Tại chuỗi hoạt động có quy mô lớn nhất hàng năm của các Bộ trưởng Ngoại giao, đại diện các nước ASEAN dự kiến tập trung thảo luận hàng loạt vấn đề nhằm duy trì ổn định, hòa bình và khả năng phục hồi kinh tế trong khu vực.
Với chủ đề Năm Chủ tịch ASEAN 2023: “ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”, Indonesia quyết tâm tăng cường khả năng của ASEAN trong ứng phó với các thách thức khu vực và toàn cầu, cũng như củng cố vị thế của ASEAN với tư cách là tâm điểm của tăng trưởng.
Trước hết, Indonesia đã chuẩn bị tầm nhìn ASEAN đến năm 2045 cũng như thúc đẩy thảo luận về dự thảo Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN, nhằm tăng cường năng lực và hiệu quả thể chế của ASEAN.
Để ASEAN thực sự là tâm điểm, động lực cho tăng trưởng của khu vực và toàn cầu, Indonesia cũng định hướng ASEAN ưu tiên hội nhập kinh tế, hợp tác bao trùm, triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), bảo đảm an ninh lương thực, tự cường năng lượng và ổn định tài chính.
Trước tác động biến động trong địa chính trị, cùng nhiều thách thức, rủi ro tiềm ẩn, ASEAN đã chuyển hướng chiến lược, tận dụng các động lực mới, thông qua nhiều sáng kiến như Khung kinh tế tuần hoàn, Chiến lược Trung hòa Carbon, Hiệp định Khung kinh tế số ASEAN, Sáng kiến Một sức khỏe ASEAN… Song song với đó, ASEAN cũng đẩy mạnh hội nhập kinh tế ASEAN, tăng cường thương mại và đầu tư nội khối, củng cố kết nối chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực bảo đảm ổn định tài chính, an ninh lương thực, an ninh năng lượng.
Cụ thể tại hội nghị lần này theo thông tin mới nhất từ cuộc họp báo của Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Masurdi, có 12 văn kiện lớn và một Tuyên chung được các nước dự kiến thông qua. Tuy nhiên bà Retno nhấn mạnh các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra, kéo dài đến khi kết thúc hội nghị để đạt được đồng thuận, với những hợp tác cụ thể trình lên Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 vào tháng 9 tới.
Tìm kiếm tiếng nói chung đối với những vấn đề nóng khu vực
Tình hình phức tạp ở các điểm nóng trong khu vực cũng như trên thế giới như Myanmar, vấn đề xung quanh eo biển Đài Loan, hoặc những diễn biến mới trên bán đảo Triều Tiên sẽ được đề cập tại các hội nghị lần này. Riêng với vấn đề Biển Đông, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc sẽ điểm lại tình hình trên Biển Đông, những tiến bộ đạt được trong xây dựng COC và thống nhất những định hướng lớn cho quá trình này.
Nước chủ tịch Indonesia cũng nhấn mạnh hoàn thiện hướng dẫn để đẩy nhanh việc hoàn tất đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông ( COC) là một trong 7 ưu tiên nội dung chính tại AMM lần thứ 56 và Hội nghị liên quan. Có thể nói Biển Đông là một vùng biển có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng, không phải chỉ đối với các nước xung quanh khu vực mà đối với cả cộng đồng quốc tế. Các nước đều xác định mục tiêu đảm bảo hòa bình và ổn định ở Biển Đông là nhiệm vụ chung của tất cả các bên, không kể lớn, bé hay tính đến sức mạnh quân sự và kinh tế.
Trước đến nay ASEAN vẫn cho rằng bảo đảm hòa bình, ổn định trên Biển Đông phải dựa trên khuôn khổ xây dựng lòng tin và khuôn khổ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về luật biển UNCLOS 1982. Thứ 2 là sử dụng đối thoại và hợp tác, kiềm chế, không gây những hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình trong khi chờ đợi các giải pháp Thứ 3 là các hoạt động trên biển cần phải được thực hiện nhằm xây dựng lòng tin, ngăn ngừa mâu thuẫn phát triển leo thang thành xung đột.
Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) cũng là cam kết bước đầu của các nước ASEAN đối hòa bình và ổn định trên Biển Đông. Bước tiếp theo là nâng cấp Tuyên bố này trở thành một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). ASEAN hiện cũng hết sức quan tâm, đặc biệt là mong muốn sớm có, kể cả các nước đối tác của ASEAN, trong đó có Trung Quốc, cũng đều mong muốn là có một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông sớm được thông qua hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Ngoài những cách tiếp cận đó, mục tiêu của nước chủ tịch Indonesia năm nay đưa ra là thiết lập Tầm nhìn ASEAN về Hàng hải. Đây là một bước phát triển mới trong lập trường, phương thức của ASEAN triển khai các vấn đề liên quan đến hợp tác trên biển, trong đó có Biển Đông. Tuy nhiên các chuyên gia nhận định cần có thêm các cuộc thảo luận, trao đổi, để định hình Tầm nhìn này phù hợp với lợi ích của tất cả các bên liên quan, cũng như trở thành phương thức, một bộ phận không thể tách rời của ASEAN trong tương lai.
Khẳng định vị thế ASEAN giữa những biến động
Tại hội nghị lần này, lần đầu tiên việc triển khai Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương được lồng ghép trong các cuộc đàm phán với các nước đối tác, với trọng tâm hướng đến những vấn đề hợp tác cụ thể. Nguyên tắc chính trong Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương là tính bao trùm và xây dựng hợp tác cụ thể. Vì vậy, ASEAN sẵn sàng hợp tác với các đối tác bất cứ lĩnh vực nào trong khuôn khổ thực hiện Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương. Điều này cũng đã được phản ánh trong các văn kiện khác nhau của ASEAN với các đối tác cả về lĩnh vực chính trị và sự hợp tác cụ thể.
Có thể nói ASEAN vẫn là một tổ chức quan trọng khu vực và toàn cầu, thu hút sự quan tâm của các đối tác muốn nâng cấp mối quan hệ, trở thành đối tác đối thoại và tham gia vào cơ chế do ASEAN dẫn dắt…
Thành công của ASEAN có sự đóng góp của các thành viên và đổi lại, đằng sau những thành công và phát triển của các thành viên có bóng dáng của ASEAN. “Lòng tin đang được định hình, tham vấn là tập quán và hợp tác thành thói quen”. Chính những điều này đã làm cho ASEAN trở nên tốt đẹp hơn, nhận được những đánh giá cao hơn từ các đối tác, bạn bè quốc tế, đồng thời là một phần không thể thiếu trong chính sách đối ngoại của các thành viên.
Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động như hiện nay, ASEAN vẫn phải ưu tiên cho lợi ích của mình, hợp tác, đoàn kết và thống nhất ứng phó trước các thách thức, đặc biệt là cần phải làm thế nào để tiếp tục xây dựng ASEAN tự cường và vững mạnh, trở thành tâm điểm của tăng trưởng toàn cầu.
Có thể nói chuỗi hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 (AMM56) được kỳ vọng sẽ tiếp tục khẳng định tinh thần đoàn kết ASEAN, sẵn sàng đối thoại thẳng thắn, hợp tác chân thành vì hoà bình, ổn định và phồn vinh chung. Trong quá trình đó, Việt Nam luôn tham gia với tâm thế tự tin, chủ động, tích cực và đóng góp có trách nhiệm hướng tới củng cố đoàn kết, phát huy tinh thần tương trợ lẫn nhau, thúc đẩy xây dựng cộng đồng ASEAN.
Phạm Hà/VOV-Jakarta