Hàng tỷ người đối mặt mức nhiệt nguy hiểm, mối lo không của riêng ai

Nhiệt độ cực cao có thể dẫn đến một loạt bệnh tật và tử vong, bao gồm: say nắng và tăng thân nhiệt; làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh lý ở bệnh nhân mãn tính.

 

Ngoài ra, nhiệt độ cao có tác động gián tiếp đến việc truyền bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng không khí và tác động tiêu cực đến các cơ sở hạ tầng quan trọng.

Theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Sustainability, khoảng 2 tỷ người trên Trái đất sẽ sống trong điều kiện nhiệt độ nguy hiểm vào cuối thế kỷ này nếu các chính sách khí hậu tiếp tục theo quỹ đạo hiện tại. Và nếu khí khí hậu ấm lên ở mức nghiêm trọng hơn - một kịch bản có thể xảy ra theo các chính sách hiện hành - khoảng 3,3 tỷ người có thể phải đối mặt với nhiệt độ khắc nghiệt vào cuối thế kỷ này.

Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học Exeter của Vương quốc Anh và Đại học Nam Kinh ở Trung Quốc dẫn đầu đã phát hiện ra rằng, 60 triệu người đã tiếp xúc với mức nhiệt nguy hiểm, đặc trưng bởi nhiệt độ trung bình 29 độ C hoặc cao hơn.

Hàng tỷ người trên Trái đất có nguy cơ phải đối mặt mức nhiệt nguy hiểm. Ảnh: Getty.Hàng tỷ người trên Trái đất có nguy cơ phải đối mặt mức nhiệt nguy hiểm. Ảnh: Getty.

Nhiệt độ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe con người?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhiệt độ cực cao có thể dẫn đến một loạt bệnh tật và tử vong, bao gồm: say nắng và tăng thân nhiệt. Nhiệt độ cực đoan cũng làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh lý ở bệnh nhân mãn tính và có tác động gián tiếp đến việc truyền bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng không khí và tác động tiêu cực đến các cơ sở hạ tầng quan trọng.

Người già, trẻ sơ sinh và trẻ em, phụ nữ mang thai, người lao động chân tay và ngoài trời, vận động viên và người nghèo đặc biệt dễ bị tổn thương bởi nhiệt độ cao.

Nghiên cứu cho thấy việc hạn chế sự nóng lên ở mức thấp hơn mục tiêu của Thỏa thuận khí hậu Paris là 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp vẫn sẽ khiến 400 triệu người phải đối mặt với mức nhiệt nguy hiểm vào cuối thế kỷ này.

Những người sống ở Ấn Độ, Sudan và Niger đều sẽ bị ảnh hưởng nặng nề dù chỉ tăng 1,5 độ C, nhưng nếu mức tăng là 2,7 độ C thì sẽ gây tác động rất lớn với các quốc gia như Philippines, Pakistan và Nigeria.

Yếu tố con người chưa được quan tâm đúng mực

Ashish Ghadiali, một nhà hoạt động khí hậu và đồng tác giả của nghiên cứu nói với DW rằng, đa phần các mô hình nghiên cứu ưu tiên đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với kinh tế hơn là tập trung vào con người. Bản thân các mô hình này cũng lại ưu tiên đến con người ở hiện tại hơn là trong tương lai. Tuy vậy, tác động của sự ấm lên toàn cầu là liên thế hệ và có sự bất bình đẳng giữa các quốc gia.

“Về cơ bản, các mô hình nghiên cứu coi trọng mạng sống của tôi hơn mạng sống của con cái tôi và xa hơn là của cháu chắt tôi”, ông Ghadiali nói.

Xem xét tác động của mức nhiệt nguy hiểm đối với từng quốc gia, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng lượng khí thải từ số ít nước giàu có thể gây ảnh hưởng lớn đến sự ấm lên toàn cầu nhưng công dân của các nước này lại chỉ phải đối mặt với mối đe dọa từ nhiệt độ nguy hiểm thấp hơn nhiều so với công dân của những nước khác.

Làm thế nào mọi người có thể được bảo vệ khỏi nhiệt độ cực cao?

Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng các thành phố đặc biệt dễ bị tổn thương trước sự gia tăng nhiệt độ nguy hiểm do "hiệu ứng đảo nhiệt". Các tòa nhà, đường sá và cơ sở hạ tầng hấp thụ nhiệt nhiều hơn môi trường tự nhiên như rừng và các vùng nước, làm tăng nhiệt độ đô thị cao tới 15 độ C so với các vùng nông thôn trong một số trường hợp.

Các thành phố trên khắp thế giới đang bắt đầu giới thiệu vị trí quan chức phụ trách về nhiệt độ để đối phó với hiện tượng tăng nhiệt không thể tránh khỏi. Một trong số đó là bà Cristina Huidobro, người đã đảm nhận vị trí lãnh đạo văn phòng quản lý về nhiệt của thủ đô Santiago, Chile vào tháng 3/2022.

Biến đổi khí hậu đã và đang gây ra những tác động to lớn đối với người dân trên toàn cầu. Ảnh: globaledge.

“Nhiều thành phố trên thế giới phải đối mặt với nắng nóng cực độ, nhưng các giải pháp và cách tiếp cận để giải quyết lại rất mang tính địa phương”, bà Huidobro nói.

Mặc dù vậy, theo bà Huidobro, nhìn chung các thành phố đều tuân thủ chiến lược ba mũi nhọn – chuẩn bị sẵn sàng, nhận thức và thích ứng.

Chuẩn bị sẵn sàng có thể bao gồm phân loại các đợt nắng nóng giống như các thảm họa thiên nhiên khác hoặc thiết lập ngưỡng cảnh báo để kích hoạt phản ứng nhất định của thành phố.

Theo bà Huidobro, việc nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của nắng nóng là một phần không thể thiếu trong nỗ lực này.

“Chăm sóc bản thân trong thời tiết nắng nóng gay gắt thực sự đơn giản – uống nước, tìm bóng râm và nghỉ ngơi” bà nói. "Không ai phải chết vì nhiệt độ quá cao".

Mũi nhọn thứ ba là giúp thành phố thích ứng với thực tế mới là nhiệt độ cao, chủ yếu bằng cách tạo ra nhiều không gian xanh hơn trong thành phố.

Santiago vừa khởi động một dự án tái trồng rừng đô thị để trồng 30.000 cây xanh trên toàn thành phố và phát triển các chiến lược coi cây xanh như một phần của cơ sở hạ tầng đô thị.

"Cây, cây… và cây ở khắp mọi nơi. Nó mang lại nhiều màu xanh hơn cho thành phố", Huidobro nói.

“Nhưng trồng cây không dễ như mọi người nghĩ”, bà Huidobro lưu ý. "Chúng tôi đang trồng cây trên những con đường với mật độ dày đặc, chẳng hạn như ở các đại lộ chính của thành phố. Tuy vậy, đây cũng không phải là một giải pháp để giải nhiệt đô thị ngay lập tức bởi vì cây cối cần thời gian để phát triển”.

Bà Huidobro nói thêm: “Toàn bộ ý tưởng là cố gắng tạo ra bóng râm sẽ có hiệu quả trong 20 hoặc 30 năm tới”.

Thành phố Los Angeles, bang California, Mỹ vốn là nơi nằm trong danh sách dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai nhất bao gồm cả sóng nhiệt, gần đây đã phát động chiến dịch xây dựng thêm "các trung tâm phục hồi" – nơi cung cấp bóng râm và làm mát bằng năng lượng tái tạo trong các cộng đồng có nguy cơ cao. Thành phố đã xây dựng mạng lưới các trung tâm làm mát, chủ yếu ở các thư viện, nơi mọi người có thể đến để tránh cái nóng.

Los Angeles cũng đang nghiên cứu một hệ thống cảnh báo sớm các đợt nắng nóng.

Phoenix, thành phố ở giữa Sa mạc Sonoran, đang thực hiện một số cải cách, bao gồm xây dựng vỉa hè làm mát bằng chất liệu đặc biệt phản chiếu ánh nắng mặt trời. Trong khi đó, thành phố Miami ở Florida đang lên kế hoạch cho các chiến dịch trồng cây đô thị lớn và cũng đã chi hàng triệu USD cho các thiết bị điều hòa không khí tại các không gian công cộng, hỗ trợ tài chính giúp các hộ gia đình có thu nhập thấp trang trải hóa đơn năng lượng…

Tuy nhiên, bà Huidobro đánh giá, việc sử dụng điều hòa không khí chỉ là giải pháp cuối cùng để thích nghi với những tác động của khí hậu.

Huidobro chia sẻ, thủ đô Santiago đang muốn trồng những khu “rừng bỏ túi” [pocket forests] - nơi sẽ được sử dụng làm nơi trú ẩn khí hậu, đặc biệt là gần các trường học và cơ sở y tế. Đây là giải pháp thay thế cho các trung tâm làm mát bằng điều hòa không khí đang được phát triển ở Mỹ và châu Âu.

“Trong các đợt nắng nóng, mọi người có thể vào bên trong các trung tâm làm mát dựa vào thiên nhiên này để tìm bóng râm, nghỉ ngơi và uống nước”, bà Huidobro nói./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận