Nguyên nhân Ukraine đánh mất thế trận được cho là do họ và phương Tây đã quá nóng vội, muốn giành sớm thắng lợi lớn trước Nga.
Chiến cuộc 2022 khiến Ukraine và đồng minh nóng vội
Ukraine nuôi hy vọng nhờ vào các thắng lợi trong năm 2022 (chẳng hạn như ở Kharkov). Phương Tây kỳ vọng một cuộc phản công của Ukraine vào mùa xuân 2023 sẽ chia cắt lực lượng Nga ở tỉnh Zaporizhzhia và thọc được xuống phương Nam, tới Biển Azov, cắt đứt liên kết trên bộ giữa đất liền Nga và bán đảo Crimea.
Nhưng mùa xuân đã qua đi mà Ukraine không thực hiện được cuộc phản công lớn nào. Chiến sự lớn tiếp diễn quanh thành phố Bakhmut (Artemovsk) - một trung tâm vận tải ở tỉnh Donetsk. Lực lượng quân sự tư nhân Wagner của Nga cuối cùng chiếm được thành phố này vào tháng 5/2023.
Được phương Tây trợ giúp, Ukraine đã đào tạo và trang bị cho 12 lữ đoàn mới với khoảng 60.000 quân nhân để tiến đánh lực lượng đông gấp 5 lần. Ukraine khi đó trông mong vào các vũ khí hiện đại của phương Tây để tạo đột biến.
Thách thức mà lực lượng tân binh này của Ukraine đối diện là vô cùng to lớn. Họ phải nỗ lực làm chủ các loại vũ khí mới phức tạp (xe tăng, trọng pháo, phòng không và tác chiến điện tử), đồng thời phải cố gắng hiệp đồng binh chủng trên quy mô lớn. Đối phương của họ sở hữu nhiều đạn dược, ưu thế trên không áp đảo và đặc biệt là hệ thống phòng ngự chiều sâu được xây dựng trong hơn một năm.
Đã vậy, những đơn vị dạn dày kinh nghiệm nhất của Ukraine đã bị tung vào lò lửa Bakhmut. Khi thành phố này thất thủ, các đơn vị đó đã bị tiêu hao hoặc kiệt sức.
Việc phương Tây viện trợ vũ khí chậm và nhỏ giọt, đặc biệt là về phòng không, đã tạo ra lỗ hổng đáng kể trong “lớp giáp” của Ukraine.
Cái giá của tính toán không bám sát thực tế
Cuối cùng, khi chiến dịch phản công của Ukraine bắt đầu ở tỉnh Zaporizhzhia vào đầu tháng 6/2023, người ta thấy rõ mức độ thiếu sát thực tế trong các tính toán của Ukraine và phương Tây. Khi ấy, xe thiết giáp do phương Tây viện trợ cho Ukraine đã bị kẹt trên các bãi mìn của Nga, sau đó trở thành “mồi” cho trực thăng tấn công và UAV sát thủ của Nga.
Marina Miron - nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Khoa nghiên cứu chiến tranh thuộc trường đại học King’s College London (Anh), nhận định: “Ở đây có một sai lầm chiến lược lớn. Và người ta mắc sai lầm đó vì lý do chính trị”.
Bà Miron cho rằng các đồng minh của Ukraine, đặc biệt là Mỹ, đã thiếu kiên nhẫn về kết quả trên chiến trường. Bà phân vân tự hỏi làm thế nào mà các nhà hoạch định quân sự của Ukraine và phương Tây lại không tính tới thực tế Nga đã xây dựng được các bãi mìn dày đặc cũng như các hệ thống phòng ngự khác ở Đông Nam.
Nghiên cứu sinh Miron nói: “Các đồng minh phương Tây muốn thấy tiền của mình phát huy tác dụng. Còn bản thân quân đội Ukraine không muốn thực hiện cuộc phản công này và cố gắng trì hoãn càng lâu càng tốt. Nhưng đây là sai lầm chiến lược, bất kể là ai đứng đằng sau”.
Bà Miron cho rằng, vì lý do chính trị, Tổng thống Ukraine Zelensky trong thời gian dài không muốn thừa nhận rằng cuộc phản công đã cạn kiệt năng lượng.
Theo bà Miron, Ukraine và phương Tây đã đánh giá không chính xác về năng lực và khả năng thích ứng của đối phương trong xung đột với Nga.
Bà Miron cho rằng kỳ vọng đối với Ukraine là rất cao và Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Zaluzhnyi chịu áp lực lớn phải tiến hành một chiến dịch hiệp đồng binh chủng phức tạp mà không có sự yểm trợ từ trên không. Trong khi đó, bà Miron lưu ý, ưu thế trên không luôn là điều kiện tiên quyết cho các chiến dịch trên bộ của quân đội Mỹ.
Theo nghiên cứu sinh này, giới chính trị phương Tây thoát ly chiến trường Ukraine và suy nghĩ vấn đề theo hướng đơn giản hóa.
Kết cục, chiến dịch phản công của Ukraine chỉ giành được một số lượng nhỏ các ngôi làng gần như bỏ hoang. Tổng tư lệnh Zaluzhnyi vào tháng 11/2023 có nói rằng cuộc xung đột vũ trang này rơi vào thế bế tắc hoặc thế trận tác chiến cố định - điều có lợi cho Nga, giúp Nga xây dựng lại sức mạnh quân sự.
Điều chỉnh của Ukraine vào giai đoạn cuối
Tổn thất về nhân sự và xe thiết giáp của Ukraine lớn đến mức Tổng tư lệnh Valery Zaluzhnyi đã phải vội vã từ bỏ kế hoạch dùng lực lượng thiết giáp để đột phá ồ ạt qua các lãnh thổ do Nga kiểm soát. Thay vào đó, tướng Zaluzhnyi chỉ đạo binh sĩ dưới quyền chia làm các nhóm nhỏ đi bộ để vượt qua các bãi mìn.
Chiến thuật mới của Ukraine giúp nước này hạn chế thương vong binh sĩ cũng như tổn thất về vũ khí khí tài nhưng lại đặt dấu chấm hết cho giấc mơ của nhiều chính trị gia Ukraine và phương Tây về việc giành thắng lợi nhanh chóng.
Tổng thống Zelensky trước đây bất đồng với đánh giá của Tổng tư lệnh Zaluzhnyi về thế bế tắc nhưng hiện nay thừa nhận cuộc chiến đã thực sự bước sang một “giai đoạn mới”.
Bản thân Mykhailo Podolyak - một trong các cố vấn chính của Tổng thống Zelensky, mới đây tuyên bố: “Không nghi ngờ gì nữa, mùa đông và việc phân tích các năng lực của chúng ta và của đối phương đòi hỏi phải điều chỉnh lại chiến thuật, theo hướng: phòng thủ hiệu quả ở một số khu vực nhất định, tiếp tục tiến công ở các khu vực khác, tác chiến chiến lược đặc biệt trên bán đảo Crimea và vùng Biển Đen, và tổ chức lại căn bản hoạt động bảo vệ bằng tên lửa cho các cơ sở hạ tầng trọng yếu”.
Tổng thể, năm 2023 đã bộc lộ rõ một số điểm yếu của Ukraine như việc tương đối thiếu nguồn lực con người và công nghiệp để đối phó với quốc gia khổng lồ là nước Nga, và việc phụ thuộc vào viện trợ quân sự, kinh tế và ngoại giao của phương Tây.
Trong khi đó, Nga đang phát huy sức mạnh của mình, đưa một mảng lớn ngành công nghiệp sang phục vụ quốc phòng thời chiến.
Trong bối cảnh ấy, Nickolay Kapitonenko - phó giáo sư tại Viện Quan hệ quốc tế ở Kiev cho rằng Ukraine và các đồng minh của mình có thể phải định nghĩa lại khái niệm “chiến thắng”, cho sát với thực tế của bên yếu hơn trong một cuộc chiến bất đối xứng.
Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch
Nguồn: Irish Times