Chuyện vũ khí hạt nhân ở châu Âu

Con bài răn đe hạt nhân đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc chơi địa chính trị và chiến lược toàn cầu ở mọi nơi trên thế giới.

 

Sau rất nhiều năm yên ắng, chuyện vũ khí hạt nhân lại trở nên thời sự nổi cộm ở châu Âu. Nó mang bản chất khác so với chuyện vấn đề hạt nhân của Iran hay Triều Tiên, nhưng có tác động và hệ lụy không thua kém về chính trị thế giới và chính trị an ninh thế giới. Nó liên quan trực tiếp đến cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine, nhưng phản ánh cả trong thực chất lẫn ở biểu hiện ra bên ngoài mức độ đối địch quyết liệt giữa Nga với Mỹ, NATO và đồng minh của phe này.

Cho tới nay, tổng thống Nga Vladimir Putin đã vài lần tuyên bố nước Nga sẽ sử dụng cả vũ khí hạt nhân để bảo về lãnh thổ của Nga, hàm ý bao gồm cả những vùng lãnh thổ bên ngoài mới được sát nhập vào Nga. Lực lượng vũ khí hạt nhân của Nga cũng đã từng được ông Putin đặt trong tình trạng báo động và sẵn sàng chiến đấu. Ông Putin còn chấm dứt mọi cam kết của Nga trong các thoả thuận với Mỹ về giải trừ vũ khí hạt nhân. Mới đây nhất, ông Putin cho biết Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus. Việc này được ông Putin biện luận để đối phó với chủ định của Anh cung cấp đạn chứa uranium nghèo cho Ukraine để đối phó với xe tăng của Nga. Cả ông Putin lẫn tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đều cho rằng việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus không vi phạm bất cứ quy định hiện hành liên quan nào của LHQ. Họ viện dẫn Mỹ đã triển khai vũ khí hạt nhân tại nhiều nước thành viên NATO ở châu Âu.

Binh sĩ Nga lắp đặt tên lửa Iskander lên bệ phóng. (Ảnh: GettyImages)

Mỹ tỏ ra không quan ngại nhiều về diễn biến mới này và cho biết sẽ không vì việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus mà phải điều chỉnh lại toàn bộ chiến lược hạt nhân. Chỉ có EU và NATO lo ngại sâu sắc và phản đối mạnh mẽ, tìm cách đưa chuyện này ra LHQ và siết chặt thêm những biện pháp chính sách trừng phạt Belarus.

Với việc đưa vũ khí hạt nhân trở lại Belarus, Nga thực hiện một trong những điều chỉnh chiến lược quân sự, quốc phòng và an ninh lớn nhất và quan trọng nhất kể từ sau khi Liên Xô tan rã đến nay. Tác động có ý nghĩa chiến lược vô cùng to lớn đối với Nga là Nga mở rộng được phạm vi triển khai vũ khí hạt nhân ở châu Âu, gắn kết Belarus chặt chẽ hơn vào liên kết quân sự và quốc phòng với Nga, đồng thời gia tăng mạnh mẽ hiệu ứng răn đe quân sự nói chung và răn đe hạt nhân nói riêng nhằm vào Mỹ và NATO ở châu Âu cũng như nhằm vào những bên hiện chủ trương cung ứng cho Ukraine đủ các chủng loại vũ khí và thiết bị quân sự để chiến tranh với Nga ở Ukraine.

Belarus để cho Nga triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ bởi phải chọn Nga và gắn kết với Nga nhằm đối phó chính sách thù địch của Mỹ và EU. Phe này từ khá lâu nay rồi thực thi những biện pháp chính sách trừng phạt Belarus nhằm lật đổ quyền lực của ông Lukashenko ở Belarus. Ông Lukashenko ý thức được rằng trong bối cảnh tình hình hiện tại ở châu Âu và ở Belarus, chỉ nghiêng hẳn về phía Nga thì mới có thể đảm bảo được an ninh và ổn định chính trị. Kết cục cuối cùng của cuộc chiến ở Ukraine vì thế cũng có tác động rất mạnh mẽ tới tương lai của Belarus ở châu Âu.

Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus không có nghĩa là nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân ở châu Âu trong thời gian tới gia tăng. Nhưng tác động và hiệu ứng về chính trị và tâm lý của việc này lại rất đáng kể. Con bài răn đe hạt nhân luôn luôn đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc chơi địa chính trị và chiến lược toàn cầu ở mọi nơi trên thế giới. Mỹ, EU, NATO, Ukraine và đồng minh có thêm lý do xác đáng để quan ngại về việc Belarus trở thành đồng minh chiến lược của Nga trong cả cuộc chiến ở Ukraine lẫn trong cuộc đối địch giữa phe này với Nga về chính trị an ninh ở châu Âu nói riêng và thế giới nói chung./.

Hoàng Lan

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận