Chuyến thăm Trung Quốc hai ngày vừa qua của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken chưa giúp cho hai bên khắc phục được mọi bất hoà dai dẳng lâu nay để mối quan hệ song phương được cải thiện thật sự, nhưng cũng đã đưa lại kết quả với tác động giảm căng thẳng.
Thật ra, ông Blinken đã dự định đi Trung Quốc cách đây một thời gian nhưng chuyến đi này bị huỷ bởi vụ việc chiếc khinh khí cầu của Trung Quốc bay vào không phận Mỹ và bị Mỹ bắn hạ. Phía Mỹ cáo buộc Trung Quốc hoạt động tình báo, gián điệp ở Mỹ. Chưa cần đến vụ việc này, bầu không khí chính trị trong mối quan hệ song phương vốn đã không được thuận lợi cho chuyến công du Trung Quốc của ông Blinken. Mỹ tìm cách ngăn chặn sự phát triển của ngành công nghiệp chế tạo bán dẫn và linh kiện điện tử ở Trung Quốc. Mỹ và Trung Quốc mấy lần suýt đụng độ quân sự trên biển và trên không ở vùng xung quanh Đài Loan và ở khu vực Biển Đông. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã qua quá nửa nhiệm kỳ cầm quyền mà chỉ mới có một lần gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở bên lề cuộc gặp cấp cao thường niên hồi năm ngoái của nhóm G20 ở Bali (Indonesia). Mỹ và Trung Quốc còn bất đồng quan điểm sâu sắc về cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine, cụ thể là Trung Quốc không hùa theo Mỹ và đồng minh đối địch Nga trong khi Mỹ và đồng minh vô cùng quan ngại về khả năng Trung Quốc hậu thuẫn Nga về quân sự để phục vụ cho cuộc chiến ở Ukraine.
Chuyến thăm Trung Quốc vì thế là sự nối lại đối thoại trực tiếp cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông Blinken là đại diện cao cấp nhất của chính quyền của ông Biden tới thăm Trung Quốc cho tới thời điểm hiện tại. Ông Blinken cũng còn là Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đầu tiên tới thăm Trung Quốc kể từ năm 2018. Trong hai nhiệm kỳ làm phó tổng thống Mỹ trước đó của ông Biden ở thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton 6 lần thăm Trung Quốc và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry 9 lần tới Trung Quốc.
Bầu không khí chính trị trong mối quan hệ song phương không được thuận lợi, thậm chí còn có thể nói là rất không thuận lợi, mà ông Blinken vẫn nhanh chóng thực hiện lại chuyến đi Trung Quốc bị hoãn huỷ và phía Trung Quốc vẫn tiếp đón ông Blinken, đặc biệt lại còn thu xếp cho ông Blinken hội kiến ông Tập Cận Bình đủ để cho thấy cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều có ý không để cho căng thẳng và đối kháng tiếp tục gia tăng trong mối quan hệ hợp tác song phương. Chính vì thế mà những cuộc trao đổi của ông Blinken ở Bắc Kinh với phía Trung Quốc chưa giúp hai bên khắc phục được mọi bất hoà và mắc mớ lâu nay nhưng vẫn được cá nhân ông Biden và ông Tập Cận Bình đánh giá cao.
Cả hai vị này đều hàm ý tới hai kết quả mà ông Blinken đã đạt được trong chuyến đi này là Mỹ và Trung Quốc cùng có được sự hiểu biết chung về cần phải "ổn định hoá mối quan hệ hợp tác song phương" và cần phải duy trì các kênh đối thoại và liên lạc trực tiếp ở cấp cao. Phía sau đấy là nhu cầu cấp thiết đối với cả hai bên về duy trì khả năng kiểm soát và quản trị mối quan hệ song phương. Qua đó có thể thấy Mỹ và Trung Quốc không thể "thoát nhau" được, ràng buộc số phận vào quan hệ hợp tác và cho dù cạnh tranh chiến lược hay đối kháng nhau quyết liệt đến mấy thì rồi vẫn cứ phải hợp tác với nhau. Bên ngoài có thể đánh giá chuyến thăm Trung Quốc này của ông Blinken không thành công khi nhìn vào tình trạng mọi mối bất hoà dai dẳng lâu nay giữa hai nước đâu vẫn đấy. Nhưng Mỹ và Trung Quốc lại đánh giá khác. Ông Biden hể hả công khai cho rằng mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc hiện đang "đi đúng hướng", còn ông Tập Cận Bình nhìn nhận kết quả chuyến đi của ông Blinken là "rất tốt".
Mỹ và Trung Quốc lại đi vào đối thoại. Sự khởi đầu là chuyến đi Trung Quốc của ông Blinken. Tới đây, bộ trưởng tài chính và bộ trưởng thương mại Mỹ sẽ tới Trung Quốc. Và chắc rồi bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc cũng sẽ sớm công du Mỹ./.
Hoàng Lan