Một hội nghị có thể quyết định tương lai của khối với rất nhiều nước đã chính thức đề nghị gia nhập.
Thượng đỉnh của khối BRICS sẽ kéo dài trong vòng 3 ngày để quyết định tương lai của khối. Các nhà bình luận quốc tế cho rằng, BRICS sẽ rất khó khăn để có thể thay đổi được trật tự thế giới, vốn bị khối này coi là do phương Tây dẫn dắt, thống trị một cách bất công.
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không tham dự trực tiếp thay vào đó ông sẽ có bài phát biểu trực tuyến. Các cuộc thảo luận xung quanh việc bổ sung thành viên mới sẽ là trọng tâm của chương trình nghị sự. BRICS hiện tại đang là nhóm các nước thu hút nhiều sự đầu tư trên thế giới. Tuy nhiên, mỗi thành viên hiện tại của khối lại có những vướng mắc nhất định.
Nga đang ở trong cuộc xung đột với Ukraine và hiện bị cô lập với phương Tây. Hai thành viên khác là Ấn Độ và Trung Quốc thì có xung đột biên giới một cách âm ỉ. Bắc Kinh cũng đang bị kẹt trng cuộc cạnh tranh với Mỹ.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa hôm 19/9 đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc mở rộng BRICS, nói rằng một cơ quan lớn hơn sẽ “đại diện cho một nhóm quốc gia đa dạng” có chung “mong muốn chung là có một trật tự toàn cầu cân bằng hơn” trong một thế giới “ngày càng phức tạp và rạn nứt”.
Các thành viên trong khối đang hướng đến việc có nhiều tiếng nói hơn trong hệ thống quốc tế hiện nay mà họ coi là đang có lợi cho phương Tây và nhóm G7. Các nhà phân tích cho rằng khối này sẽ đối mặt với các nguy cơ địa chính trị rõ ràng hơn trong nỗ lực tái cân bằng sức mạnh toàn cầu, đặc biệt là nếu kết nạp thêm thành viên mới.
Phát biểu tại cuộc họp báo trước hội nghị thượng đỉnh vào tuần trước, đặc phái viên của Trung Quốc tại Nam Phi cho biết ngày càng có nhiều quốc gia hy vọng tham gia BRICS để “bảo vệ lợi ích hợp pháp của họ”.
“Đối mặt với việc một số quốc gia sử dụng “cây gậy” trừng phạt đơn phương và tham gia vào quyền tài phán, các nước BRICS nhất quyết yêu cầu đối thoại và tham vấn bình đẳng”. - Đặc phái viên Chen Xiaodong của Trung Quốc nói.
Theo Bhaso Ndzendze, Phó giáo sư Chính trị và Quan hệ quốc tế tại Đại học Johannesburg, vấn đề mở rộng có thể là “bài kiểm tra sức chịu đựng đầu tiên của BRICS trong gần một thập kỷ rưỡi tồn tại”.
Ông nói, việc bổ sung thêm thành viên “sẽ mở rộng sự hiện diện toàn cầu của nhóm” và tăng cường sự tham gia vào chương trình nghị sự của nhóm nhằm chống lại sự thống trị chính trị của phương Tây.
Nhưng có những khác biệt về quan điểm về việc có nên mở rộng hay không và “chắc chắn không phải tất cả thành viên đều ủng hộ việc các quốc gia giống nhau gia nhập”.
Mở rộng BRICS tác động như nào?
Các nhà phân tích đặt câu hỏi, liệu lãnh đạo các quốc gia BRICS nếu quyết định bổ sung thành viên mới thì cách chọn những thành viên tiềm năng như thế nào và nó sẽ tác động đến toàn cầu ra sao?
Đây chỉ là lần thứ hai trong lịch sử BRICS có ý định mở rộng, lần này sẽ tập trung vào phát triển kinh tế và nâng cao tiếng nói của các thành viên trên các diễn đàn toàn cầu. Lần trước vào năm 2009, các nhà lãnh đạo BRICS đã quyết định bổ sung thêm Nam Phi và sau đó là ra mắt Ngân hàng Phát triển vào năm 2015.
Được xây dựng dựa trên thuật ngữ do nhà kinh tế học Jim O'Neill của Goldman Sachs đặt ra, BRICS được mô tả là các cơ hội đầu tư ở những thị trường mới nổi quan trọng. Nhóm này tồn tại bất chấp sự khác biệt sâu sắc về hệ thống chính trị và kinh tế giữa các thành viên.
Đại sứ Nam Phi tại BRICS Anil Sooklal cho biết vào tháng trước rằng hiện nay, 22 quốc gia đã chính thức bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập khối. Các quan chức Nam Phi cho biết thêm, những nước chính thức nộp đơn bao gồm Argentina, Mexico, Iran, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ai Cập, Nigeria và Bangladesh.
Theo bà Mihaela Papa, thành viên cấp cao của Dự án Liên minh các cường quốc mới nổi tại Đại học Tufts ở Mỹ, các quốc gia có nhiều lý do để bày tỏ ý định gia nhập BRICS, từ việc quan tâm đến các sáng kiến kinh tế cụ thể như chuyển đổi sang đồng nội tệ cho đến “thách thức Mỹ”.
Bà Mihaela Papa cho biết thêm, có những nước muốn tiếp cận với các thành viên BRICS, đặc biệt là Trung Quốc, một cách dễ dàng hơn trong bối cảnh thế giới có căng thẳng và có nhiều bất định. Những thành viên mới nếu tham gia với sức mạnh kinh tế của họ có thể thúc đẩy khả năng định hình lại hoặc tạo ra giải pháp thay thế cho quyền lực toàn cầu hiện tại.
Các chuyên gia cho biết, việc đưa vào danh sách các quốc gia công khai đối kháng với phương Tây, như Iran, có thể khiến BRICS tiến xa hơn trở thành một tổ chức chống lại phương Tây. Việc bổ sung thêm thành viên mới có thể sẽ mang lại ít nhất một số tác động tích cực đối với thành viên quyền lực nhất của khối, Trung Quốc. Đặc biệt là trong bối cảnh ông Tập Cận Bình cố gắng định vị đất nước của mình là nước đi đầu trong việc cải tổ hệ thống do Mỹ lãnh đạo.
Yun Sun, Giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, cho biết: “Các thành viên càng mở rộng thì BRICS càng có thể khẳng định được tiếng nói tập thể mạnh mẽ hơn và Trung Quốc với tư cách là nền kinh tế lớn nhất sẽ càng khẳng định vai trò lãnh đạo và đại diện cho các nước mới nổi”.
Sự mở rộng BRICS cũng ảnh hưởng tới Nga, thành viên vốn được chào đón trong khối nhưng lại đang đối đầu mạnh mẽ với phương Tây, đặc biệt là Mỹ và NATO.
Kewalramani, nhà nhiên cứu về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại trung tâm nghiên cứu của Viện Takshashila, cho biết, các nước xin gia nhập BRICS nên xem đây là phương tiện để đối phó với những thách thức như biến đổi khí hậu, khả năng tiếp cận vốn và các hạn chế về công nghệ thay vì hướng nó tới phương Tây.
Khó khăn để lựa chọn thành viên mới
Các nhà lãnh đạo BRICS dự kiến sẽ xem xét các tiêu chí để chọn ra những nước thành viên mới. Sự hiện diện trực tuyến của nhà lãnh đạo Nga Putin là dấu hiệu rõ ràng cho thấy có sự khó xử trong khối. BRICS hiện tại có nước lên án Nga trong cuộc chiến tại Ukraine là Brazil nhưng có những nước bỏ phiếu trắng là Trung Quốc, Nam Phi và Ấn Độ.
Khi nói đến việc mở rộng BRICS, mỗi quốc gia đều có lý do riêng để thận trọng về việc cho phép ai tham gia. Vấn đề này đã được nêu ra trong nhiệm kỳ chủ tịch cuối cùng của Nam Phi vào năm 2018 và sau đó các quốc gia đã quyết định tìm hiểu sâu hơn sau khi tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến năm ngoái.
Đối với Ấn Độ, quốc gia đang có tranh chấp biên giới với Trung Quốc và ngày càng bị thu hút bởi Mỹ thì New Delhi đang ở trong một tình thế rất khó khăn. Bởi Ấn Độ không mong muốn về một Bắc Kinh quyết đoán, một khối cứng rắn về định hướng đối đầu với Mỹ.
Việc mở rộng có thể sẽ gây nên việc thay vì làm cho khối mạnh mẽ hơn lại khiến các thành viên trở nên tương phản hơn và khối sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn.
Theo Rubens Duarte, điều phối viên của LABMUNDO, một trung tâm nghiên cứu về quan hệ quốc tế có trụ sở tại Brazil, Brazil và Nam Phi có thể chào đón những thành viên tiềm năng, nhưng sẽ “thận trọng hơn trong việc chào đón các quốc gia rõ ràng chống Mỹ” gia nhập khối.
Tuy nhiên, ông nói, một sự thay đổi như vậy có thể không phải là điều mà nhóm tìm kiếm và việc có thêm thành viên có thể giúp mang lại nhiều quan điểm đa dạng hơn trong cuộc thảo luận về các vấn đề toàn cầu.
Nhưng nếu BRICS quyết định mở rộng và sau đó tăng cường vai trò toàn cầu của mình, điều này có thể thúc đẩy sự thay đổi lớn hơn, tác động đến ảnh hưởng quốc tế của châu Âu và Mỹ.
Ông nói: “BRICS càng hoạt động tích cực thì càng có nhiều quốc gia khác mất quyền lực”.
Quang Trung/VOV.VN