Mỹ tranh thủ đảo quốc nhỏ nơi xa

Việc Mỹ tăng cường vào phạm vi ảnh hưởng của mình ở cuộc gặp cấp cao năm nay là tranh thủ chinh phục các đảo quốc nhỏ trong khu vực.

 

Lẽ ra, đích thân Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 5 năm nay đã công du tới vùng Nam Thái Bình Dương để tiến hành cuộc gặp cấp cao lần thứ 2 giữa Mỹ với các đảo quốc trong khu vực. Nhưng vì nguy cơ chính phủ Mỹ phải ngừng hoạt động do không đạt được thỏa thuận giữa chính phủ và phe Đảng Cộng hòa trong quốc hội, ông Biden không thực hiện được chuyến công du này. Vì thế, cuộc gặp được tổ chức vào dịp khoá họp ĐHĐ LHQ năm nay ở New York (Mỹ). Ông Biden đến New York và lãnh đạo các đảo quốc ở vùng Nam Thái Bình Dương cũng đến New York.

Có thể thấy được ngay qua đó là Mỹ kiên định chủ trương tranh thủ và chinh phục các đảo quốc nhỏ ở vùng Nam Thái Bình Dương xa xôi, đồng thời chính các đảo quốc này cũng có nhu cầu thúc đẩy quan hệ hợp tác với Mỹ cho dù hiện đang có sự lựa chọn đối tác thay thế là Trung Quốc.

Từ một hai năm nay, việc Trung Quốc nỗ lực mạnh mẽ gây dựng mối quan hệ hợp tác kiểu mới, cả về chính trị lẫn kinh tế và quân sự, an ninh, với các đảo quốc ở nơi này là một trong những nguyên do quyết định nhất khiến Mỹ và đồng minh phải quan tâm và coi trọng nhiều hơn tới khu vực Nam Thái Bình Dương, phải tranh thủ và lôi kéo các đảo quốc nhỏ ở đây vào phạm vi ảnh hưởng của họ và đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc ra khỏi vùng này. Mỹ và đồng minh không thể không quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc và quần đảo Solomon ký kết hiệp ước hợp tác về quân sự và an ninh. Quần đảo này và Vanuatu cũng là hai đảo quốc "đối tác khó khăn nhất" đối với Mỹ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì Hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương. (ảnh: KT)

Nguyên do thứ hai khiến Mỹ phải coi trọng khu vực Nam Thái Bình Dương và cũng nhờ vào đấy mà các đảo quốc trong vùng thêm sáng giá về địa chính trị thế giới là vùng Nam Thái Bình Dương này chiếm một vị trí trung tâm và trụ cột ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ở nơi đây, Mỹ đã có Australia và New Zealand là đồng minh truyền thống. Có thêm các đảo quốc, Mỹ sẽ có được liên minh, liên kết và liên thủ chiến lược bền chặt. Nếu muốn đối phó Trung Quốc ở vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thì Mỹ lại càng cần gây dựng chỗ dựa vững chắc ở vùng Nam Thái Bình Dương.

Cách thức Mỹ tranh thủ và chinh phục các đảo quốc nhỏ ở nơi xa này là kết hợp giữa tăng cường hiện diện trực tiếp về chính trị và ngoại giao với viện trợ tài chính và kỹ thuật, đầu tư trực tiếp và kết nối các nền kinh tế. Những lĩnh vực hợp tác mà Mỹ mời chào các đảo quốc này rất hấp dẫn đối với họ: Chống biến đổi khí hậu trái đất và phòng ngừa thiên tai, phát triển nguồn năng lượng mới và chuyển đổi số, đầu tư thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và nâng cấp mạng internet... Đối với Mỹ, nguồn vốn đầu tư vào khu vực này không cần lớn mà vẫn có thể đưa lại cho Mỹ hiệu quả cao.

Ông Biden ý thức được rằng muốn đánh bại Trung Quốc ở khu vực này trước mắt cũng như về lâu dài thì Mỹ phải làm cho các đảo quốc nơi đây tin rằng Mỹ là sự lựa chọn đối tác thay thế hơn hẳn Trung Quốc và Mỹ phải thể hiện rõ sự khác biệt cơ bản so với Trung Quốc, cụ thể ở chỗ làm cho các đảo quốc tin tưởng rằng Mỹ mới là sự đảm bảo tốt nhất cho an ninh và phát triển của các đảo quốc này.

Cho nên ở cuộc gặp cấp cao năm nay, Mỹ tiếp tục khẳng định sự coi trọng các đảo quốc và cam kết viện trợ tài chính cũng như tăng cường đầu tư vào các đảo quốc. Mỹ công nhận thêm hai đảo quốc ở vùng này, trong đó có cả đảo quốc chỉ có khoảng 1.500 dân. Mức độ thể chế hoá mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ và các đảo quốc Nam Thái Bình Dương hiện đã vượt xa Trung Quốc. Nhưng cuộc ganh đua giữa Mỹ và Trung Quốc ở vùng đại dương xa xôi này vẫn chưa thiên về chiều hướng kết cục cuối cùng nào./.

Hoàng Lan

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận