Họp cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 78: Thúc đẩy một thế giới đa cực hiệu quả

'Thúc đẩy một thế giới đa cực hiệu quả' lời kêu gọi được LHQ và các nhà lãnh đạo thế giới đưa ra ngày 19 tại Phiên họp toàn thể cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 78

 

Trong bối cảnh các thách thức toàn cầu và căng thẳng địa chính trị ngày một gia tăng, sự kiện họp toàn thể cấp cao Đại hội đồng LHQ được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy các hành động chung toàn cầu và hàn gắn một thế giới bị chia rẽ.

Phát biểu trước các nhà lãnh đạo thế giới, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã bày tỏ lấy làm thất vọng khi thế giới đang cho thấy ngày càng bất lực trước các cuộc khủng hoảng.

Ông đồng thời nêu ra một danh sách dài những thách thức mà thế giới phải đối mặt từ xung đột, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng đến các công nghệ đột phá như trí tuệ nhân tạo: “Thế giới của chúng ta đang trở nên hỗn loạn. Căng thẳng địa chính trị đang gia tăng. Những thách thức toàn cầu đang gia tăng. Và chúng ta dường như không có khả năng cùng nhau hành động. Nếu mọi quốc gia thực hiện nghĩa vụ của mình theo hiến chương Liên Hợp Quốc, quyền hòa bình sẽ được đảm bảo. Khi các quốc gia vi phạm những cam kết đó, họ tạo ra một thế giới bất an cho mọi người.”

Phát biểu ngay sau Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chia sẻ quan điểm này khi tuyên bố sẽ tiếp tục thúc đẩy các cải cách Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cho rằng điều này là hết sức cần thiết trong bối cảnh tình trạng bế tắc đang diễn ra khiến cơ quan này không thể thực hiện các nhiệm vụ cốt lõi của mình: “Thông điệp của tôi rất đơn giản. Thế giới của chúng ta đang đứng trước một bước ngoặt. Những quyết định mà chúng ta đưa ra bây giờ sẽ ảnh hưởng đến tương lai của chúng ta trong nhiều thập kỷ tới. Thế giới không chỉ chờ đợi chúng ta mà còn phụ thuộc vào chúng ta để vượt qua những thách thức, chứng tỏ mình có khả năng tạo dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại, một tương lai có phẩm giá, cơ hội và an ninh cao hơn cho tất cả mọi người”.

Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm nay cũng là sự kiện tập hợp số lượng các nhà lãnh đạo thế giới đông đảo nhất kể từ sau đại dịch Covid-19. 145 nhà lãnh đạo dự kiến phát biểu. Đây là một con số lớn phản ảnh mức độ và quy mô các cuộc khủng hoảng và xung đột mà thế giới phải đối mặt.

Tuy nhiên, sự vắng mặt của nguyên thủ 4 nước trên tổng số 5 quốc gia có quyền phủ quyết tại Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Trung Quốc) đã phần nào gây thất vọng. Các nước đang phát triển mong muốn các nước lớn trên toàn cầu lắng nghe tiếng nói của họ và vận động mạnh mẽ để cuộc họp toàn cầu năm nay tập trung vào 17 mục tiêu phát triển bền vững được các nhà lãnh đạo thế giới thông qua năm 2015.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres phát biểu tại Đại hội đồng (Ảnh: UN)

Tổng thống Argentina Alberto Fernandez nhấn mạnh: “Hệ thống tài chính quốc tế không thể hiện ý chí thích ứng với một thế giới sẵn sàng khôi phục lại công bằng mà chỉ làm sâu sắc thêm tình trạng bất bình đẳng và nghèo đói trên thế giới. Cấu trúc tài chính của thế giới chỉ hoạt động để tập trung thu nhập vào tay một số ít người.”

Trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khoá 78, hôm nay sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu nhằm đẩy nhanh các nỗ lực hoàn thành mục tiêu tham vọng đưa phát thải ròng về 0% vào năm 2050 và nhiệt độ ấm lên của Trái Đất không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Hình ảnh thành phố Derna, miền Đông Libya gần như bị san phẳng do lũ quét là minh chứng nghiệt ngã về những gì thế giới đang phải đối mặt. Hàng nghìn người đã thiệt mạng do thảm hoạ khí hậu và đây đều là những nạn nhân của nhiều năm xung đột.

Theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres, thế giới cần phải hành động ngay lập tức để đối phó với tình trạng khẩn cấp về khí hậu ngày càng tồi tệ, xung đột leo thang, sự gián đoạn nghiêm trọng về công nghệ và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang làm gia tăng đói nghèo trên toàn cầu.

Thu Hoài/VOV1

 

Bình luận

    Chưa có bình luận