Cấp cao G20: Diễn đàn thoát hiểm

Ở New Delhi, nhóm G20 thoát hiểm. Nhưng nếu chỉ cứ thoả hiệp nội bộ để tiếp tục tồn tại thì chắc chắn không thể là giải pháp lâu dài đối với nhóm này...

 

Việc thông qua được tuyên bố chung tại hội nghị cấp cao thường niên năm nay của nhóm G20 tổ chức tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã giúp nước chủ nhà suôn sẻ qua được nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của khuôn khổ diễn đàn này. Sau Ấn Độ sẽ đến lượt Brazil (năm 2024), Nam Phi (năm 2025) và Mỹ (năm 2026) đảm trách cương vị chủ tịch luân phiên nhóm G20. Brazil và Nam Phi đều là thành viên của nhóm Brics. Vì thế, trong thời gian hai năm tới, nhiều nội dung chính trong bản tuyên bố chung này sẽ vẫn chiếm vị trí trung tâm trên chương trình nghị sự của nhóm G20.

Ấn Độ coi cả việc tổ chức cuộc gặp cấp cao lẫn nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của nhóm là thành công. Brazil, Nga và Trung Quốc cũng như nhiều nước thành viên nhóm thuộc khối phương Tây cũng đánh giá sự kiện là thành công. Thước đo được sử dụng ở đây để xác nhận sự kiện thành công hay thất bại là cuối cùng có thông qua được tuyên bố chung hay không.

Giống như năm ngoái ở Bali (Indonesia), cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine phủ bóng đen xuống cuộc gặp cấp cao năm nay của nhóm này ở New Delhi. Tổng thống Nga Vladimir Putin không tham dự sự kiện hồi năm ngoái và năm nay giúp cho hai nước chủ nhà không bị khó xử. Nhưng việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên không tham dự trực tiếp cuộc gặp cấp cao hàng năm của nhóm G20 lại là chuyện rất đặc biệt và bất lợi cho nhóm G20 cũng như cho Ấn Độ. Bất đồng quan điểm sâu sắc và rạn nứt nội bộ rõ nét đã làm cho sự nhất trí đạt được tại hội nghị cấp cao ở New Delhi chỉ là tối thiểu chứ không được hơn. Các thành viên của nhóm G20 phải thoả hiệp với nhau để khuôn khổ diễn đàn này không bị đổ vỡ.

Dấu ấn riêng của Ấn Độ là đề cao vai trò của các quốc gia thuộc khối "Phương Nam toàn cầu" và thúc đẩy để Liên minh châu Phi (AU) được kết nạp làm thành viên thứ 21 của nhóm G20. AU có 55 thành viên là các quốc gia châu Phi. Trong nhóm G20 lâu nay chỉ có Nam Phi là quốc gia châu Phi. Tương quan quyền lực và ảnh hưởng trong nhóm G20 sau khi kết nạp thêm AU vì vậy sẽ thay đổi cơ bản và sự thay đổi này sẽ được thể hiện tương ứng trên chương trình nghị sự của nhóm cho thời gian tới.

Lãnh đạo của các nước gồm Ấn Độ, Mỹ, Brazil, Saudi Arabia, Singapore, Bangladesh ... tại lễ ra mắt Liên minh Nhiên liệu Sinh học Toàn cầu chiều 09/09 (ANI)Nga và những thành viên của nhóm ở phe Nga hài lòng khi bản tuyên bố chung của hội nghị không bất lợi cho Nga như năm trước. Mỹ, EU và đồng minh hài lòng khi bản tuyên bố chung bổ sung nội dung về tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia. Thoả hiệp để giữ thể diện cho nhau và chỉ dĩ hoà vi quý như thế thì mới có thể giải cứu được nhóm G20.

Trong hai nội dung quan trọng khác trên chương trình nghị sự của hội nghị là chống biến đổi khí hậu trái đất và cải tổ trật tự tài chính thế giới, kết quả đạt được chỉ rất ít ỏi, vẫn chỉ là cam kết chung chung và ý tưởng chưa đảm bảo đủ tính khả thi trên thực tế. Những cuộc gặp song phương bên lề hội nghị cấp cao của nhóm G20 ở New Delhi đều không cuốn hút được sự quan tâm, chú ý của dư luận. Sự vắng mặt của ông Putin và ông Tập Cận Bình tạo cơ hội cho phe cánh các nước phương Tây và đồng minh chiếm lĩnh ưu thế ở hội nghị nhưng rồi không áp đặt được đáng kể gì.

Ở New Delhi, nhóm G20 thoát hiểm. Nhưng nếu chỉ cứ thoả hiệp nội bộ để tiếp tục tồn tại thì chắc chắn không thể là giải pháp lâu dài đối với nhóm này. Các khuôn khổ diễn đàn đa phương khác trên thế giới ganh đua quyết liệt với nhóm G20 về vai trò và ảnh hưởng chính trị thế giới, kinh tế, thương mại và tài chính thế giới. Nếu cứ tiếp tục tình trạng nội bộ lục đục như trong thời gian hơn hai năm vừa qua thì nhóm G20 sẽ ngày càng tụt hậu về vai trò, vị thế và ảnh hưởng trên thế giới./.

Hoàng Lan

 

 

 

 

 

 

 

 

                                          

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận