Trả lời phỏng vấn nhật báo Nga Lenta.ru, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, việc Ukraine sử dụng máy bay chiến đấu F-16 có khả năng mang vũ khí hạt nhân sẽ bị Nga coi là mối đe dọa của phương Tây trong lĩnh vực hạt nhân.
“Một ví dụ cho thấy bước ngoặt cực kỳ nguy hiểm là Mỹ có kế hoạch chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine. Chúng tôi đã thông báo cho các cường quốc hạt nhân Mỹ, Anh và Pháp rằng Nga không thể bỏ qua khả năng mang vũ khí hạt nhân của các máy bay chiến đấu này”, ông Lavrov nói.
“Trong quá trình tác chiến, quân đội của chúng tôi sẽ không thể biết rõ liệu từng máy bay chiến đấu cụ thể có được trang bị vũ khí hạt nhân hay không. Chúng tôi sẽ coi việc lực lượng vũ trang Ukraine có những hệ thống như vậy là mối đe dọa từ phương Tây trong lĩnh vực hạt nhân”, Ngoại trưởng Nga cho hay.
Ngoại trưởng Lavrov lưu ý rằng “Mỹ và đồng minh NATO đang tạo ra nguy cơ xung đột vũ trang trực tiếp với Nga, và điều này sẽ gây ra nhiều hậu quả thảm khốc”.
“Các điều kiện để Nga sử dụng vũ khí hạt nhân được xác định rõ ràng trong Học thuyết quân sự của chúng tôi. Chúng tôi đã biết rõ và sẽ không nhắc lại một lần nữa”, ông Lavrov nói thêm.
Ngày 12/7, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, Ukraine có khả năng sẽ nhận được các máy bay chiến đấu F-16 từ các đồng minh của Mỹ ở châu Âu, những nước có tiêm kích dự phòng.
“Liên quan tới máy bay chiến đấu F-16, Tổng thống Joe Biden đã đưa ra quyết định cách đây vài tuần, sau khi tham khảo ý kiến chặt chẽ với các đồng minh, về việc bắt đầu huấn luyện phi công Ukraine trên các máy bay này. Việc đào tạo sẽ mất một khoảng thời gian, sau đó sẽ có việc chuyển giao F-16, có thể là từ các quốc gia châu Âu có nguồn cung F-16 dự phòng”, ông Sullivan tuyên bố tại Vilnius, Litva, nơi ông đang dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO.
Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Romania, tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Litva, 11 nước đã ký Tuyên bố chung về việc chính thức hóa liên minh huấn luyện lực lượng không quân Ukraine vận hành máy bay F-16. Liên minh bao gồm Bỉ, Canada, Đan Mạch, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Thụy Điển và Vương quốc Anh.
Trước đó, vào tháng 5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đồng ý cùng các đồng minh của Washington huấn luyện phi công Ukraine sử dụng tiêm kích F-16.
Cho đến nay, chưa có quốc gia nào đề nghị gửi máy bay chiến đấu F-16 tới Ukraine. Tuy nhiên, Kiev đã nhận được các máy bay chiến đấu MiG-29 từ Ba Lan và Slovakia.
Nga đã nhiều lần đưa ra cảnh báo về việc phương Tây gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine. Tổng thống Putin nói rằng bất cứ tiêm kích nào do phương Tây gửi tới Ukraine sẽ bị phá hủy tương tự như các xe tăng mà họ đã cung cấp cho Kiev.
Mai Trang/VOV.VN (biên dịch)
Theo TASS, RT