Chuyến công du khó khăn của ông Biden

Trước ông Biden, chưa có tổng thống Mỹ đương nhiệm nào tới Israel trong bối cảnh chiến tranh giữa Israel và Palestine...

 

Chỉ vài ngày sau khi bùng phát cuộc chiến tranh lần thứ 5 kể từ năm 1987 giữa Israel và lực lượng Hamas ở khu vực Trung Đông, cả Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Anthony Blinken lẫn đích thân Tổng thống Mỹ Joe Biden đều tới Israel. Trước ông Biden, chưa có tổng thống Mỹ đương nhiệm nào tới Israel trong bối cảnh chiến tranh giữa Israel và Palestine. Qua đó có thể thấy được ngay chủ định chính của ông Biden với chuyến công du khu vực Trung Đông này là công khai thể hiện và khẳng định sự ủng hộ của Mỹ dành cho Israel nói chung và trong cuộc chiến tranh hiện tại với Hamas nói riêng.

Từ thủa lập quốc đến nay, Israel lệ thuộc gần như hoàn toàn vào viện trợ quân sự và tài chính cũng như sự hậu thuẫn chính trị của Mỹ để đảm bảo an ninh. Israel trở thành một trong những đồng minh quân sự chiến lược truyền thống chính và quan trọng nhất ở khu vực Trung Đông. Mỹ lại coi lực lượng Hamas là khủng bố. Vì thế, việc Mỹ luôn đứng hẳn về phía Israel trong cuộc xung đột dai dẳng giữa Israel và Palestine ở khu vực Trung Đông không có gì lạ.

Nhà Trắng cho biết rủi ro an ninh đủ thấp để thông báo trước chuyến thăm Israel của ông Biden. (Ảnh: AFP)

Ông Biden phải vội vã đích thân tới Israel vì lần chiến tranh này giữa Israel và Hamas có thể gây ra hậu quả và hệ lụy khác hẳn những lần chiến tranh trước đấy cả về mức độ lẫn bản chất. Hamas đã làm tổn hại nghiêm trọng thể diện và uy danh của Israel trên phương diện sức mạnh quân sự và năng lực tình báo. Hamas đã làm cho Israel và Thủ tướng đương nhiệm Benjamin Netanyahu buộc phải nhận thấy chẳng thể có được sự đảm bảo an ninh chắc chắn cho Israel. Cho nên phía Israel sẽ đáp trả quyết liệt như chưa từng thấy với quyết tâm triệt hạ đến tận gốc rễ lực lượng Hamas ở dải Gaza. Sự trả đũa này càng khốc liệt thì mức độ tàn phá ở dải Gaza càng tăng và thiệt hại sẽ càng lớn đối với cả dân thường ở đây. Vụ không kích vào một bệnh viện ở dải Gaza là bằng chứng mới đây nhất. Nguy cơ cuộc chiến tranh này sẽ dai dẳng hiện đang dần xuất hiện.

Chiến tranh càng dai dẳng thì Mỹ và các đồng minh khác của Israel sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp tục hậu thuẫn Israel vô điều kiện. Phe này sẽ buộc phải thúc đẩy đàm phán hoà bình giữa Israel và Hamas để chấm dứt chiến tranh cũng như để nối lại đàm phán giữa Israel và Palestine nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine ở khu vực Trung Đông. Cho nên ông Biden tới Israel tuy để động viên tinh thần cho Israel nhưng không thể chỉ làm mỗi việc ấy thôi là đủ. Đối với Israel, sự hậu thuẫn chính trị cũng như quân sự và tài chính của Mỹ vào lúc này là quan trọng và quyết định nhất. Đối với ông Biden, công du khu vực Trung Đông sau khi bùng phát chiến tranh như thế này còn có tác động đối nội rất to lớn, quan trọng và đắc dụng.

Nếu chỉ như vậy thôi thì chuyến công du nước ngoài này của ông Biden đâu có khó khăn gì. Vấn đề lại còn ở chỗ cả trong và ngoài khu vực đều để ý đến Mỹ làm gì để chấm dứt chiến tranh, tàn phá và chết chóc ở dải Gaza và Israel cũng như để chiến tranh không lại bùng phát ở vào thời điểm nào đấy trong tương lai. Cho nên ông Biden mới phải gặp cả tổng thống Ai cập, tổng thống Palestine và Vua Jordani. Vị quân vương này đã từ chối gặp ông Biden để phản đối cuộc không kích vào một bệnh viện ở dải Gaza mà Jordani đổ lỗi cho Israel. Thực chất ở phía sau sự từ chối này là quan điểm thái độ của Jordani thôi thúc Mỹ gây và gia tăng áp lực đối với Israel để Israel kiềm chế cũng như nối lại đàm phán hoà bình với Palestine. Về cơ bản, đấy cũng là quan điểm chung của đại đa số các quốc gia trong thế giới Ả rập.

Thật sự chẳng dễ dàng gì đối với ông Biden khi phải vừa thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ cho Israel lại phải vừa gây áp lực buộc Israel phải hành động kiềm chế, vừa hậu thuẫn thiết thực cho Israel để Israel triệt hạ Hamas lại vừa tránh để bị người Palestine coi là thù địch./.

Hoàng Lan

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận