Chấn động chính trị ở Thái Lan

Cuộc bầu cử quốc hội ngày 14/5 vừa qua đã làm rung chuyển tận gốc rễ cả chính trường lẫn xã hội ở Thái Lan.

 

Cuộc bầu cử quốc hội ngày 14/5 vừa qua đã làm rung chuyển tận gốc rễ cả chính trường lẫn xã hội ở Thái Lan. Phe đối lập đã thắng lớn và phe cầm quyền suốt 9 năm qua - với sự chống lưng của giới quân sự - đã thất bại nặng nề. Dù vậy, phe đối lập có thể thành lập được chính phủ mới hay không là câu hỏi hiện vẫn chưa thể trả lời bởi kịch bản ấy còn phụ thuộc vào hai diễn biến vẫn bất định ở phía trước là giới quân sự có chấp nhận thất cử của phe cánh của thủ tướng đương nhiệm Prayuth Chan-ocha hay không, liệu có lại tiến hành đảo chính như hồi năm 2014 (đã đưa ông Prayuth Chan-ocha lên cầm quyền) hay không và phụ thuộc vào việc phe đối lập có liên minh đủ mức để thành lập được chính phủ mới hay không.

Những người thắng cử ở phe đối lập trong cuộc bầu cử quốc hội này của Thái Lan đều rất trẻ và rất mới mẻ trên chính trường. Hai đảng phái đối lập đều đạt được tỷ lệ phiếu bầu của cử tri cao gấp vài lần so với tỷ lệ phiếu bầu của cử tri dành cho phe cánh của ông Prayuth Chan-ocha. Có thể thấy được qua đó hai điều với ý nghĩa rất quan trọng đối với tương lai chính trị của Thái Lan. Thứ nhất, đại đa số cử tri ở Thái Lan muốn đất nước có thay đổi thật sự về chính trị và xã hội, muốn có chính phủ dân sự thật sự và thoát hoàn toàn khỏi sự kiềm chế và dẫn dắt của giới quân sự. Thứ hai, các thế hệ cử tri trẻ đang dần có tiếng nói quyết định trong các cuộc bầu cử và tiếng nói này bất lợi đối với giới quân sự và những phe cánh chính trị dựa dẫm vào giới quân sự. Hai điều này đã làm nên cú đòn giáng vào giới quân sự và chính quyền của ông Prayuth Chan-ocha trong cuộc bầu cử quốc hội vừa rồi. Nguồn gốc và lý do cho chấn động chính trị và xã hội vừa xảy ra ở Thái Lan cũng chính là đấy.

Kết quả kiểm phiếu của một số chính đảng trong cuộc Tổng tuyển cử 14/5/2023. (Ảnh: Bangkok Pok)Kết quả bầu cử cho thấy cử tri ở Thái Lan mong muốn khép lại thời kỳ cầm quyền của giới quân sự và chính thể do giới quân sự hậu thuẫn từ năm 2014 đến nay, mong muốn mở ra thời kỳ chính trị mới cho Thái Lan. Nhưng trên thực tế, việc mở ra thời kỳ mới này lại không dễ khả thi, kể cả khi phe đối lập đã giành về được thắng cử vang dội.

Nguyên do ở chỗ chính quyền cũ đã soạn thảo hiến pháp mới giữ cho giới quân sự luôn vẫn có được vị thế quyền lực rất đáng kể cả khi phe cánh của giới quân sự thất cử. Theo hiến pháp này, hạ viện Thái Lan có 500 dân biểu nhưng hạ viện không thể một mình bầu thủ tướng. Hạ viện do dân bầu trong khi thượng viện với 250 thành viên lại do giới quân sự cử ra. Thủ tướng chính phủ được bầu trong phiên họp chung của hạ viện và thượng viện. Vậy nên thủ tướng là người nhận về được ít nhất 376 trong tổng số 750 thành viên của hạ viện và thượng viện. Nói theo cách khác, liên minh các đảng phái thuộc phe đối lập ở Thái Lan cần sự hậu thuẫn của không ít vị dân biểu trong thượng viện để thành lập chính phủ mới. Hồi năm 2020, phe của ông Prayuth Chan-ocha không phải là phe phái chính trị lớn nhất trong hạ viện do dân bầu ra, nhưng người này vẫn đắc cử thủ tướng bởi có được sự ủng hộ của 249 trong tổng số 250 vị dân biểu thuộc thượng viện.

Trận địa chính mới này làm cho tương lai của Thái Lan về ổn định chính trị và xã hội thêm bất định. Mối quan hệ giữa người dân và giới quân sự thêm phức tạp và khó lường. Kể từ khi chấm dứt chế độ quân chủ tuyệt đối ở Thái Lan vào năm 1932 đến nay, giới quân sự Thái Lan đã 12 lần tiến hành đảo chính và trực tiếp nắm quyền. Cho nên bầu cử xong không có nghĩa là vấn đề quyền lực nhà nước cũng được giải quyết xong. Những tháng ngày tới sẽ cho thấy liệu thời kỳ chính trị mới có được thật sự khai sinh ra cho Thái Lan hay không./.

Hoàng Lan

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận