Hội nghị cấp cao lần thứ 15 của nhóm Brics được tổ chức tại thủ đô Johannesburg của Nam Phi trong những ngày từ 22 đến 24/8 vừa qua. Nhóm này bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ tham dự trực tuyến để giúp nước chủ nhà Nam Phi không bị khó xử với Toà án hình sự quốc tế (ICC).
Nam Phi là thành viên của ICC mà toà án này đã phát lệnh bắt giữ ông Putin liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine. Là thành viên của ICC, Nam Phi có trách nhiệm bắt giữ ông Putin để dẫn độ sang ICC nếu ông Putin tới Nam Phi. Phía Nam Phi mời đại diện của nhiều quốc gia trên thế giới tham dự hội nghị nhưng các nước thuộc khối phương Tây đều không được mời. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngỏ ý muốn được tham dự sự kiện này nhưng cũng không được phía Nam Phi mời.
Sự vắng mặt của ông Putin ở cuộc gặp cấp cao này được thay thế bằng sự tham dự trực tiếp của bộ trưởng ngoại giao Nga Sergeij Lavrow. Cuộc gặp cấp cao mà không phải tất cả các thành viên tham dự đều ở cấp cao thì đương nhiên không phải là điều hay đối với nhóm Brics, nhưng trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới hiện tại thì lại không thể khác được đối với nhóm Brics.
Cuộc chiến ở Ukraine không thuộc về những nội dung chính trên chương trình nghị sự của cuộc gặp cấp cao năm nay của nhóm Brics ở Nam Phi. Thay vào đó, nhóm này bàn thảo về trật tự thế giới mới, về thúc đẩy hợp tác trong nội bộ nhóm, về xúc tiến hình thành trật tự và cơ chế tài chính riêng, về tăng cường sử dụng đồng bản tệ trong quan hệ hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại song phương. Họ kiên định chủ trương "phi đô la hoá" và giảm mức độ lệ thuộc vào các đồng tiền của các nước phương Tây với quyết tâm tiếp tục nỗ lực gây dựng đồng tiền chung cho cả nhóm. Và nhóm Brics quyết định kết nạp thêm 6 thành viên mới là Argentina, Ai cập, Ethiopia, Iran, Ả rập Xê út và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất.
Qua đó có thể thấy những kết quả của hội nghị này đã làm thay đổi rất cơ bản nhóm Brics. Từ ngày 1/1/2024 tới, nhóm này tăng hơn gấp đôi số thành viên hiện tại, từ 5 lên 11. Số lượng thành viên của nhóm rồi sẽ còn tăng thêm trong tương lai. 11 thành viên này gộp chung lại chiếm 46% dân số thế giới và 37% GDP của cả thế giới. Brics đã trở thành một khối các nước trên thế giới có thể đối trọng nhóm G7 trên gần hết mọi phương diện, trở thành tập hợp của các nước "Phương Nam" đối trọng với liên kết của các nước "Phương Bắc". Nhờ đó, Brics mở rộng có thể đóng vai trò rất quan trọng và quyết định trong mối quan hệ Bắc - Nam và trong sự hợp tác Bắc - Nam trên thế giới.
Nhóm này hay khối này còn cần nhiều thời gian để đạt được những mục tiêu cao xa đã đề ra như hình thành trật tự thế giới mới, chấm dứt sự lệ thuộc vào các nước phương Tây về tài chính và tiền tệ, phi đô la hoá và có đồng tiền chung. Nhưng việc đạt được những mục tiêu này không phải là bất khả thi đối với Brics mở rộng.
Trở ngại lớn nhất đối với Brics mở rộng là gây dựng, củng cố và duy trì sự thống nhất quan điểm và phối hợp hành động giữa các thành viên. Thành phần các thành viên của Brics mở rộng không được thuần nhất như nhóm G7. Nga là một thành viên quan trọng lại đang sa vào cuộc chiến ở Ukraine mà hiện không ai biết kết cục cuối cùng của cuộc chiến này rồi sẽ như thế nào và cuộc chiến sẽ còn dai dẳng bao lâu nữa. Nhóm G7 hiện hoài nghi nhiều về triển vọng Brics mở rộng có thể trở thành kỳ phùng địch thủ của G7 vào thời điểm nào đấy trong tương lai và phản ứng gần như đều thiên về hướng cho rằng Trung Quốc rồi đây sẽ chế ngự và dẫn dắt Brics mở rộng. Nhóm G7 co cụm trên nền tảng ý thức hệ và hệ giá trị chung. Brics mở rộng dựa trên tiêu chí vị trí địa lý, tầm vóc dân số và tiềm năng phát triển kinh tế của các thành viên mới. Cuộc chơi giữa nhóm G7 và Brics mở rộng giờ mới chỉ bắt đầu./.
Hoàng Lan