Xung đột Israel - Hamas đẩy hòa bình Trung Đông bên bờ vực nguy hiểm

Cuộc xung đột Israel - Hamas có thể khiến hoà bình ở Trung Đông ngày càng trở nên xa vời.

 

Cuộc xung đột Israel - Hamas có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường, buộc các quốc gia Arab trong khu vực xem xét lại các quyết định gần đây về bình thường hóa quan hệ với Israel, khiến hoà bình ở Trung Đông ngày càng trở nên xa vời.

Xung đột Israel - Hamas chia rẽ thế giới Arab

Sau khi Phong trào Hồi giáo Hamas phát động cuộc tấn công bất ngờ vào miền Nam Israel sáng 7/10 và dẫn đến màn đáp trả tàn khốc của quân đội Israel vào dải Gaza, thì đã xuất hiện nhiều tranh cãi khá gay gắt trong dân chúng lẫn chính giới các nước Arab cũng như khu vực.

Luồng quan điểm ủng hộ động thái của Hamas khẳng định đây là hành động cần thiết và cần được hỗ trợ, thúc đẩy mạnh hơn nữa để ngăn chặn sự bành trướng chính sách đàn áp người Palestine của chính phủ Israel. Luồng quan điểm này cho rằng cần phải chấm dứt và thậm chí đảo ngược lại xu hướng bình thường hóa quan hệ giữa Israel và thế giới Arab trong những năm qua và thường được biết đến với tên gọi Hiệp ước Abraham vừa tròn 3 năm tuổi. Bởi vì chính sự thỏa hiệp của các quốc gia khu vực với Israel đã thôi thúc chính quyền Do Thái đẩy mạnh chính sách trấn áp hung hăng hơn chống người Palestine.

Hiệp ước Abraham đánh dấu nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Israel và thế giới Arab. (Ảnh: Reuters)Ở chiều ngược lại, luồng quan điểm phản đối thì cho rằng Hamas đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi phát động cuộc tấn công gây thương vong lớn cho người Israel dẫn đến chiến dịch đáp trả hết sức quyết liệt và đẫm máu của quân đội Israel. Luồng quan điểm này cho rằng Israel sẽ theo đuổi đến cùng mục tiêu đề ra là hủy diệt Hamas, ít nhất là cho đến khi họ tuyên bố đạt được mục tiêu này. Trong hành trình chiến sự tìm kiếm chiến thắng của Israel, cái giá phải trả đắt nhất không ai khác chính là hàng nghìn dân thường vô tội ở dải Gaza. 

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng sự thiếu thống nhất về quan điểm tiếp cận trong vấn đề Palestine nói riêng, với cuộc xung đột Arab - Israel nói chung, của các quốc gia trong thế giới Arab không phải là mới mà đã tồn tại từ nhiều thập niên qua. Cuộc xung đột vừa bùng phát chỉ khiến cho sự khác biệt và chia rẽ này thêm sâu sắc và bộc lộ rõ ràng hơn. Nó cũng phần nào lí giải vì sao nhiều thập kỷ đã trôi qua nhưng cuộc xung đột giữa Israel với thế giới Arab nói chung, với người Palestine nói riêng, vẫn chưa thể đi đến được hồi kết như mong mỏi của người dân khu vực và thế giới.    

Nguy cơ đổ vỡ nỗ lực bình thường hóa quan hệ Israel - Saudi Arabia

Saudi Arabia có chủ trương xem xét bình thường hóa quan hệ với Israel, nhưng không phải nước tiên phong. Điều đó cho thấy họ rất thận trọng nhưng cũng rất nghiêm túc trong vấn đề này. Khi xung đột nổ ra, Riyadh đã phản ứng hết sức gay gắt với việc quân đội Israel vây hãm và tấn công vào dải Gaza khiến nhiều dân thường bị chết và bị thương. Vì vậy, việc Saudi Arabia mới đây tuyên bố đình lại các cuộc đàm phán về bình thường hóa quan hệ với Israel được cho là bước đi tất yếu.

Tuy nhiên, với vị thế quốc gia đầu tàu trong thế giới Arab, việc Saudi Arabia đình lại cuộc đàm phán bình thường hóa hệ với Israel chắc chắn có tác động đến quá trình bình thường hóa quan hệ của cả thế giới Arab với Israel. Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh dân chúng khu vực phẫn nộ mạnh mẽ trước việc rất nhiều phụ nữ và trẻ em ở dải Gaza bị sát hại, bất kỳ nỗ lực hòa giải hay bình thường hóa quan hệ nào của thế giới Arab với Israel được thúc đẩy chắc chắn sẽ vấp phải sự phản ứng gay gắt và rất khó lường của dân chúng và dư luận.

Bởi vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng phải sau nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm sau khi chiến sự kết thúc, khi nỗi đau cùng sự giận dữ trong dân chúng dần nguôi ngoai đi, thì việc đàm phán bình thường hóa mới có thể được đề cập và xúc tiến trở lại. Trong khi đó, chưa biết khi nào chiến sự sẽ kết thúc.

Vì vậy, khả năng Israel có thể đạt được bất kỳ một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với bất kỳ quốc gia Arab nào trong ngắn hạn, tức trong khoảng 3 năm tới là rất thấp, gần như không thể xảy ra. Nói cách khác, đây là một đòn giáng chí mạng, làm phá sản hoàn toàn nỗ lực xích lại gần hơn với thế giới Arab của chính phủ Israel trong giai đoạn hiện nay.   

Hòa bình Trung Đông bên bờ vực nguy hiểm

Cuộc xung đột hiện đang diễn biến hết sức phức tạp. Không chỉ có dải Gaza và khu vực miền Nam Israel xảy ra chiến sự mà tình hình tại khu Bờ Tây và biên giới phía Bắc Israel giáp cả Lebanon và Syria đều rất đáng lo ngại. Ở khu Bờ Tây, hàng trăm cuộc đụng độ lẻ tẻ nhưng gây thương vong lớn đã được ghi nhận trong tuần qua, khiến hàng chục người Palestine thiệt mạng cùng hàng trăm người khác bị thương. So với thương vong ở dải Gaza thì không đáng kể, nhưng nó phản ánh sự leo thang rất đáng lo ngại và hoàn toàn có nguy cơ bùng phát thành một vòng xoáy bạo lực đẫm máu mới.

Binh lính Israel lái xe tăng ở Kibbutz Beeri, phía Nam Israel ngày 14/10. (Ảnh: Reuters)Tuy nhiên, đáng lo ngại hơn cả là diễn biến tại khu vực biên giới phía Bắc Israel giáp Lebanon. Từ 8/10, tức tức chỉ 1 ngày sau cuộc tấn công của Hamas vào miền Nam Israel, giao tranh gây thương vong liên tục được ghi nhận xảy ra giữa quân đội Israel với người vũ trang ở miền Nam Lebanon, chủ yếu là Phong trào Hồi giáo vũ trang Hezbollah.

Hezbollah là nhóm vũ trang chống đối Israel có tiềm lực quân sự mạnh nhất trong khu vực và có lịch sử đối đầu đầy chết chóc với quân đội Israel. Nhóm này nhận được sự hậu thuẫn rất lớn cả về vũ khí, đạn được, hậu cần, tài chính, huấn luận, thông tin tình báo… từ Iran, quốc gia Hồi giáo theo đuổi chính sách thù địch công khai chống lại Israel. Trong cuộc xung đột lần này, các lãnh đạo Hezbollah nhiều lần tuyên bố sẵn sàng mở mặt trận mới chống Israel khi thời cơ chín muồi.

Với lịch sử đối đầu Israel - Hezbollah, nhiều nhà phân tích cho rằng cảnh báo của Hezbollah không phải là lời đe dọa suông và cần phải nhìn nhận nó một cách hết sức nghiêm túc. Trên thực tế, Israel đang ứng phó với vấn đề này một cách rất cảnh giác. Hàng chục nghìn quân và khí tài chiến đấu đã được quân đội Israel triển khai tăng cường về mặt trận này, trong khi hàng chục nghìn cư khu vực giáp biên giới Lebanon đã được sơ tán về các địa phương khác an toàn hơn. Ngày 13/10, quân đội Israel chính thức tuyên bố khu vực biên giới giáp Lebanon là khu vực quân sự khép kín, thể hiện sự sẵn sàng cao độ cho kịch bản nổ ra xung đột.

Nếu xung đột thực sự xảy ra thì cục diện toàn khu vực Trung Đông sẽ hết sức phức tạp và nguy hiểm. Khi đó, không chỉ các nhóm vũ trang có chung đường lối đấu tranh chống Israel trong khu vực tham chiến, mà có thể lôi kéo cả sự can dự trực tiếp của một số quốc gia trong khu vực. Hệ lụy và những hậu quả của cuộc chiến thật sự khó có thể mường tượng hết được.

Tuy nhiên, chiến sự nhiều khả năng sẽ chỉ dừng lại ở các vùng lãnh thổ Palestine, gồm cả dải Gaza và khu Bờ Tây. Nguy cơ chiến sự lan rộng hơn vẫn tồn tại nhưng không cao. Các quốc gia khu vực cũng ý thức được rất rõ sự nguy hiểm của vấn đề và đang tăng cường nhiều nỗ lực để kiểm soát tình hình.

Bá Thi/VOV-Cairo

 

Bình luận

    Chưa có bình luận