Đảo chính tại Niger: Cục diện đã an bài?

Đàm phán rơi vào bế tắc và phái đoàn ECOWAS đã rời Niamey ngay đêm 20/8, để lại nhiều đồn đoán về các bước đi tiếp theo mà ECOWAS có thể tiến hành...

 

Ngày 20/8, phái đoàn đàm phán của Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) đã có cuộc đàm phán chính thức đầu tiên với chính quyền quân sự Niger kể từ khi xảy ra cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Niger Mohamed Bazoum đêm 26/7. Tuy nhiên, cuộc đối thoại kéo dài gần 2 giò đã không mang lại bất kỳ kết quả đáng kể nào. Các đề xuất cơ bản mà các bên đưa ra đều bị bên còn lại bác bỏ.

Cuộc đối thoại tại Niamey hôm 20/8 có sự tham gia của Chủ tịch Hội đồng quốc gia bảo vệ Tổ quốc Niger, Tướng Abdelrahamane Tiana – người đứng đầu phe đảo chính lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum đêm 26/7. Một số nhà phân tích coi đây là nỗ lực ngoại giao chính thức cuối cùng của ECOWAS nhằm khôi phục trật tự Hiến pháp tại Niger. Thất bại của lần đối thoại này có thể khiến cục diện khủng hoảng trở nên rối ren và phức tạp hơn, tiến gần hơn với nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và chính khách khu vực lại không nghĩ như vậy.

Kết cục đã được dự báo trước

Tại cuộc đối thoại, phái đoàn ECOWAS, do cựu Tổng thống Nigeria Abdulsalami Abubakar làm trưởng đoàn, đề xuất chính quyền quân sự Niger trả tự do và khôi phục quyền lực cho Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum. Đổi lại, phe đảo chính sẽ được đảm bảo an toàn tính mạng và không bị truy cứu trách nhiệm sau này.

Trong khi đó, chính quyền quân sự Niger yêu cầu ECOWAS công nhận bộ máy cầm quyền mới tại Niger gồm Hội đồng quốc gia bảo vệ Tổ quốc và Chính phủ mới vừa được lập ra do Thủ tướng Ali Alamine Zeine lãnh đạo, đồng thời dỡ bỏ toàn bộ các lệnh trừng phạt áp đặt chống Niger liên quan đến cuộc đảo chính.

Đề xuất của cả hai phía đều bị phía còn lại bác bỏ, khiến đối thoại rơi vào bế tắc và phái đoàn ECOWAS rời Niamey trở về Abuja, Nigeria ngay trong đêm 20/8.

Theo nhiều nhà phân tích khu vực và quốc tế, việc phái đoàn ECOWAS và chính quyền quân sự Niger không tìm được tiếng nói chung trong cuộc đàm phán tại Niamey ngày 20/8 là kết cục đã được dự báo trước và cả hai bên cũng đều nhận thức rõ điều này. Nguyên nhân là bởi cho đến phút chót trước khi đối thoại diễn ra, cả hai bên đều tiếp tục công khai thể hiện quan điểm và cách tiếp cận vấn đề rất khác biệt, thậm chí là trái ngược nhau.

Cụ thể, về phía ECOWAS, sau cuộc họp bất thường Tham mưu trưởng quân đội các nước thành viên kết thúc đêm 19/8 tại Ghana, khối này vẫn khẳng định mục tiêu cuối cùng hướng đến trong xử ly cuộc khủng hoảng là khôi phục trật tự Hiến pháp, bao gồm việc khôi phục quyền lực cho Tổng thống dân cử Mohamed Bazoum. Cao ủy các vấn đề Chính trị, Hòa bình và An ninh của ECOWAS Abdel Fatah Musah nêu rõ khối này sẽ tiến hành mọi biện pháp cần thiết, bao gồm cả can thiệp quân sự, để khôi phục trật tự Hiến pháp tại Niger.

Về phía chính quyền Niger, trong phát biểu trên truyền hình Niger ngay sau cuộc họp của các tướng lĩnh quân đội ECOWAS, Tướng Tiani tuyên bố đang hành động theo y nguyện của dân chúng, khẳng định không có tham vọng quyền lực và một quá trình chuyển giao dân chủ sẽ được xúc tiến và hoàn tất trong khoảng thời gian không quá 3 năm. Vai trò của vị Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum hoàn toàn không còn được đề cập đến.

Những người ủng hộ lãnh đạo phe đảo chính Niger tập trung tại thủ đô Niamey. Ảnh: ReutersBước đi tiếp theo của ECOWAS

Ngay sau khi cuộc thương lượng tại Niamey kết thúc, không ít ý kiến cho rằng đây có thể là dấu chấm hết cho nỗ lực ngoại giao trong cuộc khủng hoảng Niger. Theo đó, ECOWAS buộc phải tiến hành biện pháp không mong đợi nhất là can thiệp quân sự.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích có quan điểm hoàn toàn ngược lại, tin rằng đối thoại sẽ tiếp tục được thúc đẩy, ít nhất là trong vài tuần tới. Có nhiều cơ sở vững chắc cho nhận định này.

Thứ nhất, đúng như khẳng định của chính các nhà lãnh đạo ECOWAS, các biện pháp ngoại giao hòa bình vẫn là lựa chọn ưu tiên nhất. ECOWAS chủ trương chỉ tiến hành biện pháp can thiệp quân sự khi đối thoại thất bại. Trong khi đó, Chính quyền quân sự Niger đã chấp nhận đối thoại. Kết quả nghèo nàn của cuộc đối thoại đầu tiên không thể bị coi là sự chấm hết cho một giải pháp ngoại giao vốn luôn cần nhiều thời gian.

Thứ hai, ECOWAS đứng trước những áp lực rất lớn khó có thể vượt qua nếu lựa chọn giải pháp can thiệp quân sự. Đầu tiên là sức ép quốc tế. Cho đến nay, ngoại trừ Pháp, chưa có bất kỳ quốc gia hay thể chế quốc tế nào ủng hộ giải pháp quân sự đối với cuộc khủng hoảng Niger. Trong đó, nhiều nhà phân tích có chung đánh giá rằng: quan điểm và động thái của Mỹ là điều không thể bỏ qua. Chi tiết Washington phái cử Đại sứ mới đến Niamey ngay trong bối cảnh cục diện còn chưa ngã ngũ, có thể được hiểu là chính quyền Mỹ có thể vẫn chấp nhận một chính quyền mới không phải do Tổng thống Bazoum lãnh đạo tại Niger, dù Washington vẫn liên tục hối thúc khôi phục quyền lực cho ông Bazoum.

Tiếp đến là trong chính nội bộ ECOWAS cũng đang có sự chia rẽ sâu sắc về vấn đề can thiệp quân sự. Đặc biệt, theo một số nhà phân tích, quan điểm phản đối biện pháp quân sự ngày càng thắng thế trong nội bộ khối này. Thực tế đó dẫn đến việc cho đến nay, quân số cam kết mà các nước có thể đóng góp cho chiến dịch can thiệp tiềm năng là rất hạn chế (chưa tới 10.000 quân), ở quy mô quá nhỏ so với quân số cần có để để đảm bảo cho sự thành công của hành động can thiệp. Trong khi đó ở bên kia chiến tuyến, các đồng minh của Niger là Mali và Burkina Faso được cho là đã có sự chuẩn bị sẵn sàng ứng chiến trên thực địa đầy khí thế khi liên tiếp tăng cường quân số và vũ khí đến Niger. Đặc biệt, chính quyền quân sự Niger đang nhận được sự ủng hộ rất mạnh mẽ của người dân nước này. Hàng nghìn thanh niên Niger tuyên bố sẵn sàng tham gia chiến đấu chống lại bất kỳ sự can thiệp quân sự nào từ bên ngoài vào nước này, cũng là tình tiết mà bất kỳ kế hoạch can thiệp quân sự nào của ECOWAS vào Niger, cần phải tính đến.

Bên cạnh đó, ECOWAS chắc chắn hiểu rất rõ những hậu quả và hệ lụy cực kỳ phức tạp đối với an ninh và sự ổn định trong toàn khu vực khi xung đột vũ trang nổ ra. Những hệ quả đó đã được cả Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Phi, Liên minh châu Âu và nhiều quốc gia nhiều lần cảnh báo.

Tuy vậy, có thể nói rằng việc chính quyền quân sự Niger chấp nhận đối thoại có thể được coi là tiến triển tích cực và quan trọng, nhất là với ECOWAS. Vì nó mở ra lối thoát cho thế “tiến thoái lưỡng nan” mà ECOWAS vướng phải sau khi liên tiếp tuyên bố dứt khoát rằng sẽ khôi phục trật tự Hiến pháp tại Niger bằng mọi biện pháp cần thiết, bao gồm cả can thiệp quân sự.

Cục diện đã an bài

Trong bối cảnh đó, ngày càng nhiều y kiến cho rằng, sau 4 tuần đảo chính xảy ra và 3 tuần sau tối hậu thư của ECOWAS, cục diện quyền lực tại Niger đã cơ bản được an bài. Theo đó, gần như hoàn toàn không có khả năng xảy ra kịch bản chính quyền quân sự Niger chấp nhận từ bỏ quyền lực hoặc bị tước bỏ quyền lực bằng biện pháp mạnh, và Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum được khôi phục quyền lực. Chính quyền quân sự sẽ là bộ máy cầm quyền tại Niger trong giai đoạn chuyển tiếp thời gian tới, ít nhất là cho đến khi một chính quyền dân bầu được thiết lập tại Niger.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, các vấn đề liên quan đến quá trình chuyển tiếp sẽ là mấu chốt của các cuộc đàm phán tiếp theo giữa ECOWAS và chính quyền quân sự Niger, chứ không phải là vai trò hay số phận của Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum nữa. Trong đó, khoảng thời gian quá trình chuyển tiếp kéo dài không quá 3 năm mà chính quyền quân sự Niger đưa ra, cùng một lộ trình cụ thể về xây dựng hiến pháp mới, tổ chức bầu cử, sự tham gia của các lực lượng chính trị Niger, cũng như việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt… là những lá bài mặc cả đầy khó khăn mà hai bên sẽ phải tiến hành và cố gắng tìm ra tiếng nói chung.

Bá Thi/VOV-Cairo

 

Bình luận

    Chưa có bình luận