Trở thành cường quốc đứng đầu thế giới về dân số mang lại nguồn nhân lực khổng lồ - một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp thúc đẩy tăng trưởng của bất cứ quốc gia nào. Tuy nhiên, dân số đông cũng tạo ra những bài toán kinh tế - xã hội hóc búa cho chính phủ Ấn Độ. Chuyên gia Anjali Nayyar, Phó Chủ tịch điều hành Tổ chức Chiến lược Y tế Toàn cầu (GHS) - một tổ chức tư vấn, truyền thông về y tế và sức khỏe toàn cầu đã đưa ra đánh giá về vấn đề này.
PV: Dân số Ấn Độ được dự báo sẽ vượt qua Trung Quốc trong tháng này. Vậy Ấn Độ đón nhận sự kiện này như thế nào?
Chuyên gia Anjali Nayyar: Ấn Độ được dự báo sẽ vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Nhưng tôi phải nói rằng đó không phải là bởi Ấn Độ đã không thành công trong quá trình triển khai chính sách dân số của mình. Bởi tỷ lệ sinh tại Ấn Độ đang giảm xuống, một phần cũng bởi vì tỷ lệ sinh của Trung Quốc giảm quá nhanh so với dự đoán.
Một điều nữa tôi muốn chỉ ra là trong khi Ấn Độ đang trên đường trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, nhưng Ấn Độ có nền tảng tốt hơn để đón nhận điều đó. Một số nước khác cũng có mức độ tập trung dân số rất đông, như Cộng hòa Dân chủ Congo, Ai Cập, Ethiopia, Nigeria, Pakistan, Philippines, Cộng hòa Thống nhất Tanzania. Ấn Độ dĩ nhiên cũng nằm trong số đó. Nhưng Ấn Độ với vị thế kinh tế và các yếu tố khác, sẵn sàng để giải quyết vấn đề dân số tốt hơn các nước khác.
PV: Nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng giảm sinh và già hóa dân số. Nhưng chúng ta vẫn đang chứng kiến tăng trưởng dân số của Ấn Độ. Vậy với vị thế là quốc gia đông dân nhất thế giới Ấn Độ có lợi thế cạnh tranh gì?
Chuyên gia Anjali Nayyar: Ấn Độ cũng đang trong tình trạng tỷ lệ sinh giảm. Tổng tỷ suất sinh đang đi xuống. Tuy nhiên, Ấn Độ đã có sẵn đà phát triển dân số là đang sở hữu lực lượng dân số trẻ lớn nhất. Thực tế, tỷ suất sinh của Ấn Độ hiện nay, nếu tôi không nhầm là 2. Ở một số bang, con số này trên 2, một số bang thì lại dưới 2. Vì thế, cùng xu thế chung của thế giới, tỷ lệ sinh của Ấn Độ đang giảm. Nhưng với đà phát triển dân số, Ấn Độ sẽ sớm trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Chúng ta có thể nhìn điều này theo khía cạnh tích cực.
Ấn Độ được coi là một trong những thị trường lớn nhất thế giới, với hầu hết các công ty. Nếu nhìn vào lý thuyết chuyển đổi nhân khẩu học, tăng trưởng dân số có thể liên hệ với mức độ tổng thể phát triển kinh tế. Và đây cũng là một chỉ số về sự cải biến xã hội, nền tảng lịch sử và văn hóa. Bởi có sự sụt giảm về tổng tỷ suất tử vong, tỷ lệ tử vong bà mẹ giảm và tử vong của trẻ em trước 5 tuổi cũng giảm. Ấn Độ đã chứng kiến mức độ giảm lớn nhất theo thập kỷ ở một số chỉ số. Điều đó cho thấy tiến bộ xã hội. Lợi tức dân số sẽ bắt nguồn từ cơ cấu tuổi bên cạnh việc là quốc gia đông dân nhất. Ấn Độ sẽ tiếp tục là quốc gia có dân số trẻ nhất thế giới, và cũng là quốc gia có dân số trẻ lớn nhất thế giới. Vì vậy, lợi tức dân số thực sự đang làm tăng tỷ lệ người trong độ tuổi lao động so với các nhóm tuổi khác. Nếu được sử dụng một cách phù hợp, dân số này sẽ giúp Ấn Độ trở thành một cường quốc.
Tại một số nơi như Singapore, Đài Loan hay Hàn Quốc, họ tận dụng lợi tức dân số và thực hiện các chính sách và chương trình hướng lên phía trước để trao quyền cho thanh niên. Tôi nghĩ đây là cách mà Ấn Độ cần phải hướng tới. Ấn Độ cũng đã thấy rằng tăng trưởng của một quốc gia cần thiết phải gắn liền với đổi mới sáng tạo. Đổi mới sáng tạo không chỉ dành riêng cho Ấn Độ mà còn cho các quốc gia khác trên thế giới. Vậy nên, nếu chúng ta tập trung vào đó, tôi rất lạc quan. Tôi không tin vào Học thuyết Malthus về dân số vốn cho rằng sự phát triển của dân số sẽ dẫn tới tận thế. Tôi tin hơn vào Học thuyết Condorcet về dân số. Đó là nếu bạn đầu tư vào dân số của nước mình, nếu bạn dành cho họ cơ hội bình đẳng thì lợi thức dân số có thể là phương pháp để thúc đẩy tăng trưởng và tạo nên ảnh hưởng chính trị.
PV: Khi nào dân số Ấn Độ sẽ đạt mức đỉnh và kịch bản cho giai đoạn đó là gì, thưa bà?
Chuyên gia Anjali Nayyar: Chúng tôi vẫn chưa xem xét tới thời điểm mà dân số Ấn Độ sẽ đạt cực đại. Rất khó để dự đoán bởi tỷ suất sinh hiện đang là 2. Nếu con số này giảm xuống nữa, thời điểm đó có thể thay đổi. Tôi sẽ không sa đà vào các con số. Nhưng tôi muốn nhắc lại vài yếu tố có thể gây ra thách thức, hoặc cũng có thể tạo ra lợi ích tùy thuộc vào chính sách được thực thi thế nào.
Theo tính toán thì cứ 5 người trong độ tuổi lao động thì 1 người sẽ sống ở Ấn Độ. Vậy nên việc làm là hết sức quan trọng. Nếu các công ty muốn tìm kiếm lao động tương đối hiệu quả về chi phí, đây sẽ là nơi họ nên đến. Ấn Độ cũng là một trong những quốc gia trên thế giới nơi chúng ta có thể tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào thị trường lao động. Nếu dân số là 50% nam và 50% nữ, nên cơ hội phát triển là ngang nhau. Vì vậy, chúng ta cần tìm ra cách thực hiện điều đó và tạo ra mô hình việc làm.
Tôi nghĩ giờ là lúc cần thúc đẩy đào tạo kỹ năng cho lực lượng lao động để tận dụng lợi thế. Các nước có thể tập trung vào lực lượng lao động có chi phí hợp lý. Chúng ta cần cả lao động trí óc lẫn lao động chân tay. Tiếp theo là xây dựng các kỹ năng thật cụ thể như thế nào? Thách thức lớn nhất mà một số nước đang chứng kiến, như Nhật Bản chẳng hạn là dân số đang ngày càng già đi. Chúng ta có cả tháp dân số trẻ và tháp dân số già. Tôi e rằng chúng ta chưa chuẩn bị đầy đủ cho dân số bị già hóa. Ví dụ như các vấn đề về y tế của người già. Mặc dù bây giờ chúng ta có một số chính sách và chương trình của chính phủ như chương trình bảo hiểm y tế chẳng hạn, nhưng chúng tôi cần đầu tư nhiều hơn thế.
PV: Bà đã nói tới các lợi thế của Ấn Độ. Nhưng ở chiều ngược lại, với vị trí đứng đầu thế giới về dân số, Ấn Độ sẽ phải giải quyết những vấn đề thách thức gì?
Chuyên gia Anjali Nayyar: Tôi mới nhắc tới một số trong đó, cùng phản ứng của chính phủ và các chính sách được ban hành ra để giải quyết các vấn đề. Tôi nghĩ rằng Ấn Độ có cơ hội lớn nếu xét trên cơ cấu nhân khẩu học. Cơ hội lớn đó là việc trở thành một trong những thị trường lớn nhất và cách chúng ta sử dụng lợi thế đó để gia tăng tầm ảnh hưởng địa chính trị cũng là một cơ hội lớn khác. Nhưng cùng lúc, Ấn Độ cần tập trung vào lĩnh vực y tế, giáo dục, việc làm, vấn đề giới và cả dân số thành thị- nông thôn. Ấn Độ về cơ bản là một quốc gia nông nghiệp. Vậy Ấn Độ nhìn nhận đầu tư vào nông nghiệp như thế nào và tạo cơ hội cho những người không muốn làm nông nghiệp như thế nào? Những công việc khác mà họ có thể làm là gì?
Tôi nghĩ rằng tất cả những điều này sẽ đặt ra những thách thức cho chính phủ. Nhưng đó cũng là một cơ hội nếu chúng ta thực hiện đúng các chính sách của mình, điều mà chúng ta đang hướng tới. Chúng tôi thực sự có thể nhìn vào ảnh hưởng tiềm năng và sức mạnh nhân lực.
PV: Theo quan sát của bà, chính phủ Ấn Độ đang chuẩn bị gì cho tầm nhìn dân số tương lai?
Chuyên gia Anjali Nayyar: Chính phủ cần có vai trò quan trọng và quyết định. Ấn Độ phải đầu tư cho giáo dục, y tế, và tạo ra các cơ hội kinh tế. Chúng ta phải làm thế nào đưa giáo dục và kỹ năng đi kèm với nhau. Ấn Độ thực sự còn cần phải đầu tư cho sức khỏe của trẻ em, giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng, an ninh lương thực. Đại dịch Covid-19 cho chúng ta thấy một đợt bùng phát dịch bệnh có thể thay đổi nhiều thứ và xóa bỏ các tiến bộ đạt được trong nhiều năm liền. Chúng ta cũng cần phải tập trung giải quyết vấn đề tử vong ở trẻ sơ sinh, vì đây là một thách thức.
Vì Ấn Độ là một nước theo chế độ liên bang. Bang này có thể làm tốt hơn các bang khác. Do vậy, chính phủ sẽ phải tăng cường phối hợp chính sách giữa các bang đang triển khai công việc không tốt, đặc biệt là xem xét vấn đề di cư. Chúng ta sẽ phải xem xét sự di cư của người dân giữa các bang, hoặc từ nông thôn đến thành thị trong tiểu bang. Đó sẽ là những vấn đề lớn cần phải điều chỉnh, quản lý.
PV: Xin cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn./.
Phan Tùng/VOV-New Delhi