Quan hệ Mỹ - Trung Quốc trước dấu mốc mới

Cuộc gặp tại Hội nghị cấp cao tới của APEC là phép thử mới, là dấu mốc chính trị mới cho mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

 

Hội nghị cấp cao của diễn đàn APEC năm nay diễn ra từ ngày 15-17/11/2023 tại thành phố San Francisco của Mỹ. Nó không những chỉ là sự kiện thường niên lớn nhất và quan trọng nhất của khuôn khổ diễn đàn này mà còn là dịp bộc lộ thực trạng và triển vọng của mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Thế giới bên ngoài có thể nhận biết được điều này qua câu trả lời cho câu hỏi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có gặp nhau vào dịp này ở San Francisco không.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc vốn không được êm thấm kể từ nhiều năm nay, cụ thể là từ thời chính quyền Donald Trump ở Mỹ. Ông Biden kế nhiệm ông Trump vào cuối tháng 1/2021 và từ đó đến nay mới chỉ gặp ông Tập Cận Bình có một lần vào dịp tham dự cuộc gặp cấp cao thường niên năm ngoái của nhóm G20 ở Bali (Indonesia). Ông Biden không tham dự hội nghị cấp cao của APEC hồi năm ngoái ở Thái Lan trong khi ông Tập Cận Bình tham dự. Hội nghị cấp cao của nhóm G20 năm nay được tổ chức ở Ấn Độ. Ông Biden tham dự trong khi ông Tập Cận Bình vắng mặt.

Cuộc gặp cấp cao của APEC năm nay lại khác bởi do Mỹ đăng cai tổ chức và diễn ra trên đất Mỹ, vì thế trở nên nhạy cảm về chính trị thế giới và về quan hệ song phương đối với cả Mỹ lẫn Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình tham dự hay không tham dự phản ánh quan điểm, thái độ của Trung Quốc đối với Mỹ còn nhiều hơn và rõ nét hơn so với đối với APEC. Ông Tập Cận Bình đến Mỹ tham dự sự kiện lớn của APEC mà không có cuộc gặp song phương với ông Biden thì sẽ phát đi hai thông điệp tới thế giới bên ngoài là mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc hiện rất tồi tệ và nó không có triển vọng sớm được cải thiện trong thời gian tới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) bắt tay với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Bali (Indonesia) hồi tháng 11/2022/ (Ảnh: AFP)

Cho nên mới nói dịp hội nghị cấp cao tới của APEC là phép thử mới đối với mối quan hệ song phương này. Những động thái thời sự nhất liên quan đến mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian gần đây, đặc biệt là chuyến đi Mỹ của bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc và chuyến đi Trung Quốc của một số chính khách Mỹ. Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc được ông Biden tiếp và các chính khách Mỹ tới Trung Quốc đều gặp ông Tập Cận Bình. Cho tới thời điểm hiện tại, kể cả sau những động thái ngoại giao nói trên giữa hai bên, chưa có khúc mắc nào dai dẳng lâu nay giữa Mỹ và Trung Quốc đã được khắc phục. Nhưng hai bên không còn phát ngôn gay gắt về nhau nữa. Đồng thời, bên nào cũng quả quyết không đối địch lẫn nhau, đều khẳng định thiện chí hợp tác với nhau, đều đề cao tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đối với thế giới, như thể cùng chủ ý qua đó nhắc nhở lẫn nhau về trách nhiệm phải duy trì mối quan hệ hợp tác song phương.

Có thể thấy được qua đó là hai phía đã dọn đường mở lối, chuẩn bị dư luận và tạo bầu không khí chính trị thuận lợi cho cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập Cận Bình nhân dịp cuộc gặp cấp cao sắp tới của APEC tại Mỹ. Dịp cấp cao APEC tại Mỹ này chắc sẽ được cả hai phía tận dụng để tạo bước chuyển cơ bản mới cho quan hệ song phương theo hướng giảm căng thẳng, tăng hòa dịu và chuẩn bị bước vào một thời kỳ quan hệ bình thường mới. Nói theo cách khác, ông Tập Cận Bình sẽ đến Mỹ tham dự sự kiện và sẽ có cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và ông Biden vào dịp này.

Trong bối cảnh tình hình hiện tại của chính trị thế giới, APEC quan trọng hơn G20 đối với Trung Quốc. Ông Biden cần sự tham dự của ông Tập Cận Bình để tổ chức thành công thật sự cuộc gặp cấp cao. Những động thái vừa qua giữa hai nước giúp hai người này có thể gặp nhau và sẽ là dấu mốc mới về chính trị cho mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc./.

Hoàng Lan

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận