moscow ngày 22/2. (Ảnh: TÂN HOA XÃ)Trung Quốc đưa ra văn kiện với 12 điểm nội dung trên vào đúng thời điểm một năm ngày bùng nổ cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine và điều này được chủ ý để đạt được hiệu ứng truyền thông quốc tế tối đa. Sáng kiến ngoại giao của Trung Quốc nhằm vươn tới giải pháp chính trị cho cuộc chiến ở Ukraine được phía Nga hoan nghênh trong khi phía bên kia lại rất dè dặt với hàm ý không chấp nhận. Tổng thống Mỹ Joe Biden coi nó không hợp lý và chỉ có lợi cho Nga. EU và NATO trong thực chất cũng có quan điểm tương tự nhưng thể hiện ra bên ngoài bằng ngôn từ khác. Ukraine không phản bác hoàn toàn mà cho biết nhận thấy ở trong đó có một số điểm tích cực. Có thể hiểu là Mỹ, EU, NATO, Ukraine và đồng minh không chấp nhận vai trò trung gian hoà giải cho cuộc chiến ở Ukraine với văn kiện bao hàm 12 điểm nội dung nói trên.

Phe này thật ra không thể phê trách hay bác bỏ 12 điểm nói trên của Trung Quốc mà cho rằng chỉ như thế thôi thì chưa đủ đối với họ và 12 điểm này không giúp họ đạt được mục đích chính của họ trong cuộc chiến tại Ukraine là buộc Nga phải thất bại. Trung Quốc nêu ra quan điểm về những nguyên tắc cho giải pháp chính trị đối với cuộc chiến ở Ukraine, không đưa ra đề nghị về kế hoạch và lộ trình cụ thể nhằm đạt được giải pháp chính trị đáp ứng những nguyên tắc này. Tính khả thi trên thực tế của sáng kiến ngoại giao này của Trung Quốc bị hạn chế khi nó không làm hài lòng Mỹ, EU, NATO, Ukraine và đồng minh.

Dù vậy, việc Trung Quốc đưa ra văn kiện nói trên vào thời điểm hiện tại vẫn có tác động rất tích cực đối với Trung Quốc. Nó giúp Trung Quốc bớt khó khăn và khó xử trong việc duy trì quan hệ hợp tác tốt đẹp và tin cậy với Nga bất chấp cuộc chiến ở Ukraine sẽ còn tiếp tục dai dẳng. Nó giúp Trung Quốc gây dựng hình ảnh và cảm nhận trên thế giới là Trung Quốc không ở hẳn về phía nào giữa hai phe chiến tranh ở Ukraine và đối địch nhau liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine. Ngoại giao hoà giải như thế có thể đóng góp rất quyết định cho vị thế và ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc trong thế giới hiện tại.

Trung Quốc thể hiện quan điểm về những nguyên tắc của giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Ukraine ngay sau khi cả ông Biden và tổng thống Nga Vladimir Putin đều có những phát ngôn khẳng định cuộc chiến ở Ukraine chỉ có thể kết thúc bằng thắng lợi của Nga (đối với ông Putin) hoặc bằng thắng lợi của Ukraine (đối với ông Biden). Ông Biden cam kết hậu thuẫn Ukraine đến khi Nga thất bại ở Ukraine. Ông Putin hạ quyết tâm chiến thắng ở Ukraine. Cứ như thế thì chỉ có tiếp diễn chiến sự ở Ukraine chứ không có cơ hội cho đàm phán hoà bình hướng tới giải pháp chính trị chấm dứt cuôc chiến ở Ukraine. Nếu cứ như thế thì đề nghị ngoại giao mới này không thể có được cơ hội và tiền đề thuân lợi cần thiết để được các bên liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp cùng chấp nhận và cùng thực hiện./.

Hoàng Lan

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận