Kỷ nguyên mới trong quan hệ Anh - EU với Khuôn khổ Windsor

Anh và EU đã chính thức ký thực thi Khung thỏa thuận Windsor nhằm giải quyết tình trạng bế tắc thương mại giữa London và Brussels hậu Brexit...

 

Sau 3 năm rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), Anh và EU đã chính thức ký thực thi Khung thỏa thuận Windsor nhằm giải quyết tình trạng bế tắc thương mại giữa London và Brussels hậu Brexit, đồng thời khắc phục những bất cập trong Nghị định thư Bắc Ireland.

Trước đó, hồi cuối tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đạt được nhất trí về Khuôn khổ Windsor. Việc thực thi khuôn khổ Windsor được kỳ vọng sẽ mở đường cho Anh thiết lập mối quan hệ kinh tế gần hơn với Liên minh châu Âu, sau một thời gian nước Anh chịu quá nhiều khó khăn do tác động của Brexit.

Đánh giá về thỏa thuận Windsor

Kể từ khi rời khỏi Liên minh châu Âu, nước Anh phải mất hơn 2 năm mới ký kết với khối này về thực thi Khung thoả thuận Windsor.  Việc Liên minh châu Âu và chính phủ Anh ký thoả thuận chính thức mang tên Khung thoả thuận Windsor là một động thái mang lại lợi ích cho cả hai bên. Tóm tắt một cách ngắn gọn thì Khung thoả thuận Windsor có thể xem là một thoả thuận Brexit phiên bản mới, trong đó ghi nhận những điều chỉnh liên quan đến chủ đề gây tranh cãi nhất trong bản thoả thuận Brexit cũ ký cuối năm 2019 là vấn đề Bắc Ireland.

Trong Khung thoả thuận Windsor thì vấn đề Bắc Ireland được giải quyết bằng các nhân nhượng giữa EU và chính phủ Anh, được đích thân Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen và Thủ tướng Anh Rishi Sunak đàm phán và hoàn tất vào tháng trước tại London.

Anh và EU ký Khung thỏa thuận Windsor.Theo Khung thoả thuận mới, hàng hoá từ các phần lãnh thổ khác của Vương quốc Anh chuyển đến Bắc Ireland sẽ được phân thành hai làn Xanh - Đỏ, một làn dành riêng cho Bắc Ireland thì sẽ được tự do lưu chuyển, không phải chịu bất cứ kiểm tra hải quan nào từ phía EU, một dành cho thị trường EU thì sẽ được kiểm soát. Phía EU cũng chấp nhận một điều khoản mang tên là “Phanh Stormont”, tức trao cho Nghị viện Stormont ở Bắc Ireland cơ chế “phanh khẩn cấp”, được phép dừng các điều luật của EU áp dụng tại Bắc Ireland nếu có mâu thuẫn với lợi ích và các điều luật tại Bắc Ireland, đổi lại phía Anh vẫn cho phép Toà Tư pháp châu Âu có quyền phán xử quyết định trong các vụ việc liên quan đến châu Âu tại Bắc Ireland.

Nhìn chung, đây là một thoả thuận mang tính thoả hiệp cao giữa hai bên, giúp phía chính phủ Anh giải toả được các bức xúc nhất liên quan đến vấn đề Bắc Ireland trong thoả thuận Brexit cũ là việc tự do lưu chuyển hàng hoá trong thị trường nội địa Vương quốc Anh và phần nào đó trấn an được các đảng phái theo chủ nghĩa hợp nhất tại Bắc Ireland bằng cơ chế “phanh Stormont”. Phía EU thì vẫn giữ được quyền lực phán xử của Toà Tư pháp châu Âu, duy trì được việc kiểm soát hải quan nhất định và quan trọng hơn, là bảo vệ được thoả thuận hoà bình “Ngày thứ Sáu tốt lành”, tránh đẩy tình hình an ninh trên đảo Ireland vào nguy cơ bất ổn trở lại.

Do đó, mặc dù được đánh giá là chưa hoàn hảo nhưng Khung thoả thuận Windsor là một thoả thuận cả hai bên cùng có lợi. Ngay cả đảng đối lập lớn nhất tại Anh là Công đảng cũng bỏ phiếu ủng hộ khung thoả thuận mới này. Về phía EU, khung thoả thuận này cũng nhanh chóng được thông qua mà không gặp cản trở gì. Ý nghĩa quan trọng nhất với cả EU và Anh, đó là khung thoả thuận này cho phép hai bên chấm dứt các tồn đọng của Brexit, gạt Brexit sang một bên để hướng tới các ưu tiên hợp tác mới trong tương lai, trong bối cảnh cả hai bên đều đang phải đối mặt với các thách thức lớn hơn nhiều câu chuyện Brexit.

Khó khăn của Anh và EU trong quá trình đàm phán

Trong cuộc bỏ phiếu tại Nghị viện Anh tuần trước, khung thoả thuận Windsor mặc dù được thông qua nhưng vẫn vấp phải sự phản đối của một nhóm các nghị sĩ chống đối trong chính nội bộ đảng Bảo thủ Anh. Đây là nhóm những người theo đuổi chính sách Brexit cứng rắn, trong đó có cả 2 cựu Thủ tướng Anh là ông Boris Johnson và bà Liz Truss.

Những nghị sĩ này cho rằng khung thoả thuận Windsor thực chất là một sự đánh đổi của Thủ tướng Anh Rishi Sunak và rằng ông Rishi Sunak đã chấp nhận quá nhiều nhượng bộ với EU để đổi lại một mối quan hệ kinh tế thân thiết hơn với EU trong tương lai. Những người này kết luận rằng Khung thoả thuận Windsor thực chất chỉ là sự che đậy cho việc nước Anh sẽ không thực thi Brexit một cách đúng nghĩa. Sự phản đối của 22 nghị sĩ đảng Bảo thủ này, trong đó hạt nhân là các nghị sĩ thuộc “Nhóm nghiên cứu châu Âu” (ERG) vốn là các thành phần chống châu Âu mạnh nhất, cho thấy về lâu dài Thủ tướng Anh Rishi Sunak sẽ còn nhiều lần đối mặt với các cản trở từ nhóm này trong việc thực thi các chính sách đối ngoại với châu Âu.

Ngoài sự phản đối của 22 nghị sĩ đảng Bảo thủ, một nguy cơ khác đối với việc thực thi Khung thoả thuận Windsor trong thời gian tới là thái độ không hợp tác của đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland (DUP). Đây là đảng theo đường lối hợp nhất Bắc Ireland với Vương quốc Anh, kiên quyết chống lại các chính sách và xu hướng mà đảng này cho rằng sẽ chia tách Bắc Ireland khỏi Vương quốc Anh.

Trong cuộc bỏ phiếu tại Nghị viện Anh tuần trước, các nghị sĩ của DUP cũng bỏ phiếu chống và cho đến nay DUP vẫn chưa chấp nhận đề nghị quay trở lại tham gia vào chính phủ chia sẻ quyền lực tại Bắc Ireland, đồng thời cho rằng cơ chế “phanh Stormont” vẫn là không đủ để ngăn ngừa nguy cơ Bắc Ireland bị kéo xa khỏi Vương quốc Anh. Tuy nhiên, hiện tại DUP không còn đủ sức nặng chính trị để tác động lớn đến tính toán chiến lược của chính phủ Anh.

Về thực chất, trong tiến trình đàm phán giữa EU và Anh để hoàn tất Khung thoả thuận Windsor, các khó khăn và thách thức lớn chủ yếu đến từ phía Anh, chính xác là việc Thủ tướng Anh Rishi Sunak phải làm sao để có thể cân bằng, hài hoà lợi ích của tất cả các đảng phái tại Anh và Bắc Ireland.

Về phần EU, quan ngại lớn nhất là việc đánh mất kiểm soát hải quan tại Bắc Ireland, qua đó tạo ra lỗ hổng cho hàng hoá không được kiểm soát tràn vào thị trường đơn nhất châu Âu, còn với việc bảo vệ thoả thuận hoà bình “Ngày thứ Sáu tốt lành” thì cả EU lẫn phía Anh đều có mối lo lắng ngang nhau. Do đó, trong quá trình đàm phán với chính phủ Anh, phía EU có nhiều không gian hành động hơn, có điều kiện để thích ứng linh hoạt hơn, nói cách khác là có vị thế đàm phán tốt hơn. Điều này đã thể hiện trong kết quả cụ thể của Khung thoả thuận Windsor, một bản thoả thuận mà đa số giới phân tích đánh giá là EU đạt được nhiều lợi ích hơn.

Tuy nhiên, cũng cần khách quan ghi nhận các nỗ lực của Thủ tướng Anh Rishi Sunak. Qua việc hạn chế tối đa số nghị sĩ đảng Bảo thủ chống đối và thậm chí còn thuyết phục được Công đảng đối lập ủng hộ Khung thoả thuận Windsor thì có thể nói ông Rishi Sunak đã thành công, củng cố được vai trò và vị thế của mình trong đảng Bảo thủ.

Tác động của Khung thỏa thuận Windsor với quan hệ Anh - EU

Một trong những lĩnh vực hợp tác mà EU và Anh có thể mở ra ngay lập tức sau khi ký Khung thoả thuận Windsor là về việc Anh tiếp cận với hệ thống nghiên cứu của châu Âu mang tên “Chân trời”. Đây là một chương trình nghiên cứu và đổi mới khoa học rất lớn của châu Âu, có ngân sách lên đến trên 95 tỷ euro, được khởi động từ năm 2021 và kéo dài đến 2027. Việc được tham gia vào chương trình này sẽ giúp ích rất lớn cho giới nghiên cứu và học thuật tại Anh và giới khoa học tại Anh đang mong muốn tham gia một cách sớm nhất có thể vào chương trình này. Trước đó, do các bất đồng với Anh về việc thực thi điều khoản Bắc Ireland trong thoả thuận Brexit, EU đã không cho phép Anh được tham gia chương trình này.

Ngoài việc giải quyết bất đồng trực tiếp là vấn đề Bắc Ireland thì về dài hạn, ý nghĩa chiến lược lớn hơn của Khung thoả thuận Windsor là cho phép EU và Anh xây dựng lại niềm tin với nhau, vốn đã bị rạn nứt nghiêm trọng dưới thời ông Boris Johnson và bà Liz Truss. Nguyên nhân là do cả ông Boris Johnson và bà Liz Truss đều từng công khai ý định không thực thi Nghị định thư Bắc Ireland trong thoả thuận Brexit 2019, công khai tuyên bố sẵn sàng vi phạm thoả thuận đã ký sau khi nhận ra rằng việc áp dụng Nghị định thư Bắc Ireland trong thực tế phức tạp hơn rất nhiều. Thái độ bất nhất và mang tính đối đầu này từ phía chính phủ Anh khiến rất nhiều nước châu Âu bất mãn, không có niềm tin vào việc xây dựng mối quan hệ mới với Anh hậu Brexit.

Do đó, việc chính phủ của ông Rishi Sunak ký Khung thoả thuận Windsor với EU phần nào khôi phục lại niềm tin từ phía châu Âu, qua đó có thể đẩy mạnh các hợp tác tương lai giữa hai bên. Trước mắt đã có nước Pháp thay đổi cách tiếp cận với Anh, bằng việc tổ chức Thượng đỉnh Anh - Pháp đầu tiên sau 5 năm vào tháng trước, chỉ ít ngày sau khi ông Rishi Sunak và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Ursula von der Leyen hoàn tất Khung thoả thuận Windsor. Pháp và Anh hiện đã nhất trí gác lại mọi bất đồng trong vài năm qua và xây dựng một giai đoạn mới trong quan hệ song phương. Điều tương tự cũng có thể đến trong thời gian tới, với việc Anh - CH Ireland xây dựng quan hệ đối tác mới, Anh - Tây Ban Nha khởi động lại các đàm phán về vấn đề chủ quyền của Gibraltar. Không chỉ với EU, Khung thoả thuận Windsor cũng giúp Anh giải toả được các căng thẳng lớn với Mỹ, đồng minh thân cận nhất của Anh, bởi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden từng nhiều lần cảnh báo Anh phải cải thiện quan hệ với EU để bảo vệ thoả thuận hòa bình “Ngày thứ Sáu tốt lành” trên đảo Ireland.

Vì vậy, về tổng thể, Khung thoả thuận Windsor có thể xem là một cột mốc mới, đánh dấu giai đoạn tích cực hơn trong quan hệ giữa Anh và EU, giúp hai bên gác lại câu chuyện Brexit quá mệt mỏi và tiêu tốn nguồn lực để tập trung cho các ưu tiên quan trọng hơn trong bối cảnh biến động địa chính trị to lớn tại châu Âu vì xung đột tại Ukraine./.

Quang Dũng/VOV-Paris

 

Bình luận

    Chưa có bình luận