Ông Putin khẳng định GDP Nga đã đạt mức tương đương năm 2021, nghĩa là trước thời điểm nước này phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Những yếu tố nào giúp kinh tế Nga hồi phục sau trừng phạt
Mức tăng trưởng GDP 4,9% trong quý II của Nga là con số rất lạc quan so với mức dự báo tăng trưởng 3,9% từ đầu năm. Theo báo cáo tháng 9 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nền kinh tế Nga sẽ tăng 0,8% vào năm 2023 và 0,9% vào năm 2024. Những yếu tố giúp nền kinh tế Nga phục hồi trước các lệnh trừng phạt liên tiếp là: Ngay từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, Ngân hàng Trung ương Nga đã nhanh chóng tăng mạnh lãi suất, triển khai các biện pháp kiểm soát vốn để nâng giá đồng rúp nhằm kiềm chế lạm phát. Năm 2022, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất lên 20% để bảo vệ tỷ giá đồng rúp, sau đó giảm dần lãi suất về mức 7,5% trong vòng chưa đầy 1 năm.
Các lệnh trừng phạt cũng đã thúc đẩy Nga tăng sản xuất của mình ở trong nước từ các ngành sản xuất linh kiện điện tử, công nghiệp may mặc cho đến các chuỗi hàng ăn….
Ngoài ra, theo báo cáo gần đây của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), các biện pháp trừng phạt không tác động nhiều đến sản lượng dầu của Nga. Khi Liên minh Châu Âu từ chối nhập khẩu dầu của Nga, Nga đã nhanh chóng chuyển hướng xuất khẩu dầu từ châu Âu sang châu Á, chủ yếu sang Trung Quốc và Ấn Độ. Có thể thấy dầu là nguồn tài trợ chính cho ngân sách của chính phủ Nga và thường chiếm khoảng một nửa đóng góp ngân sách, nên các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã trở nên kém hiệu quả khi Nga vẫn có thể bán dầu cho châu Á.
Một yếu tố nữa giúp nền kinh tế Nga vẫn tăng trưởng trước các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh Châu Ấu, đó là Nga tích cực duy trì và đẩy mạnh quan hệ với các nước bên ngoài phương Tây để thúc đẩy kinh tế. Đặc biệt, Nga hướng đến các nước Ấn Độ, Argentina, Brazil. Nga đã nỗ lực dùng đồng rúp và đồng tiền các nước thay thế cho đồng USD.
Rủi ro và thách thức với kinh tế Nga
Đồng rúp trượt giá, chi tiêu quân sự bùng nổ và tình trạng thiếu lao động dai dẳng là nguyên nhân khiến giá cả tăng cao và Nga phải đối mặt với tốc độ gia tăng lạm phát- đó là những thách thức đối với nền kinh tế Nga hiện nay. Trước hết, Nga đang bị suy giảm lực lượng lao động do xung đột ở Ukraine và vấn đề di cư. Ngành công nghiệp Nga phải đối mặt với tình trạng thiếu công nhân cần thiết để thúc đẩy kinh tế.
Hầu hết các ngành đều thiếu nhân sự. Đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô, sản xuất thiết bị điện và các sản phẩm dầu mỏ. Bên cạnh đó là trong lĩnh vực chế tạo máy, luyện kim, khai thác và khai thác đá, những ngành công nghiệp quan trọng đối Nga. Việc mất đi những người có trình độ học vấn, lực lượng lao động lành nghề sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng kinh tế trong nhiều năm tới.
Ngoài ra, Nga cũng đang phải đối mặt với sự mất giá nhanh của đồng nội tệ Rúp do hoạt động ngoại thương suy giảm. Ngày 15/8 vừa qua, đồng Rúp đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 17 tháng trở lại đây, ở mức 100 rúp đổi 1 USD... Rủi ro lạm phát cũng đang gây áp lực lên nền kinh tế Nga khi mà tốc độ tăng lạm phát trong tháng 7 của Nga ở mức 4,3% và theo dự báo lạm phát của Nga sẽ tăng từ 5-6,5% trong năm nay.
Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Phương Đông hôm 12/9, Tổng thống Nga Putin nói nếu chính quyền không can thiệp sẽ dẫn đến lạm phát tăng không kiểm soát. Các nhà hoạch định chính sách Nga đang gặp khó khăn trong việc giữ cho nền kinh tế ổn định, khi cuộc xung đột còn tiếp diễn và việc đồng rúp vẫn đang mất dần giá trị thì nguy cơ ngân sách chính phủ Nga còn thâm hụt trong những năm tới vẫn là hiện hữu.
Chính sách duy trì đà phục hồi
Tại các diễn đàn kinh tế gần đây, Tổng thống Nga Putin khẳng định nước Nga hướng đến “nền kinh tế trọng cung”. Một nền kinh tế như vậy đòi hỏi phải xây dựng lực lượng sản xuất trên quy mô lớn, củng cố mạng lưới cơ sở hạ tầng, làm chủ công nghệ, tạo ra các cơ sở công nghiệp hiện đại. Đây cũng là định hướng chính trong phát triển kinh tế của nước Nga hiện nay.
Về đầu tư, Nga chủ trương các công ty trong nước có thể thay thế các công ty nước ngoài đã rời bỏ thị trường Nga; hàng nội địa sẽ thay thế hàng nhập khẩu. Liên quan đến việc thiếu hụt lao động, các doanh nghiệp đang cố gắng thích nghi bằng cách tăng cường làm việc từ xa và tự động hóa, đồng thời giới thiệu nhiều chương trình tạo động lực hơn cho người lao động…
Để chống lại sự tăng giá và hỗ trợ đồng rúp, ngân hàng trung ương Nga gần đây đã tăng lãi suất lên 13%. Các báo cáo cho thấy Nga có thể cần phải duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt trong một “thời gian dài”.
Và để đảm bảo nguồn cung trong nước, mới đây nhất, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã ký sắc lệnh đưa ra các hạn chế tạm thời đối với việc xuất khẩu xăng động cơ và nhiên liệu diesel. Việc hạn chế có hiệu lực từ ngày 21/9. Bằng cách này, các nhà chức trách Nga có ý định cân bằng thị trường trong nước và giảm giá xăng dầu đã đạt mức kỷ lục. Tuy nhiên, lệnh hạn chế xuất khẩu chỉ có thể kéo dài “tối đa một tháng”, nếu không, thị trường sẽ thiếu nhiên liệu do các nhà máy lọc dầu đóng cửa và thua lỗ.
Nói chung kinh tế Nga phần nào đã thích ứng trước các lệnh trừng phạt của phương Tây nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để đưa nền kinh tế tăng trưởng ổn định.
PV/VOV-Moscow