Thế giới tăng cường vũ trang

Sipri đưa ra ba nguyên nhân là cuộc chiến ở Ukraine, lạm phát gia tăng ở mọi nơi và căng thẳng cùng với cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ với Trung Quốc.

 

Hàng năm, Viện nghiên cứu hoà bình Stockholm của Thuỵ Điển (Sipri) công bố báo cáo về tình hình chi tiêu quân sự và quốc phòng của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Báo cáo này của Sipri được coi là thời sự nhất và đáng tin cậy nhất về việc các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới dành chi cho quân sự và quốc phòng như thế nào, tức là tăng cường vũ trang, mua sắm vũ khí và trang thiết bị quân sự, đầu tư cho nghiên cứu kỹ thuật quân sự và công nghệ quốc phòng như thế nào.

Báo cáo mới đây nhất vừa được Sipri công bố về chi tiêu của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới cho quân sự và quốc phòng trong năm 2022 được dư luận quan tâm hơn hẳn những báo cáo thường niên trước đấy. Nguyên do là cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine, bùng phát hồi đầu năm 2022, và những hệ lụy trực tiếp của cuộc chiến tới mối quan hệ đầy trắc trở giữa Mỹ và các nước trong khối phương Tây với Nga và Trung Quốc.

Ảnh minh họa: GettyNhững dữ liệu, thông tin và đánh giá của Sipri trong báo cáo nêu trên không những chỉ lại một lần nữa xác nhận và khẳng định xu hướng đã có từ nhiều năm nay là thế giới tăng cường vũ trang, hay chính xác hơn thì phải nói là ở mọi nơi trên thế giới đều thấy có tình trạng chi phí cho quân sự và quốc phòng đều tăng và liên tục tăng, mà còn lập kỷ lục mới trong năm 2022.

Theo tính toán của Sipri, các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã chi 2.200 tỷ USD cho các mục đích về quân sự và quốc phòng, tăng 3,7% so với năm trước. Những con số tuyệt đối này đều cao chưa từng thấy kể từ hơn 30 năm nay, tức là kể từ khi kết thúc cuộc chiến tranh lạnh trong nửa cuối của thế kỷ trước. Báo cáo của Sipri khơi dậy ám ảnh về cuộc chạy đua vũ trang và tăng chi phí hàng năm cho quân sự và quốc phòng trên thế giới ở thời chiến tranh lạnh đã qua.

Trong báo cáo mới, Sipri đưa ra ba nguyên nhân là cuộc chiến ở Ukraine, lạm phát gia tăng ở mọi nơi và căng thẳng cùng với cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ với Trung Quốc. Cuộc chiến ở Ukraine hiện tại làm vơi kho vũ khí, đạn dược, bom và tên lửa, xe tăng và thiết bị quân sự khác của Nga, Ukraine và các nước thành viên NATO cùng đồng minh khác nữa của phe này mà các bên liên quan phải chi nhiều tiền ra để sản xuất hoặc mua sắm lắp đầy lại. Các bên đều trù liệu cuộc chiến còn dai dẳng dài dài và vì thế toan tính còn hao người và tốn của. Lạm phát tăng nên mức độ chi phí cho quân sự và quốc phòng cũng phải tăng thêm theo. Mỹ và Trung Quốc đẩy mạnh cạnh tranh chiến lược trên mọi phương diện mà tiềm lực, sức mạnh và ưu thế về quân sự là một trong những nội dung cạnh tranh chính và tác nhân quyết định.

Mỹ dẫn đầu trong danh sách của Sipri về các nước chi tiêu nhiều nhất trong năm 2022 cho quân sự và quốc phòng với 877 tỷ USD, bỏ xa tất cả nhừng nước tiếp theo là Trung Quốc (292 tỷ USD), Nga (86,4 tỷ USD), Ấn Độ (81,4 tỷ USD), Ả rập Xê út (75 tỷ USD), Anh (68,5 tỷ USD), Đức (55,8 tỷ USD), Pháp và Hàn Quốc (đều 53,6 tỷ USD), Nhật Bản (46 tỷ USD), Ukraine (44 tỷ USD). Những thứ hạng tiếp theo là Italy, Australia, Canada và Israel. Về tỷ lệ gia tăng cho năm 2022 so với năm trước thì Ukraine dẫn đầu với 640%, trước Ả rập Xê út với 16%, Nga với 9,2%, Ấn Độ với 6%, Nhật Bản với 5,9% và Trung Quốc với 4,2%.

Sự gia tăng mạnh mẽ chi tiêu quân sự và quốc phòng ở các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới phản ánh tình trạng bất ổn nói chung về chính trị an ninh trên thế giới và chiều hướng diễn biến của nó trong thời gian tới. Thông điệp đầy lo ngại và hàm ý cảnh báo của Sipri ẩn hiện ở đó, lo ngại và cảnh báo vì tăng cường vũ trang luôn luôn đi cùng với tăng rủi ro về xảy ra xung đột ở đâu đó trên thế giới./.

Hoàng Lan

 

Bình luận

    Chưa có bình luận