ASEAN với bài toán khó giải quyết 'ô nhiễm khói mù'

Một số nước ASEAN đang phải đối mặt với các vấn đề khói mù gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.

 

Một số nước ASEAN đang phải đối mặt với các vấn đề khói mù gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Malaysia trong tuần này kêu gọi cần có phản ứng khu vực để giải quyết vấn đề tái diễn nhiều năm qua.

Trong những tuần gần đây, chất lượng không khí ở một số vùng của Malaysia và Indonesia đã tăng vọt lên mức đỏ, với các chỉ số liên tục hiển thị trên 150, rơi vào nhóm nguy hiểm cho sức khỏe.

Về phía Indonesia, tầm nhìn của đảo Kalimantan bị giảm xuống dưới 10m, trong khi các trường học ở cả Indonesia và Malaysia tại khu vực này đều đóng cửa để giảm tác động sức khỏe đối với trẻ nhỏ.

Khói mù ảnh hưởng nhiều khu vực của Indonesia. (Nguồn: AFP)Quyền thị trưởng thành phố Palembang ở Sumatra của Indonesia RATU DEWA cho biết: “Tôi yêu cầu người dân tạm thời dừng các hoạt động không cần thiết ngoài trời. Nếu phải đi ra ngoài cần đeo khẩu trang. Chúng tôi đang cố gắng bảo vệ sức khỏe của người dân cũng như tăng cường nhận thức của người dân về việc không đốt rác cũng như đốt đồng dọn đất”.

Nhiều người dân Singapore cũng cho biết xảy ra hiện tượng khói mù tại quốc đảo này.

Malaysia cho rằng nguyên nhân gây khói mù từ việc đốt đồng dọn đất ở các đồn điền dầu cọ, sản xuất giấy và bột giấy ở Indonesia tràn qua biên giới. 

Bộ trưởng Môi trường Malaysia Nik Nazmi Nik Ahmad kêu gọi hành động chung của cả khu vực: “Malaysia là một trong những quốc gia ký Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới sớm nhất. Tuy nhiên các sự cố về khói mù vẫn tiếp diễn. Tôi nghĩ chúng ta cần xem xét lại liệu điều gì có thể được thực hiện tốt hơn về mặt luật pháp hoặc thỏa thuận trên toàn ASEAN. Tôi cho rằng mấu chốt của vấn đề là hành động thực tế và cần sự hợp tác của tất cả các quốc gia thành viên trong ASEAN”.

Tuy nhiên Indonesia khẳng định không có khói mù do cháy rừng và than bùn ở Indonesia bay đến các nước láng giềng.

Hiện tượng El Nino gây ra sự gia tăng các điểm nóng so với những năm trước, nhưng số vụ cháy rừng và than bùn do hiện tượng này ít hơn so với những năm trước. Chính quyền trung ương và khu vực, đặc biệt là những khu vực có nhiều điểm nóng, luôn trong tình trạng cảnh giác về vấn đề này.

Để chống khói mù, ASEAN có các cơ chế hợp tác như Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới (AATHP), được ký kết hồi tháng 6/2002 và có hiệu lực vào tháng 11/2003. Tuy nhiên Trung tâm điều phối ASEAN về kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới (ACC THPC) vừa được thành lập tại hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 vừa qua được đánh giá là cơ chế hiệu quả để giải quyết.

Với mục đích giúp các nước thành viên ngăn chặn, giảm thiểu và giám sát khói mù xuyên biên giới, trung tâm này phù hợp với cam kết của ASEAN nhằm đạt được một khu vực không có khói mù vào năm 2030. Tuần này, các Bộ trưởng Nông lâm nghiệp ASEAN cũng đồng ý thực hiện hành động tập thể để giảm thiểu và cuối cùng loại bỏ việc đốt cây trồng.  

Theo thỏa thuận ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới, quốc gia có thẩm quyền sẽ hành động trước tiên để dập tắt đám cháy. Khi chính quyền quốc gia ban bố tình trạng khẩn cấp, họ có thể đưa ra yêu cầu Trung tâm ASEAN hỗ trợ.

Phạm Hà/VOV-Jakatar

 

Bình luận

    Chưa có bình luận