Những vụ giẫm đạp lên, xé và đốt sách Kinh Coran của đạo Hồi ở Thụy Điển và Đan Mạch trong những ngày gần đây đã khuấy động làn sóng phản đối và phẫn nộ ở nhiều quốc gia trong thế giới Hồi giáo.
Sách Kinh Coran được người theo đạo Hồi coi là linh thiêng và biểu tượng cho tôn giáo này. Trong quá khứ đã nhiều lần xảy ra ở một số quốc gia châu Âu những vụ việc giẫm đạp, làm bẩn, xé và đốt sách Kinh Coran cũng như phỉ báng đấng thần linh tôn nghiêm của đạo Hồi mà lần nào cũng làm cho mối quan hệ giữa các nước phương Tây và các quốc gia Hồi giáo bị xấu đi nghiêm trọng, thậm chí còn dẫn đến một số hành động bạo lực cực đoan. Lần nào cũng vậy, chính quyền ở các nước phương Tây đều viện dẫn quyền tự do ngôn luận để biện bạch cho việc không thể cấm các hành động nói trên.
Hiện tại lại như thế giữa Thuỵ Điển, Đan Mạch với các nước Hồi giáo. Hai vụ ở Thuỵ Điển đều xảy ra trước đại sứ quán Iraq ở Thuỵ Điển. Ba vụ khác xảy ra ở trước đại sứ quán Iraq và Ai cập ở Đan Mạch. Chính phủ nhiều quốc gia Hồi giáo đã triệu tập đại sứ của Thuỵ Điển và Đan Mạch ở những nơi đó lên bộ ngoại giao sở tại để phản đối. Ở Iraq, những người theo đạo Hồi phẫn nộ đã tấn công cả vào đại sứ quán Thuỵ Điển. Chính phủ Iraq đã trục xuất đại sứ Thuỵ Điển và Thuỵ Điển đã rút gần như tất cả nhân viên ngoại giao và kỹ thuật ở đại sứ quán tại Iraq về nước. Đan Mạch cũng hành động tương tự cho dù quả quyết là số nhân viên này chỉ rút về nước để nghỉ.
Điều đáng chú ý là cho dù sự phản đối và phẫn nộ ở phía các nước Hồi giáo ngày càng tăng mức độ quyết liệt, phía chính giới ở các nước châu Âu không biểu lộ chủ ý hành động ngăn chặn. Họ đều tỏ thái độ chính thức là lên án những hành động phỉ báng và xúc phạm đạo Hồi, quả quyết chính sách của họ không ủng hộ những hành động như vậy. Nhưng đồng thời, họ vẫn bám giữ vào biện luận là những hành động ấy không bị pháp luật hiện hành cấm đoán bởi thuộc diện tự do ngôn luận. Từ đó có thể thấy rằng xung khắc, bất hoà và bạo lực giữa các nước Hồi giáo và các nước phương Tây ở châu Âu sẽ vẫn còn dai dẳng và gia tăng ở lần này và rồi đây, những chuyện tương tự sẽ vẫn còn tiếp tục xảy ra.
Việc phỉ báng và xúc phạm những gì được người theo đạo Hồi coi là thiêng liêng ở các nước châu Âu tuy là hành vi của cá nhân nhưng thực chất sâu xa của vụ việc lại là chuyện xung khắc và đối địch về tôn giáo, tín ngưỡng và ý thức hệ giữa người theo đạo Hồi và các quốc gia trong khối phương Tây. Vì thế, những vụ việc như kể trên mới thường xuyên xảy ra, mới cứ lặp đi lặp lại và mới không có được giải pháp dứt điểm và ổn thoả lâu bền.
Trong thế giới hiện đại ngày nay, các nước phương Tây và các quốc gia Hồi giáo không thể không duy trì và thúc đẩy quan hệ hợp tác với nhau. Ở các nước phương Tây, cộng đồng người theo đạo Hồi ngày càng lớn. Cực đoan hoá và cuồng tín hoá đạo Hồi cũng đã trở thành vấn đề nan giải, phức tạp và rất nhạy cảm đối với cả thế giới nói chung và đối với các nước phương Tây nói riêng. Phần lớn các quốc gia trên thế giới ghi nhận trong luật pháp quốc gia quyền tự do ngôn luận.
Tuy nhiên, ở đây đặt ra hai vấn đề phức tạp và nhạy cảm. Vấn đề thứ nhất là phải trả lời câu hỏi việc phỉ báng và xúc phạm đấng linh thiêng của tôn giáo có thể được coi là hành động tự do ngôn luận hay không. Vấn đề thứ hai là xác định tự do ngôn luận vô giới hạn hay có giới hạn. Mỗi quốc gia trên thế giới phải tự giải quyết hai vấn đề này sao cho tốt đẹp nhất và thích hợp nhất cho chính mình nhưng đồng thời cũng phải hài hoà vào nhận thức chung trên thế giới./.
Hoàng Lan