Trong dịp tới thăm Bắc Ireland và Ireland vừa qua, tổng thống Mỹ Joe Biden (Đảng Dân chủ) cho giới truyền thông biết là có ý định tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống tới đây ở nước Mỹ.
Tuy bộc lộ rất rõ và rất chắc chắn chủ định sẽ tái ứng cử tổng thống Mỹ, ông Biden tiếp tục để ngỏ việc đưa ra quyết định cuối cùng, vẫn không tiết lộ thời điểm chính thức tái ứng cử tổng thống và thậm chí vẫn không quả quyết chắc chắn là sẽ tranh cử tổng thống một lần nữa.
Ở nước Mỹ và trên thế giới, đa số mọi người đều nghĩ và tin rằng ông Biden sẽ tái ứng cử cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2024 ở nước Mỹ. Mức độ tín nhiệm hiện tại của ông Biden ở nước Mỹ thấp chứ không cao nhưng người này đã đạt được thành tựu cầm quyền quan trọng nhất định và nổi trội hơn hẳn người tiền nhiệm là ông Donald Trump thuộc phe Đảng Cộng hoà. Điểm yếu có thể gây rủi ro nhiều nhất đối với triển vọng tái đắc cử tổng thống của ông Biden là tuổi tác. Ông Biden hiện đã 81 tuổi, sẽ 82 tuổi nếu tái đắc cử tổng thống Mỹ và sẽ 86 tuổi khi kết thúc nhiệm kỳ cầm quyền thứ 2 ở Mỹ, cao tuổi nhất trong số các thời tổng thống khi còn tại nhiệm tại nước Mỹ. Nhưng ông Trump, người đã tuyên bố ứng cử tổng thống lần nữa, cũng chỉ thua kém ông Biden có vài tuổi. Nếu như trận quyết chiến quyền lực cuối cùng giành ghế tổng thống Mỹ năm 2024 là cuộc đấu giữa ông Biden và ông Trump thì vấn đề tuổi tác của ứng cử viên tổng thống của hai đảng không đóng vai trò quyết định gì bởi cả hai người này đều ở độ tuổi đã cao.
Trong lịch sử bầu cử tổng thống từ trước đến nay ở nước Mỹ chỉ có rất ít tổng thống đương nhiệm không tái ứng cử cho nhiệm kỳ cầm quyền thứ hai tiếp theo. Lập luận chung của các vị muốn tái ứng cử và tái đắc cử tổng thống là cần nhiệm kỳ cầm quyền thứ hai để hoàn tất những dự định được bắt đầu ở nhiệm kỳ cầm quyền thứ nhất. Ông Trump đã như thế hồi năm 2020 và ông Biden chắc chắn rồi đây cũng sẽ như thế.
Ông Biden hiện vẫn chần chừ chưa đưa ra quyết định dứt khoát cuối cùng vì không cần phải vội vàng như ông Trump. Có hai khác biệt cơ bản giữa ông Biden và ông Trump trên phương diện này. Thứ nhất, ông Biden có lợi thế rất quyết định của người cầm quyền đương nhiệm trong khi ông Trump chỉ như những ứng cử viên khác. Lộ diện càng sớm và vận động tranh cử càng sớm thì càng tốn kém và càng dễ bộc lộ những điểm yếu tai hại trong cương lĩnh vận động tranh cử và trong cách thức tiến hành vận động tranh cử. Ông Biden có thể dùng những quyết sách cầm quyền để tránh những bất lợi mà các ứng cử viên tổng thống khác gặp phải hoặc không thể tránh được. Thứ hai, ông Trump phải nhảy vào cuộc đua sớm để trấn át tất cả những đối thủ cạnh tranh khác trong nội bộ phe Đảng Cộng hoà, tạo áp lực khiến cho những ai có tham vọng không dám ra ứng cử tổng thống và bảo tồn vị thế độc tôn dẫn dắt cả phe này. Càng xuất hiện ít đối thủ cạnh tranh trong phe Đảng Cộng hoà thì ông Trump càng có triển vọng chắc chắn được đề cử làm ứng cử viên của phe Đảng Cộng hoà cho cuộc bầu cử tổng thống tới ở nước Mỹ. Trong khi đó, đối với ông Biden thì ngược lại. Tổng thống đương nhiệm thường được phe của họ dành cho quyền tái ứng cử. Hơn nữa, trong phe Đảng Cộng hoà hiện đã lộ diện một vài kỳ phùng địch thủ đối với ông Trump còn ở phía Đảng Dân chủ thì ông Biden vẫn được nhìn nhận là sáng giá hơn cả.
Chính thức nhảy vào cuộc vận động tranh cử muộn còn có thể kéo dài thời gian quyên góp tiền cho vận động tranh cử mà không bị buộc phải công khai hoá tất cả. Ông Biden chưa công bố quyết định cuối cùng còn vì muốn cải thiện mức độ tín nhiệm trong cử tri Mỹ bằng nỗ lực đạt được thành quả cầm quyền trong thời gian tới, tạo điểm xuất phát thuận lợi nhất cho cuộc vận động tranh cử và củng cố triển vọng thắng cử./.
Hoàng Lan