Vì sao tiềm lực quân sự của Hamas trở thành mối đe dọa lớn với Israel?

Israel vừa tuyên bố sẽ tiến hành cuộc tấn công tổng lực nhằm quét sạch phong trào Hamas ra khỏi Dải Gaza.

 

Theo giới phân tích, chiến dịch này có thể gặp nhiều thách thức khi họ phải đối mặt với một đối thủ ngày càng lớn mạnh, được hỗ trợ nhờ một mạng lưới bí mật trải rộng ở Trung Đông.

Hamas bí mật xây dựng “quân đội mini”

Cuộc tấn công của Hamas vào miền Nam Israel ngày 7/10 là cuộc tấn công lớn chưa từng có về quy mô và cường độ suốt nhiều năm qua. Đây là minh chứng cho thấy sự lớn mạnh về năng lực quân sự của Hamas kể từ khi giành quyền kiểm soát Dải Gaza vào năm 2007.

Ali Baraka – một quan chức cấp cao của Hamas cho biết, ngoài việc tự lực tự cường, Hamas từ lâu đã nhận được sự hỗ trợ về tài chính và đào tạo từ Iran cũng như các lực lượng ủy nhiệm khác trong khu vực như Hezbollah. Theo quan chức này, khó khăn trong việc nhập khẩu vũ khí đã khiến Hamas phải tìm mọi cách để tự chế tạo các loại khí tài quân sự cần thiết.

Trong cuộc chiến tại Gaza năm 2008, tên lửa của Hamas chỉ có tầm bắn tối đa 40km nhưng con số này đã lên đến 230km trong cuộc xung đột năm 2021. Từ một nhóm nhỏ gồm những người Palestine đi phát tờ rơi để phản đối sự chiếm đóng của Israel cách đây 36 năm, ngày nay Hamas đã trở thành một tổ chức quân sự quy mô lớn.

Một nguồn tin thân cận với Hamas ở Dải Gaza cho biết: “Hamas giống như một lực lượng quân đội nhỏ”. Họ có một học viện quân sự đào tạo nhiều chuyên ngành, trong đó có cả an ninh mạng và có đơn vị đặc công của hải quân với số lượng 40.000 người. Theo trang mạng Globalsecurity.org, vào những năm 1990, Hamas chỉ có chưa tới 10.000 tay súng.

Theo một nguồn tin an ninh trong khu vực, kể từ đầu những năm 2000, lực lượng Hamas đã xây dựng một mạng lưới đường hầm tại Dải Gaza để che giấu vũ khí, hệ thống chỉ huy và các tay súng của lực lượng này. Những đường hầm chằng chịt được ví như hệ thống metro của Gaza cũng được sử dụng để đưa vũ khí từ nước ngoài vào. Chúng không chỉ giới hạn trong Dải Gaza mà còn vươn tới lãnh thổ Israel để Hamas thực hiện các cuộc tấn công. Các quan chức Hamas cho biết, lực lượng của họ đã mua được nhiều loại bom, súng cối, rocket, tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không.

Các cuộc tấn công của Hamas ngày càng trở nên nguy hiểm hơn. Vào năm 2008, Israel đã mất 9 binh sỹ sau cuộc tấn công của Hamas, nhưng đến năm 2014, con số này đã tăng lên 66. Ông H.A. Hellyer – một cộng sự cấp cao tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), cho rằng, Israel có khả năng hạ gục Hamas, nhưng vấn đề là họ sẽ buộc phải tấn công vào các khu vực đông dân cư.

“Câu hỏi chính không phải là liệu điều đó có khả thi hay không, mà là việc những cuộc tấn công như vậy sẽ có sức tàn phá như thế nào đối với các khu vực dân cư, bởi vì Hamas không sống trên một hòn đảo nằm giữa đại dương hay một hang động tách biệt trên sa mạc”.

Theo Viện An ninh Quốc gia Do Thái của Mỹ, sau cuộc xung đột gần nhất tại Gaza vào năm 2021, Hamas và một nhóm liên kết có tên gọi Phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ) đã cố gắng giữ lại 40% kho tên lửa, ước tính vào khoảng 11.750 tên lửa. Trong khi mức trước xung đột là 23.000 tên lửa.

Các thủ lĩnh của Hamas hoạt động khắp nơi ở Trung Đông, trong đó có cả Lebanon và Qatar, nhưng trung tâm quyền lực của họ vẫn là Gaza.

Hamas đang tạo ra mối đe dọa lớn đối với Israel. Ảnh: India today

Tương quan sức mạnh quân sự giữa Israel và Hamas

Quân đội Israel từ lâu đã được sự hỗ trợ của Mỹ, với 3,3 tỷ USD kinh phí tài trợ hàng năm theo quy định của Quốc hội, cộng thêm 500 triệu Usd cho công nghệ phòng thủ tên lửa.

Israel là một trong những quốc gia có lực lượng quân đội hùng hậu và được trang bị vũ khí tiên tiến nhất ở Trung Đông. Lực lượng không quân Israel có nhiều chiến đấu cơ hiện đại, trong đó có tiêm kích F-35 của Mỹ. Lực lượng phòng thủ tên lửa có cả hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất lẫn hệ thống Vòm Sắt. Israel sở hữu một số lượng lớn xe bọc thép và xe tăng, cùng nhiều máy bay không người lái và công nghệ hiện đại sẵn sàng triển khai trong các cuộc giao tranh trên bộ.

Ngoài ra, Israel cũng có Trung tâm huấn luyện Chiến tranh đô thị, được gọi là “Gaza thu nhỏ” để huấn luyện binh sỹ kỹ thuật tác chiến đô thị. Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, Israel có khoảng 170.000 binh sỹ thường trực và 360.000 binh sỹ dự bị. Nước này cũng được cho là đang âm thầm sở hữu một kho vũ khí hạt nhân dù chưa bao giờ chính thức thừa nhận.

Hamas dù không nhận được khoản viện trợ khổng lồ như của Israel, nhưng cuộc tấn công bất ngờ vào cuối tuần quan cho thấy, nước này có thể tận dụng các chiến thuật chiến tranh du kích, sử dụng dù lượn và máy bay không người lái thả lựu đạn để khiến các lực lượng Israel gặp nguy hiểm khi tiến hành chiến dịch tấn công trên bộ. Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, Hamas có từ 15.000 đến 20.000 chiến binh. Còn Israel ước tính con số này cao hơn, vào khoảng 30.000 chiến binh.

Kho vũ khí của Hamas bao gồm súng trường tấn công, súng máy hạng nặng, lựu đạn tên lửa, vũ khí chống tăng và súng bắn tỉa tầm xa. Trước đây, lực lượng này từng nhiều lần sử dụng chiến thuật đặt bẫy mìn và tấn công liều chết.

Mặc dù Israel có mạng lưới phòng thủ tên lửa rộng khắp, nhưng Hamas đã nỗ lực duy trì nguồn cung cấp tên lửa khổng lồ do lực lượng này phát triển, để thực hiện các cuộc tấn công ồ ạt nhằm áp đảo hệ thống phòng không của Israel.

Quân đội Israel cho biết, Hamas đã bắn hơn 5.000 tên lửa về phía nước này kể từ khi xung đột bắt đầu. Năm 2021, tình báo Israel ước tính, Hamas và nhóm Hồi giáo vũ trang Hồi giáo ở Gaza, có khoảng 30.000 tên lửa trong kho vũ khí. Tuy vậy, các nhà phân tích cho rằng, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Hamas đã phát triển tên lửa dẫn đường có thể tấn công các mục tiêu tầm xa một cách chính xác.

Hồng Anh/VOV.VN (tổng hợp)

 

Bình luận

    Chưa có bình luận