Phe đảo chính Niger đóng cửa không phận, sẵn sàng nghênh chiến ECOWAS

Cuộc đảo chính quân sự nổ ra ở Niger vào ngày 26/7/2023 là cuộc đảo chính thứ 7 tại Tây Phi và Trung Phi trong vòng 3 năm qua.

 

Ban lãnh đạo phe đảo chính tại Niger đã đóng cửa không phận sau khi bác bỏ tối hậu thư của ECOWAS đòi Niger phục chức cho Tổng thống Mohamed Bazoum vừa bị lật đổ, nếu không sẽ đối mặt với nguy cơ bị can thiệp quân sự. Họ cũng tuyên bố sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chế độ mới.

Động thái trên, được công bố vào cuối ngày 6/8, diễn ra trong bối cảnh hàng chục ngàn người ủng hộ lực lượng đảo chính tụ tập tại một sân vận động ở thủ đô Niamey của Niger để chúc mừng các tướng lĩnh quân đội vừa lên nắm quyền thông qua Hội đồng quốc gia bảo vệ Tổ quốc (CNSP).

Niger cảnh giác cao độ, sẵn sàng nghênh chiến

Amadou Abdramane - phát ngôn viên cho CNSP, dẫn mối đe dọa can thiệp quân sự từ Cộng đồng kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) như lý do cho việc đóng cửa không phận.

Trong tuyên bố trên truyền hình quốc gia, ông Abdramane cho biết đã có sự triển khai quân tại hai nước Trung Phi để chuẩn bị cho can thiệp. Ông không cung cấp thêm chi tiết.

Phát ngôn viên Abdramane nói: “Đối mặt với mối đe dọa can thiệp - điều đang trở nên rõ ràng hơn thông qua hoạt động chuẩn bị của các nước láng giềng, không phận Niger được đóng lại đối với tất cả các máy bay từ ngày này, 6/8, chờ đến khi có thông báo mới”.

Ông Abdramane tuyên bố thêm “Các lực lượng vũ trang Niger, tất cả các lực lượng quốc phòng và an ninh của chúng tôi, được sự hậu thuẫn của nhân dân, sẵn sàng bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ đất nước”.

Cuộc đảo chính quân sự nổ ra ở Niger vào ngày 26/7/2023 là cuộc đảo chính thứ 7 tại Tây Phi và Trung Phi trong vòng 3 năm qua. Đảo chính lần này đã làm rúng động khu vực Sahel của châu Phi, nơi đang phải vật lộn với các nhóm phiến quân liên quan đến các tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda và IS. Đây cũng là một trong các khu vực nghèo nhất thế giới.

Khối ECOWAS đã lên án cuộc đảo chính, áp các lệnh trừng hà khắc về kinh tế và đi lại, bao gồm việc cắt nguồn cung năng lượng cho Niger. Người đứng đầu ngành quốc phòng các nước thuộc ECOWAS đã nhất trí về một kế hoạch hành động quân sự, bao gồm cả địa điểm và thời điểm tấn công, nếu như Tổng thống Niger Bazoum không được phóng thích và phục chức vào ngày 6/8.

ECOWAS chưa nói các bước tiếp theo của họ là gì, cũng như chính xác vào thời điểm nào trong ngày 6/8 thì là hạn chót của tối hậu thư do họ đưa ra cho chính quyền quân sự Niger.

Các lãnh đạo của cuộc đảo chính quân sự Niger được những người ủng hộ chào mừng tại sân vận động ở thủ đô Niamey. (Ảnh: Reuters)Chính quyền quân sự Niger cố gắng nắm đằng chuôi

Phóng viên Charles Stratford của al Jazeera, đưa tin từ Senegal, cho hay quyết định của quân đội Nigeria về đóng cửa không phận đất nước tương đương với việc “bác bỏ hoàn toàn các yêu sách của ECOWAS”.

Stratford nói: “Mọi con mắt giờ đều đổ dồn vào bước đi tiếp theo của ECOWAS. Khối này đã tuyên bố kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu rằng mọi phương án đều được tính đến và bất cứ biện pháp can thiệp quân sự nào cũng sẽ chỉ được sử dụng như giải pháp cuối cùng”.

“Người ta sợ rằng cuộc khủng hoảng này có thể mở rộng thành một xung đột khu vực và các nhóm vũ trang như IS và al-Qaeda có thể lợi dụng tình hình để gây thêm hỗn loạn trong khu vực”.

Trước nguy cơ chiến tranh khu vực, các nước Tây Phi bắt đầu chọn bên. Nigeria, Senegal và Bờ biển Nga cho hay, họ sẽ gửi quân can thiệp, mặc dù thượng viện Nigeria muốn Tổng thống Bola Tinubu thăm dò các phương án khác ngoài việc sử dụng vũ lực.

Trong khi đó, chính quyền quân sự tại Burkina Faso và Mali đã tuyên bố bất cứ sự can thiệp nào vào Niger cũng sẽ bị xem là tuyên chiến với chính các nước này.

Algeria, đất nước có biên giới dài trên bộ với Niger, cũng cảnh báo phản đối giải pháp quân sự.

Đại tá về hưu Festus Aboagye - cố vấn an ninh cho Liên minh châu Phi và Liên Hợp Quốc, nói với al Jazeera vào hôm 6/8 rằng việc kế hoạch của ECOWAS có thành công hay không là tùy thuộc vào khả năng triển khai quân của Nigeria.

“Ở Tây Phi, Nigeria là tất cả. Điều này có từ thời ECOWAS can thiệp vào Liberia và Sierra Leone dưới lá cờ ECOMOG (Nhóm theo dõi của ECOWAS)”.

Aboagye phân tích tiếp: “Nigeria là nhân vật chính. Đó là động lực của khu vực hoặc tiểu vùng. Nhưng thượng viện nước này chưa thông qua đề xuất của tổng thống Nigeria về can thiệp vào Niger”.

Aboagye nhắc lại trường hợp năm 2017, khi Tổng thống Nigeria lúc đó là Muhammadu Buhari triển khai quân tới Gambia dù chưa được quốc hội phê chuẩn. Kết quả của việc triển khai quân đó là Tổng thống Yahya Jammeh đã bị hạ bệ sau khi từ chối trao quyền lực cho tổng thống đắc cử là Adama Barrow.

Thế giới chia rẽ về can thiệp quân sự

Cộng đồng quốc tế ngoài khu vực có vẻ cũng bị chia rẽ về vấn đề can thiệp.

Pháp - từng cai trị Niger thời thực dân, có khoảng 1.500 quân đồn trú tại đó. Pháp cho hay, họ sẽ hậu thuẫn “mạnh mẽ” cho bất cứ phương án hành động nào mà ECOWAS thực hiện sau khi hết hạn chót của tối hậu thư. Nhưng Pháp chưa thông báo rõ liệu sự hậu thuẫn này có bao gồm viện trợ quân sự hay không.

Ngược lại, Nga phản đối can thiệp quân sự vào Niger. Người đứng đầu hãng quân sự tư nhân Nga Wagner đã đề xuất cung cấp dịch vụ chiến binh cho Niger. Các thủ lĩnh đảo chính Niger cũng đã tìm kiếm sự giúp đỡ của Wagner - hiện đã là một lực lượng có ảnh hưởng ở Mali kể từ khi xảy ra đảo chính tại đó vào năm 2021. Wagner cũng có sự hiện diện dài lâu hơn nữa ở Cộng hòa Trung Phi cũng như Libya.

Trong khi ở thủ đô Niamey, các đám đông lớn đổ về một sân vận động 30.000 chỗ ngồi, mang theo chân dung của các lãnh đạo đảo chính và la ó nước Pháp. Địa điểm này ngập cờ Nga.

Trong một phát biểu tại sân vận động, tướng Mohamed Toumba - một trong các thủ lĩnh của nhóm CNSP, tố cáo những đối tượng “lởn vởn trong bóng tối” với “mưu đồ lật đổ cuộc tiến quân của Niger”.

Ở quận Boukoki của thủ đô, các cư dân cho biết họ sẵn sàng bảo vệ đất nước.

Adama Oumarou, một người dân, chia sẻ: “Chúng tôi sẽ chiến đấu cho cuộc cách mạng này. Chúng tôi sẽ không rút lui khi đối diện với kẻ thù. Chúng tôi quyết chiến… Chúng tôi đã đợi chờ cuộc đảo chính này lâu rồi”.

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch
Nguồn: al Jazeera

 

Bình luận

    Chưa có bình luận