Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cũ, chưa mới

Lần đầu tiên trong lịch sử đất nước này kể từ khi lập quốc cách đây gần 100 năm, cử tri phải hai lần đi bỏ phiếu mới bầu ra được tổng thống.

 

Vòng bầu cử tổng thống thứ 2 diễn ra vào ngày 28/5 vừa qua là tiền lệ chính trị mới ở Thổ Nhĩ Kỳ. Lần đầu tiên trong lịch sử đất nước này kể từ khi lập quốc cách đây gần 100 năm, cử tri phải hai lần đi bỏ phiếu mới bầu ra được tổng thống. Kết quả bầu cử cuối cùng là Tổng thống đương nhiệm Recep Tayyip Erdogan tái đắc cử. Người này có thể cầm quyền trong 5 năm tới sau khi đã trị vì Thổ Nhĩ Kỳ gần 20 năm nay, lúc đầu là thủ tướng và rồi sau làm tổng thống hai nhiệm kỳ liền. Nhưng vị đắng của thắng cử này là ông Erdogan chỉ giành về được có 52% phiếu bầu của cử tri và phải chấp nhận bước vào vòng bầu cử tổng thống thứ 2.

Ứng cử viên tổng thống của phe đối lập giành được 48% phiếu bầu của cử tri Thổ Nhĩ Kỳ, chưa đủ để chấm dứt thời kỳ cầm quyền của ông Erdogan nhưng đủ để cho thấy gần một nửa số cử tri ở đất nước này không muốn ông Erdogan tiếp tục cầm quyền mà muốn có sự thay đổi chính trị, muốn có cái mới chứ không tiếp tục cái cũ nữa. Trên danh nghĩa, ông Erdogan sẽ tiếp tục cầm quyền và mọi cái sẽ vẫn như cũ trong thời gian 5 năm tới. Nhưng trong thực chất, thời gian 5 năm tới là thời gian đấu tranh chính trị quyết liệt chưa từng thấy trong nội bộ xã hội và chính trường ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiệm kỳ cầm quyền mới này chắc chắn sẽ khó khăn và phức tạp hơn cả đối với ông Erdogan.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Ảnh: Getty)Tình trạng khó khăn hiện tại về chính trị an ninh và kinh tế - xã hội ở Thổ Nhĩ Kỳ xem ra đã có lợi cho ông Erdogan khi cử tri chưa thật sự tin tưởng phe đối lập có khả năng xử lý và ứng phó thành công hơn phe cầm quyền. Những mối quan tâm lớn nhất của cử tri đã giúp ông Erdogan tái đắc cử là hậu quả nặng nề của trận động đất khủng khiếp, tăng trưởng kinh tế sa sút, lạm phát tăng, vấn đề người nước ngoài tik nạn và di cư ngày càng thêm nhức nhối, những thách thức nổi cộm đối với an ninh quốc gia từ chính trị khu vực và chính trị thế giới. Ông Erdogan lại có lợi thế tranh cử của người đương nhiệm. Sau cuộc bầu cử tổng thống, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn như cũ khi người thắng cử không biểu lộ chủ ý thay đổi định hướng và nội dung chính sách cầm quyền cả về đối nội lẫn đối ngoại. Ông Erdogan đương nhiên sẽ phải tìm cách nhanh chóng xoay chuyển tình thế khó khăn hiện tại về kinh tế và xã hội, nhưng đồng thời chắc chắn sẽ rắn tay hơn trước nhiều trong việc đối phó phe đối lập.

Về đối ngoại, ông Erdogan sẽ tiếp tục đường hướng lâu nay. Người này càng không thấy có lý do bức bách gì để buộc phải thay đổi chính sách đối ngoại và điều chỉnh quan hệ quốc tế. Kết quả bầu cử cho thấy con chủ bài Hồi giáo hoá Thổ Nhĩ Kỳ, khích lệ chủ nghĩa dân tộc và không bị khuất phục bởi phương Tây rất đắc dụng đối với ông Erdogan. Mỹ, EU và NATO không thích thú gì về việc ông Erdogan tiếp tục tại nhiệm nhưng chấp nhận tiếp tục quan hệ hợp tác với ông Erdogan. Lý do đơn giản ở chỗ họ cần Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết những vấn đề khó khăn, phức tạp hay nhạy cảm đang đặt ra như ủng hộ Ukraine và đối phó Nga liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine, vấn đề kết nạp Thuỵ Điển làm thành viên NATO, vấn đề kiềm chế Iran và Syria cũng như ngăn chặn Nga mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh cũng như vấn đề người tỵ nạn và di cư. Phe này buộc phải tiếp tục giằng co với ông Erdogan trong vấn đề dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Đối với Nga, việc ông Erdogan tiếp tục tại nhiệm ở Thổ Nhĩ Kỳ có lợi nhiều hơn là bất lợi, nói theo cách khác thì giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cơ bản vẫn như cũ. Nhưng Nga không thể không bắt đầu phải thận trọng hơn và dè chừng hơn về Thổ Nhĩ Kỳ khi ông Erdogan gặp nhiều khó khăn hơn trước về đối nội./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận