Khu vực Nam Á thiếu nước nghiêm trọng nhất thế giới

Năm 2022, 45 triệu trẻ em tại 8 quốc gia khu vực Nam Á không được tiếp cận với nước sạch một cách cơ bản.

 

Đó là con số lớn hơn bất cứ khu vực nào trên thế giới. Tiếp sau Nam Á, các khu vực Trung Đông và Bắc Phi cũng đang phải vật lộn với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Đây là số liệu mà Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) vừa công bố ngày 13/11.

UNICEF cho biết, tính tới năm 2022, 739 triệu trẻ em trên toàn cầu phải đối mặt với tình trạng thiếu nước lớn đến nghiêm trọng. Trong số này, 436 triệu trẻ em, hầu hết tại các nước thu nhập thấp và trung bình, phải sinh sống trong các khu vực “chịu tổn thương về nước cao tới mức nghiêm trọng”.

Một em nhỏ ở ngôi làng gần thị trấn Shahapur, quận Thane, bang Maharashtra, Ấn Độ đội bình đựng nước lấy từ giếng trong vùng. Ảnh: ANI

Thuật ngữ này được định nghĩa là sự kết hợp giữa tình trạng khan hiếm nước cao hoặc rất cao và mức độ dịch vụ nước sạch thấp hoặc rất thấp. Báo cáo của UNICEF cho biết tình trạng dễ bị tổn thương do thiếu nước ở mức nghiêm trọng là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi vì các bệnh có thể phòng ngừa được. 3 khu vực đang phải đối mặt với tình trạng này là Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á.

Một phần tư số trẻ em trên thế giới được cho là đang sống tại 8 nước khu vực Nam Á gồm Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka, Nepal, Bhutan, Maldives và Afghanistan.

Biến đổi khí hậu được cho là nhân tố chính gây nên tình trạng khan hiếm nước, đặt thêm khoảng 35 triệu đứa trẻ khác trước nguy cơ bị tổn thương về căng thẳng nguồn nước vào năm 2050. Cơ quan của Liên Hợp Quốc cho biết điều này sẽ tác động tới sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận