Sau hơn hai năm tại vị, chính quyền Mỹ với tổng thống Joe Biden và phó tổng thống Kamala Harris công bố văn kiện chính sách với tên gọi Chiến lược quốc gia về an ninh trong không gian mạng. Mỹ lần đầu tiên đưa ra chiến lược cho lĩnh vực đặc biệt này và cũng còn là quốc gia đầu tiên trên thế giới công bố hẳn chiến lược liên quan đến không gian mạng.
Ở ngay phần đầu tiên của chiến lược nói trên, chính quyền hiện tại ở Mỹ đã chỉ ra sự cần thiết phải có chiến lược này đối với Mỹ. Theo đó, chuyện an ninh trong không gian mạng động chạm trực tiếp đến an ninh quốc gia của Mỹ và Mỹ nhìn nhận trong không gian mạng nhiều tiền đề thuận lợi mà Mỹ có thể và phải tận dụng phục vụ cho lợi ích thiết thực hiện tại và chiến lược lâu dài của nước Mỹ. Logic mưu tính lợi ích ở đây là phải đảm bảo an ninh trong không gian mạng thì mới có thể tận dụng được tối đa lợi ích từ không gian mạng và càng khai thác triệt để tiềm năng từ không gian mạng thì càng phải coi trọng và đảm bảo an ninh trong không gian mạng.
Trong chiến lược này, chính phủ Mỹ đưa hai điều chỉnh định hướng chính sách cơ bản là phải dành cho việc đảm bảo an ninh trong không gian mạng sự coi trọng và ưu tiên chính sách cao hơn cũng như phải đầu tư tiền của và tài lực nhiều hơn cho việc đảm bảo an ninh trong không gian mạng. Điều rất thú vị ở đây là Mỹ đưa ra tiêu chí cụ thể cho cái gọi là "hệ sinh thái số" của Mỹ. Theo đấy, hệ sinh thái số của Mỹ phải đáp ứng ba tiêu chí chính là: có thể bảo vệ được (tức là có thể đảm bảo an toàn được), có khả năng đề kháng cao trước các cuộc tấn công mạng hay trước tác động tiêu cực từ những sai sót của con người và tạo ra giá trị.
Chính phủ Mỹ đưa ra cách tiếp cận gồm 5 điểm để đạt được những mục tiêu đề ra trong chiến lược an ninh quốc gia trong không gian mạng: Bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng thiết yếu trong không gian mạng; ngăn chặn và vô hiệu hóa những mối đe dọa từ bên ngoài đối với an ninh của Mỹ trong không gian mạng; tạo ra những động lực trên thị trường nhằm tăng cường an ninh và khả năng đề kháng trong không gian mạng; đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ và kỹ thuật hiện đại trên lĩnh vực an ninh trong không gian mạng và khai thác tiềm năng của không gian mạng; và gây dựng những mối quan hệ đối tác về hợp tác quốc tế trong không gian mạng.
Có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng cũng có thể là chủ ý khi chính phủ Mỹ công bố chiến lược an ninh quốc gia trong không gian mạng đầu tiên trong bối cảnh Mỹ, Canada, EU và một số đồng minh của họ quyết định và thực thi một số biện pháp chính sách cấm ứng dụng TikTok và cấm sử dụng một số sản phẩm của các hãng công nghệ kỹ thuật số của Trung Quốc. Nhiều cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống ở nhiều nơi trên thế giới trong thời gian vừa qua và cả cuộc chiến hiện vẫn dai dẳng ở Ukraine giữa Nga và Ukraine cũng đều cho thấy an ninh trong không gian mạng đã trở nên ngày càng thêm phức tạp và nan giải, nhức nhối và nguy hiểm. Thế giới ảo đã thật sự trở thành vừa chiến trường vừa thị trường, quyết định cả hiện tại lẫn tương lai của thế giới, xã hội và con người.
Cũng trong chiến lược này, chính phủ Mỹ đã tỏ ra rất thức thời và thực tế khi đặt vấn đề gây dựng sự hợp tác với các đối tác bên ngoài để đảm bảo an ninh trong không gian mạng. Thế giới ảo không có biên giới giữa các quốc gia như trong thế giới thật. Việc đảm bảo an ninh trong thế giới ảo vì thế bao hàm hai thành tố là nỗ lực riêng của quốc gia và hợp tác quốc tế. Trên thế giới cho tới nay, nhiều nước đã có thoả thuận song phương hoặc đa phương với nhau về đảm bảo an ninh trong không gian mạng và cùng tận dụng lợi ích từ không gian mạng. Xu thế này chắc rồi sẽ còn mạnh mẽ thêm trong thời gian tới./.
Hoàng Lan