Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc liên thủ

Liên kết ba bên này vì thế trở thành nhân tố mới tác động tới cục diện quan hệ quốc tế nói chung ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

 

Cuộc gặp cấp cao chính thức đầu tiên giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc ở Mỹ ngày 18/8 vừa qua được cả tổng thống Mỹ Joe Biden, tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngợi ca là sự kiện có ý nghĩa lịch sử. Nhật Bản và Hàn Quốc vốn đều là những đồng minh quân sự chiến lược truyền thống của Mỹ đã từ nhiều thập kỷ nay ở vùng Đông Bắc Á. Lãnh đạo ba nước này cho tới nay đã nhiều lần gặp gỡ ba bên với nhau nhân dịp những sự kiện đa phương quốc tế. Nhưng phải đến tận cuộc gặp vừa rồi ở Mỹ, ba nước này mới chính thức thể chế hoá khuôn khổ hợp tác ba bên.

Nhật Bản và Hàn Quốc xung khắc và bất hoà nhau về chuyện di sản của quá khứ lịch sử cho dù đều dựa vào Mỹ để được đảm bảo an ninh. Mãi tới tận vừa rồi, Hàn Quốc và Nhật Bản mới đi vào hoà giải và bình thường hoá quan hệ trở lại với nhau. Sự hoà giải này là kết quả của việc ông Yoon Suk Yeol sau khi lên cầm quyền ở Hàn Quốc theo đuổi chính sách khác trước đối với Nhật Bản, của việc cả ông Yoon Suk Yeol và ông Kishida đều nhận thức được rằng Nhật Bản và Hàn Quốc phải hoà giải và hợp tác với nhau thì liên minh quân sự song phương giữa họ với Mỹ mới thực sự hiệu quả trong chuyện đối phó những thách thức và đe doạ an ninh từ phía Trung Quốc và Triều Tiên đối với họ.

Phía Mỹ cũng đóng vai trò rất quan trọng khi thôi thúc Hàn Quốc và Nhật Bản đi vào hoà giải với nhau. Hàn Quốc và Nhật Bản hoà giải với nhau thì bộ ba mới có thể tiến hành được cuộc gặp cấp cao ba bên vừa rồi ở Mỹ. Sự hoà giải này, việc tổ chức và kết quả cuộc gặp vì thế còn được coi là thành tựu ngoại giao có ý nghĩa rất quan trọng về đối nội cũng như đối ngoại của cá nhân ông Biden.

Từ trái sang: Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol trong cuộc gặp tại Nhật Bản, tháng 5/2023. (Ảnh minh họa: Yonhap)

Những kết quả cụ thể của cuộc gặp được thể hiện trong bản tuyên bố chung. Không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc và Triều Tiên phản ứng gay gắt và phê trách mạnh mẽ những nội dung ở trong đấy. Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc không chính thức hình thành liên minh quân sự ba bên nhưng đã gây dựng liên kết hợp tác an ninh ba bên dựa trên hai liên minh quân sự chiến lược truyền thống hai bên giữa Mỹ với Nhật Bản và giữa Mỹ với Hàn Quốc. Họ chưa thiết lập đường dây liên lạc nóng cho trường hợp khẩn cấp về an ninh nhưng thoả thuận thông tin ngay cho nhau và tham vấn lẫn nhau khi một hay nhiều bên bị đe doạ an ninh hay cảm nhận thấy bị đe doạ an ninh.

Bộ ba này thoả thuận hàng năm sẽ tiến hành gặp gỡ cấp cao ba bên và tập trận chung. Họ thể hiện sự đồng thuận quan điểm sâu rộng về Trung Quốc và Triều Tiên cũng như khẳng định cam kết phối hợp hành động nhằm đối phó Trung Quốc và Triều Tiên ở vùng Đông Bắc Á, đối phó những mưu tính và hoạt động, hành động của Trung Quốc ở vùng biển xung quanh Đài Loan và ở khu vực Biển Đông.

Với kết quả cuộc gặp cấp cao vừa rồi ở Mỹ, Mỹ và hai đồng minh quân sự song phương kia của Mỹ không những chỉ tăng cường hợp tác trên mọi lĩnh vực nói chung mà còn đã hình thành nên một kiểu liên kết an ninh không chính thức ở khu vực Đông Bắc Á na ná như Mỹ, Anh và Australia đã có được ở vùng Nam Thái Bình Dương khi thành lập Liên minh an ninh ba bên (AUKUS) với nhau. Mỹ củng cố và tăng cường được sự hiện diện quân sự trực tiếp và ảnh hưởng ở vùng Đông Bắc Á, gia tăng thế và lực trong thế trận đối phó Trung Quốc và Triều Tiên.

Bộ ba còn nhằm gia tăng ảnh hưởng chính trị an ninh thế giới ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Liên kết ba bên này vì thế trở thành nhân tố mới tác động tới cục diện quan hệ quốc tế nói chung ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điểm yếu của liên kết này là không biết sự hoà giải giữa Hàn Quốc và Nhật Bản bền chắc thật sự đến đâu và người kế nhiệm ông Biden có mặn mà và ưu tiên nó như ông Biden hay không./.

Hoàng Lan

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận