Đằng sau mặt trận vô hình nhưng đầy dữ dội định hình xung đột ở Ukraine

Trong khi sự chú ý dồn vào xe tăng, UAV thì lực lượng tác chiến điện tử của Moscow và Kiev tiến hành những chiến dịch âm thầm nhưng đầy mạo hiểm dọc tiền tuyến.

 

Xung đột ở Ukraine không chỉ tập trung vào xe tăng, giao tranh chiến hào, các cuộc tấn công UAV và tên lửa. Tác chiến điện tử - việc sử dụng các tín hiệu điện tử để tìm, đánh chặn và gây nhiễu hệ thống của đối phương, là một yếu tố quan trọng trong giao tranh hàng ngày.

Hồi tháng 9, Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) có trụ sở tại London công bố một báo cáo về cuộc xung đột ở Ukraine đánh giá các chiến thuật của hai bên. Một điểm nổi bật trong báo cáo của RUSI là những diễn biến trong tác chiến điện tử - lĩnh vực hai bên không ngừng điều chỉnh chiến thuật, kỹ thuật và quy trình để theo kịp và đối phó với những tiến bộ của đối phương.

"Một lĩnh vực không chỉ cho thấy sự thích nghi mà còn là sự cải thiện của Nga chính là tác chiến điện tử. Tác chiến điện tử của Moscow là một lĩnh vực được đầu tư lớn" và lực lượng tác chiến điện tử "thường thành thạo về kỹ thuật", báo cáo của RUSI cho hay.

Quân đội Ukraine được cho là sử dụng hiệu quả các vũ khí dẫn đường bằng GPS, trong đó có các tên lửa hành trình Storm Shadow, SCALP-EG, tên lửa được phóng từ HIMARS và đạn pháo 155mm M982 Excalibur. Tuy nhiên, việc sử dụng tác chiến điện tử đồng nghĩa rằng Moscow có thể can thiệp vào tín hiệu dẫn đường các vũ khí trên cũng như hệ thống liên lạc, các hệ thống chỉ huy và kiểm soát của Ukraine. Mục tiêu của nỗ lực này là bảo vệ các khu vực tiền tuyến và chiến hào phía sau khỏi các UAV và tên lửa của Kiev, đồng thời ngăn cản các hoạt động trinh sát của UAV đối phương, vốn đóng vai trò thiết yếu để chỉ dẫn cho các cuộc tấn công.

Hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-4 của Nga. Ảnh: Wikimedia Commons

Lực lượng tác chiến điện tử Nga chủ yếu sử dụng phiên bản nâng cấp của thiết bị do Liên Xô thiết kế mà theo báo cáo của RUSI, nhìn chung đều có một thiết bị phản ứng kích thích được đặt trên một hệ thống lớn với các đội hình được triển khai để tạo ra một loạt hiệu ứng tác chiến điện tử.

Quân đội Ukraine dường như đã phát hiện ra điểm dễ tổn thương này khi Kiev nhắm vào các thiết bị phát tín hiệu cụ thể. Điều đó đã buộc các lực lượng tác chiến điện tử của Nga phải triển khai các hệ thống lớn như Zhitel R330-Zh một cách khôn khéo hơn.

Việc Ukraine nhắm vào các mục tiêu trên cũng khiến các lực lượng tác chiến điện tử của Nga bắt đầu đặt ăng ten trên các hệ thống nhẹ hơn hoặc phân tán các ăng ten này để bao quát nhiều vị trí của Nga.

Quân đội Nga hiểu họ sẽ tổn thất về chi phí khi để mất các ăng ten này, song họ coi các hệ thống tác chiến điện tử như Pole-21 - một hệ thống được sử dụng để ngăn chặn các vũ khí chính xác bằng cách can thiệp vào các tín hiệu dẫn đường của chúng, là hệ thống có thể bị phá hủy để phục vụ các mục đích khác.

Trong khi có một sự "dịch chuyển trong quá trình" thay vì sử dụng hướng tiếp cận mới thì việc ưu tiên sử dụng các hệ thống như Pole-21 và coi chúng là những hệ thống có thể bị phá hủy để cung cấp sự bảo vệ trong một khu vực rộng lớn khỏi các cuộc tấn công UAV đã phản ánh sự thay đổi trong tư duy và cách lực lượng tác chiến điện tử Nga rút ra kinh nghiệm từ xung đột", RUSI cho hay.

Sự thích nghi và đầu tư của Nga vào khả năng tác chiến điện tử là một minh chứng cho thấy mức độ sẵn sàng chiến đấu của Moscow. Tuy nhiên, không chỉ quân đội Nga mà quân đội Ukraine cũng đang liên tục điều chỉnh để thích nghi trong tác chiến điện tử. Kiev đã sử dụng tác chiến điện tử để đối phó với các tên lửa và UAV của Moscow.

Giới quan sát cho rằng, tác chiến điện tử có thể không được nhiều người biết đến nhưng nó có thể định hình chiến trường theo nhiều cách.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo: Business Insider

 

Bình luận

    Chưa có bình luận