Tác động trừng phạt Nga không như kỳ vọng, phương Tây tìm mục tiêu mới

Mỹ và các thành viên còn lại trong G7 đã tiến hành vòng trừng phạt mới lên Nga vì cuộc xung đột ở Ukraine tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản ngày 19/5.

 

Các lệnh trừng phạt này nhắm vào hàng trăm cá nhân và công ty, trong đó bao gồm cả những bên được cho là hỗ trợ Nga thoát khỏi trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu. Một số biện pháp trừng phạt tập trung vào các ngành kinh tế của Nga, trong đó có kiến trúc, xây dựng và vận tải.

Sau 15 tháng xung đột ở Ukraine, phương Tây vẫn đang tìm kiếm các mục tiêu mới để thực hiện các biện pháp trừng phạt tài chính nhằm ngăn cản, đóng băng quyền tiếp cận tài sản của Nga trong các tổ chức quốc tế.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhận định, các biện pháp trừng phạt mới sẽ thắt chặt khả năng tiến hành chiến dịch quân sự của Nga và tăng cường nỗ lực nhằm ngăn chặn Moscow thoát khỏi trừng phạt.

Vòng trừng phạt mới nhất của phương Tây

Anh đã áp trừng phạt lên 86 cá nhân và công ty, trong đó bao gồm các bên bị cho là có liên quan đến việc bán lại ngũ cốc Ukraine. London cấm nhập khẩu kim cương từ Nga, trong khi Liên minh châu Âu (EU) cũng có kế hoạch hạn chế các hợp đồng giao dịch liên quan đến kim cương của Moscow.

Mỹ cũng đã nhắm vào các cá nhân và tổ chức ở khắp 20 quốc gia hỗ trợ điện Kremlin né trừng phạt để nhận được các thành phần công nghệ quan trọng. Bộ Thương mại Mỹ đã thêm 71 công ty vào danh sách trừng phạt, trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ đưa 200 cá nhân, công ty và tàu thuyền vào danh sách hạn chế.

Ngoài ra, Washington cũng ban hành những quy định mới đối với những cá nhân và công ty có lợi ích trong các tài sản của Ngân hàng Trung Ương Nga. Mục đích của biện pháp này là "phác thảo một bản đồ đầy đủ các bên nắm giữ tài sản của Nga, hiện không thể chuyển giao theo quyền hạn thực thi của các nước G7 cho tới khi Nga bồi thường thiệt hại ở Ukraine", Bộ Tài chính Mỹ cho hay.

Các nhà lãnh đạo G7 tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Nhật Bản. Ảnh: Getty

Tác động của các biện pháp trừng phạt

Trong khi G7 khiến Nga thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất thế giới thì một số chuyên gia về chính sách đối ngoại đặt câu hỏi về tính hiệu quả của các biện pháp trên đối với Moscow.

Maria Snegovaya, một học giả cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đánh giá, Nga đã cho thấy "mức độ thích nghi đáng kinh ngạc trước các lệnh trừng phạt phương Tây". Bà cho biết, chi phí cho chiến dịch quân sự của Nga chỉ chiếm khoảng 5% GDP.

"Ít nhất thì Nga vẫn có thể xoay xở trong một vài năm tới và tác động của các biện pháp trừng phạt không đủ mạnh để thay đổi đáng kể điều đó", chuyên gia này cho hay.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ vẫn khẳng định tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt, đồng thời cho rằng chúng không được thiết kế để có tác động ngay lập tức. Cùng với việc áp trừng phạt lên các cá nhân, Mỹ và đồng minh đã đóng băng tài sản dự trữ ở nước ngoài của Ngân hàng Trung ương Nga, hạn chế khả năng tiếp cận của các ngân hàng Nga đối với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, đồng thời áp giá trần ở mức 60 USD/thùng với dầu mỏ và dầu diesel của Moscow.

Bộ Tài chính Mỹ ngày 19/5 cho biết trong một báo cáo mới đây rằng, biện pháp áp giá trần đã thành công trong việc hạn chế doanh thu từ dầu mỏ của Nga. Theo đó, dữ liệu của Bộ Tài chính Nga cho thấy doanh thu của điện Kremlin từ tháng 1 - 3/2023 thấp hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Bất chấp những hoài nghi ban đầu trên thị trường về việc áp giá trần, những bên tham gia thị trường và các nhà phân tích địa chính trị đã thừa nhận, việc áp giá trần đang hoàn thành cả hai mục tiêu của nó", báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cho hay.

Vì sao Mỹ và đồng minh vẫn tìm kiếm các mục tiêu mới?

Theo các quan chức Bộ Tài chính Mỹ, khi các lệnh trừng phạt được thực hiện, giới tình báo Nga luôn tìm cách đối phó với chúng, khiến Washington phải điều chỉnh liên tục. Những biện pháp trừng phạt mới đã được áp dụng với các bên trốn trừng phạt và những bên tạo điều kiện cho việc này diễn ra, cụ thể là những bên giúp Nga nhận được hàng hóa và công nghệ quan trọng.

"Chúng tôi hiểu điện Kremlin đang chủ động tìm cách phá vỡ với các biện pháp trừng phạt này", Thứ trường Tài chính Mỹ Wally Adeyemo đánh giá đầu năm nay.

Theo ông: "Một trong những cách để chúng tôi biết các biện pháp trừng phạt của mình có hiệu quả là việc điện Kremlin đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan tình báo tìm cách né tránh chúng".

Mục tiêu trừng phạt mới

Các quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho rằng, các mục tiêu tương lai có thể bao gồm các công ty và cá nhân được xác nhận có liên hệ với chuỗi cung ứng hỗ trợ Nga nhận được các nguyên liệu quan trọng để tiến hành chiến dịch quân sự, cũng như hỗ trợ Nga thoát khỏi trừng phạt.

Tháng trước, các quan chức Bộ Tài chính Mỹ là Brian Nelson và Liz Rosenberg đã tới châu Âu và Trung Á để gia tăng sức ép với các nước vẫn đang làm ăn với Moscow. Phương Tây cũng tăng cường chia sẻ thông tin tình báo giữa các quốc gia và công ty để phát hiện ra lỗ hổng trừng phạt. Một số ý kiến đã kêu gọi Mỹ và đồng minh tịch thu cũng như chuyển các tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga ở nước ngoài cho Ukraine.

Mới đây, trong tuyên bố chung, các nước G7 khẳng định các nước hỗ trợ quân đội Nga sẽ đối mặt với "những hậu quả nghiêm trọng". Cảnh báo trên được đưa ra giữa bối cảnh EU đang cân nhắc trừng phạt các công ty Trung Quốc vì cung cấp cho Nga các loại hàng hóa lưỡng dụng, phục vụ cả mục đích quân sự và dân sự.

"Chúng tôi sẽ khiến Nga không thể tiếp cận công nghệ từ các nước G7, các trang thiết bị và dịch vụ công nghiệp có thể phục vụ cỗ máy chiến tranh", tuyên bố của G7 cho hay.

Theo đó, các nước này kêu gọi "các bên thứ ba dừng ngay lập tức việc cung cấp hỗ trợ vật chất cho Nga hoặc sẽ đối mặt với các biện pháp trừng phạt nghiêm trọng. Chúng tôi sẽ tăng cường sự phối hợp để ngăn cản và phản ứng trước việc các bên thứ ba cung cấp vũ khí cho Nga"./.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo: PBS, Politico

 

Bình luận

    Chưa có bình luận