Cả thế giới và Israel đều bị bất ngờ bởi chiến dịch quân sự được lực lượng Hamas ở dải Gaza tiến hành nhằm vào Israel. Uy danh của Israel về có lực lượng quân đội thuộc diện mạnh nhất thế giới và cơ quan tình báo hoạt động hiệu quả nhất thế giới bị tổn hại nặng nề. Lực lượng Hamas đã phóng hàng ngàn quả tên lửa vào lãnh thổ Israel, đưa chiến binh thâm nhập vào lãnh thổ Israel. Số người bị thiệt mạng ở phía Israel và Palestine hiện đã vượt mức độ ở tất cả những cuộc chiến tranh đã xảy ra giữa Hamas và Israel trong 50 năm qua.
Khu vực Trung Đông lại một lần nữa chìm trong khói lửa chiến tranh và tro bụi của tàn phá. Lực lượng Hamas chắc chắn đã có sự chuẩn bị từ trước đấy khá lâu nên mới có thể tấn công Israel đến mức độ dữ dội như vậy - như chưa từng thấy kể từ nửa thế kỷ qua. Hamas bị Mỹ, EU và Israel coi là tổ chức khủng bố. Hamas quản lý dải Gaza và xung khắc với lực lượng Fatah trong nội bộ chính quyền tự trị Palestine.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vốn thường tự thể hiện là lãnh đạo có khả năng đảm bảo tốt nhất an ninh cho Israel. Hamas đã làm nền tảng tượng đài này bị rạn nứt. Thời gian qua, ông Netanyahu đã liên minh với những đảng phái chính trị cực hữu, dân tộc chủ nghĩa và thù địch với Palestine để có thể trở lại cầm quyền. Việc này và việc ông Netanyahu thúc đẩy cuộc cải cách tư pháp để tránh bị đưa ra xét xử trước toà án ở Israel liên quan đến mấy vụ bê bối, tai tiếng đã khiến cho nội bộ chính trường và xã hội ở Israel bị phân rẽ sâu sắc và chính phủ của ông Netanyahu bận rộn với chuyện nội bộ là chính, đồng thời gần như để mặc cho các lực lượng cực hữu, dân tộc chủ nghĩa và thù địch Palestine gần như tuỳ ý đàn áp người Palestine. Chính phủ Israel ở thời điểm hiện tại bị yếu thế và sự phản đối của người Palestine giống như những lớp sóng ngầm chờ dịp trở thành sóng lớn ở Trung Đông.
Lực lượng Hamas ở dải Gaza xem ra đã tận dụng tình trạng yếu thế của chính phủ Isreal và của cá nhân ông Netanyahu cũng như tận dụng tâm lý bất bình chung của người Palestine để phát động làn sóng đấu tranh vũ trang mới ở Trung Đông. Phe Hamas chắc chắn cho rằng việc Israel xúc tiến bình thường hoá quan hệ ngoại giao chính thức với các quốc gia trong thế giới Ả rập gây bất lợi lớn cho Palestine, giúp Israel phân hoá các nước Ả rập với Palestine. Israel bình thường hoá được quan hệ ngoại giao chính thức với càng nhiều quốc gia Ả rập thì sẽ càng bớt sẵn sàng đàm phán hoà bình với Palestine và càng thêm quyết tâm ngăn cản việc thành lập nhà nước Palestine độc lập.
Mục đích chính của Hamas với việc phát động cuộc chiến tranh lần này với Israel là làm cho vấn đề cuộc xung đột giữa Palestine và Israel lại trở nên thời sự trong chính trị thế giới và đẩy cả khu vực Trung Đông cũng như mối quan hệ giữa Palestine, Israel và thế giới Ả rập vào tình thế mới giúp Palestine xoay chuyển tình cảnh hiện tại. Hamas cũng còn dùng chuyện này để tăng vị thế trong cuộc đấu tranh quyền lực với phe Fatah.
Ông Netanyahu ý thức được rằng diễn biến tiếp theo và kết cục cuối cùng của lần chiến tranh này sẽ quyết định số phận và tương lai chính trị của chính mình ở Israel. Phía Israel đang và sẽ còn tiếp tục đáp trả mạnh mẽ về quân sự, thậm chí sẽ đưa cả binh lính tràn sang dải Gaza để truy quét lực lượng Hamas. Israel đã hạ quyết tâm công khai tiêu diệt hoàn toàn Hamas.
Chỉ có điều chiến tranh sẽ không giải quyết được vấn đề cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Hamas này bị tiêu diệt thì sẽ xuất hiện Hamas khác ở Trung Đông. Nguy cơ bị tấn công từ nhiều phía bởi nhiều lực lượng và tổ chức vũ trang khác nhau đang dần định hình đối với Israel. Các nước Ả rập, đặc biệt Arab Saudi, sẽ thận trọng và ngần ngại với việc bình thường hoá quan hệ với Israel. Cục diện chính trị an ninh và quan hệ quốc tế ở khu vực Trung Đông bước vào thời kỳ biến động và bất định mới./.
Hoàng Lan