Cấp cao Trung Quốc - EU ở Bắc Kinh

Việc EU và Trung Quốc lại gặp nhau cấp cao vẫn là diễn biến rất quan trọng và tích cực đối với mối quan hệ song phương này.

 

Sau 4 năm, Trung Quốc và EU mới lại tiến hành cuộc gặp cấp cao trực tiếp. Trong khoảng thời gian ấy, hai bên chỉ tổ chức một lần gặp cấp cao trực tuyến. Cũng trong thời gian ấy, mối quan hệ hợp tác song phương giữa Trung Quốc và EU diễn biến theo chiều hướng xấu đi nhiều hơn là được cải thiện. Phía EU đưa ra hết chiến lược này đến chính sách khác để đối phó Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Phương châm hành động của EU đối với Trung Quốc là không "thoát Trung Quốc", có nghĩa là không tách biệt hoàn toàn khỏi Trung Quốc về hợp tác kinh tế đối ngoại nhưng "giảm rủi ro" như có thể được. Rồi xảy ra cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine mà EU cùng phe phương Tây quan ngại khả năng Trung Quốc hậu thuẫn Nga về quân sự.

EU cũng nhiều lần biểu thị quan điểm, thái độ không đồng tình về những hành động của Trung Quốc đối với Đài Loan và ở khu vực Biển Đông. Ấy là còn chưa kể đến mối bất hoà rất sâu đậm từ lâu nay giữa EU và Trung Quốc trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền cũng như về Hồng Công. Cuộc xung khắc thương mại giữa EU và Trung Quốc tuy không ở quy mô lớn và với mức quyết liệt như giữa Mỹ và Trung Quốc nhưng cũng đủ để cản trở hai bên thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Trên phương diện này, EU và Trung Quốc hiện vẫn tiếp tục trừng phạt thương mại lẫn nhau, thực thi những biện pháp chính sách bù trợ sản phẩm xuất khẩu dưới những hình thức khác nhau và duy trì rào cản thương mại, hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhau.

Suốt thời gian qua, tình hình chung trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và EU cơ bản là như thế. Nhưng trong những ngày trước thời điểm diễn ra cuộc gặp cấp cao trực tiếp đầu tiên sau hơn 4 năm, cả EU lẫn Trung Quốc đều có vẻ như chủ ý chủ động tạo bầu không khí thuận lợi cho sự kiện lớn. Người ta lại thấy hai bên đề cao lẫn nhau và đề cao mối quan hệ hợp tác song phương này. Cả hai phía đều nhấn mạnh thời điểm của cuộc gặp cấp cao là dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập cơ chế gặp gỡ và đối thoại cấp cao cũng như kỷ niệm 20 năm ngày hai bên ký kết thoả thuận thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Người ngoài có thể nhận biết từ đó bên này chủ ý thể hiện thiện chí cải thiện và thúc đẩy quan hệ hợp tác với bên kia, phát đi thông điệp rằng đã đến lúc phải giảm bất hoà và xung khắc để cải thiện và thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, đồng thời nhắc nhở lẫn nhau về thực tế không thể bất chấp được là hai bên tuỳ thuộc lẫn nhau chứ không thể "thoát được nhau".

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel. (Nguồn: Reuters)Cuộc gặp cấp cao này giữa Trung Quốc và EU sẽ khó khăn chứ không dễ dàng, sẽ khó thành công chứ không phải dễ thành công. Nguyên do là tất cả những vấn đề đặt ra trên chương trình nghị sự của sự kiện lớn đều rất nan giải và đều rất nhạy cảm về đối nội đối với cả hai bên. Cả hai phía đều thể hiện thiện chí nhưng việc này chưa hẳn hàm chứa thiện chí thực sự. Hai bên hiện chưa có được đủ mức độ tin cậy lẫn nhau để thoả hiệp với nhau trong những vấn đề động chạm đến lợi ích cơ bản. Khía cạnh đối phó nhau và dè chừng nhau vẫn lấn át khía cạnh hợp tác và tin tưởng nhau. Cuộc chiến ở Ukraine và cuộc đối địch giữa EU, NATO và Mỹ cùng đồng minh nhằm vào Nga đã buộc EU vừa phải dè chừng Trung Quốc nhiều hơn vừa buộc phải nỗ lực hợp tác với Trung Quốc để phân hoá Trung Quốc với Nga.

Dù sao thì việc EU và Trung Quốc lại gặp nhau cấp cao vẫn là diễn biến rất quan trọng và tích cực đối với mối quan hệ song phương này. Một chút nồng ấm đồng nghĩa với bớt băng giá và phải đi bước đầu tiên thì mới có thể đi được những bước tiếp theo. Có gặp nhau thì Trung Quốc và EU mới có thể từng bước vận hành mối quan hệ song phương này sao cho bên nào cũng được lợi nhiều và bị bất lợi ít./.

Hoàng Lan

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận