Châu Phi nỗ lực tự giải cứu

Các quốc gia châu Phi lần đầu tiên tổ chức hội nghị cấp cao về chống biến đổi khí hậu trái đất tại thủ đô Nairobi của Kenya...

 

Tại thủ đô Nairobi của Kenya, các quốc gia châu Phi lần đầu tiên tổ chức hội nghị cấp cao về chống biến đổi khí hậu trái đất. Cho tới nay, LHQ đã tiến hành nhiều hội nghị cấp cao và thành lập nhiều khuôn khổ diễn đàn đa phương quốc tế chuyên phục vụ cho công cuộc chống biến đổi khí hậu trái đất, nhưng cả Liên minh châu Phi (AU) lẫn các quốc gia châu Phi đều chỉ tham dự như tất cả những bên tham dự khác. Hội nghị cấp cao ở Nairobi vừa qua do Kenya và AU đồng chủ xướng và tổ chức.

Qua đó có thể thấy được ngay là các quốc gia châu Phi không những chỉ có nhận thức sâu sắc hơn và đầy đủ hơn về tính cấp thiết của việc đối phó biến đổi khí hậu trên trái đất mà còn cả nhận thức rằng các quốc gia châu Phi phải tự thân vận động và phải chủ động tự cứu lấy chính mình trên phương diện này. Châu Phi là châu lục bị ảnh hưởng nặng nề nhất và bị tổn hại nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu trái đất trong khi lại chỉ "đóng góp" ít nhất vào tình trạng biến đổi khí hậu trên trái đất hiện tại. Châu Phi chỉ sản sinh ra có khoảng 6% lượng khí thải trên toàn thế giới gây ra hiệu ứng lồng kính khiến khí hậu trái đất biến đổi.

Trong tiến trình chống biến đổi khí hậu trái đất của cả thế giới cho đến nay, các nước phát triển - là những thủ phạm chính gây ra biến đổi khí hậu trên trái đất - đã cam kết từ năm 2020 hàng năm chi 100 tỷ USD cho công cuộc chống biến đổi khí hậu trái đất, trong đó đặc biệt cho các quốc gia châu Phi. Khoản tiền này được chủ định sử dụng để giúp các quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng và tổn hại nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu trái đất khắc phục tổn hại, cải thiện điều kiện và môi trường sống, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển những nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo... Nhưng những cam kết này cho đến nay vẫn không được thực hiện. Trái lại, ở không ít nước công nghiệp phát triển và ở nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới lại xuất hiện tình trạng và cả xu thế sử dụng trở lại với mức độ ngày càng tăng các nguồn năng lượng gây hiệu ứng làm khí hậu trái đất biến đổi.

Tổng thống Kenya William Ruto (giữa, phía trước) cùng lãnh đạo các quốc gia trong cuộc họp báo bế mạc Hội nghị thượng đỉnh thượng đỉnh khí hậu châu Phi lần thứ nhất tại Nairobi, ngày 6/9/2023. (Ảnh: TTXVN)

Trong bối cảnh tình hình như thế, sự thức tỉnh nhận thức và chủ động hành động của các quốc gia châu Phi nhằm chống biến đổi khí hậu trái đất không những chỉ hết sức cần thiết mà còn cả cấp thiết. Bài học tuy rất cay đắng nhưng cũng rất đáng giá đối với các quốc gia châu Phi từ công cuộc chống biến đổi khí hậu trái đất đến nay trên thế giới là châu Phi không thể tin được vào những cam kết to tát từ bên ngoài mà phải tự thân vận động để tự cứu mình.

Cách tiếp cận của các quốc gia châu Phi tại hội nghị cấp cao đầu tiên kia ở Nairobi là các quốc gia châu Phi vừa phải thôi thúc các đối tác bên ngoài thực hiện những cam kết đối với châu Phi và đối với công cuộc chống biến đổi khí hậu trên trái đất vừa phải chủ động có chiến lược và kế hoạch, bước đi và lộ trình riêng về chống biến đổi khí hậu trái đất và tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu trái đất tới các quốc gia châu Phi. Ở châu lục này có nhiều nguồn năng lượng tái tạo phong phú và nhiều nguyên vật liệu cần thiết cho những ngành công nghiệp sản xuất ra năng lượng mới.

Tại hội nghị này, các bên tham dự đã không ngần ngại chỉ ra điểm yếu nhất đối với châu Phi là thiếu vốn đầu tư. Những ý tưởng giải pháp được đề ra và bàn thảo tại hội nghị đều nhằm theo hướng cải tổ cơ bản quan hệ hợp tác kinh tế đối ngoại giữa châu lục với các đối tác bên ngoài, theo hướng châu Phi không còn xuất khẩu nguyên vật liệu thô mà sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào của châu lục trên châu lục để tạo ra giá trị gia tăng ở châu lục, từ đó có được nguồn vốn đầu tư vào công cuộc chống biến đổi khí hậu trái đất trên châu lục.

Chặng đường đi tới thành công hiện còn rất xa đối với châu Phi. Nhưng châu lục đã có được sự khởi đầu và bước đi đầu tiên đúng hướng./.

Hoàng Lan

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận