Bất chấp lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế nhằm tăng cường các nỗ lực giải quyết khủng hoảng tại Sudan, xung đột giữa quân đội nước này và Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Thủ đô Khartoum và khu vực Darfur trở thành “chảo lửa” xung đột dữ dội khi quân đội Sudan và Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) “chĩa súng” vào nhau kể từ hôm 15/4 vừa qua. Hàng loạt các cuộc giao tranh nổ ra đã khiến nhiều người phải rời bỏ nhà cửa và gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.
Theo số liệu của Bộ Y tế Sudan, xung đột đến nay đã khiến ít nhất 3.000 người thiệt mạng và hơn 6.000 người bị thương. Khoảng 5,3 triệu người Sudan đã phải sơ tán trong nước và ra nước ngoài. Tình hình càng trở nên đáng quan ngại hơn khi Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc cảnh báo về sự lây lan của dịch tả ở Sudan.
Ông Stéphane Dujarric, Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho biết: “Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo đang cảnh báo về sự lây lan của bệnh tả tại Sudan. Một đợt bùng phát đã được ghi nhận ở bang Gedaref phía Đông và các cuộc điều tra hiện đang được tiến hành để xác định xem liệu dịch tả có lan sang Khartoum và Nam Kordofan hay không. WHO cho biết ngày càng có nhiều báo cáo về các trường hợp tiêu chảy cấp tính gia tăng ở tại những khu vực này”.
Các cơ quan chức năng của Liên Hợp Quốc đã và đang đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ nhân lực, vật lực y tế tới các vùng dịch ở Sudan để hỗ trợ người dân, bao gồm nỗ lực giúp tiếp cận nguồn nước sạch. Giao tranh căng thẳng còn dẫn tới gia tăng làn sóng tuyển mộ trẻ em cầm súng, các vụ bạo lực với phụ nữ cùng hàng loạt vấn đề về đạo đức và nhân đạo đang trở nên vô cùng cấp bách ở Sudan.
Trước thực trạng này, các cơ quan, tổ chức quốc tế về điều phối người di tản và người tị nạn ở Sudan hối thúc Liên Hợp Quốc đóng vai trò hòa giải và gây áp lực cho cả hai bên trong cuộc xung đột nhằm mang lại hòa bình, ổn định cho cuộc sống của người dân.
Bế tắc chính trị hiện tại đang đẩy đất nước Sudan vào khủng hoảng toàn diện và gây hại cho nền kinh tế đất nước. Lĩnh vực buôn bán chà là - một cây trồng chủ lực ở Sudan, gần đây bị ảnh hưởng đáng kể.
Ông Khaled Ali Abdel Qader, nhà cung cấp và xuất khẩu chà là cho biết: “Xung đột đã ảnh hưởng nặng nề đến bang phía Bắc nói riêng. Trước đây, một bao chà là trị giá 35.000 bảng Sudan và bây giờ chỉ còn 12.000 bảng Sudan. Thực tế rõ ràng là giao tranh đã ảnh hưởng đến hoạt động giao thương ở biên giới và chà là không còn được xuất khẩu ra nước ngoài nữa”.
Giới chuyên gia an ninh, chính trị quốc tế còn lo ngại, tình trạng bất ổn và mất an ninh nghiêm trọng do xung đột vũ trang tại Sudan tiếp diễn sẽ nhấn chìm hoàn toàn đất nước trong một cuộc khủng hoảng an ninh, kinh tế, nhân đạo vô cùng tồi tệ và không loại trừ nguy cơ trở thành nơi ẩn náu lý tưởng của các tổ chức khủng bố. Những diễn biến tình hình gần đây rất đáng lo ngại và có thể nhanh chóng đẩy Sudan vào một cuộc xung đột kéo dài với tác động lan tỏa ra khắp khu vực.
Giới chức Liên Hợp Quốc khẳng định, hiện không thể có một giải pháp nào khác ngoài giải pháp đàm phán để chấm dứt xung đột quân sự ở Sudan càng sớm càng tốt. Các đại sứ của Liên minh châu Âu trong tuần này cũng đã nhất trí về một khuôn khổ trừng phạt sẽ được áp dụng đối với các tác nhân chính trong cuộc chiến ở Sudan.
Phương Anh/VOV1
Tổng hợp