Tổng thống Nga Vladimir Putin công du vùng Vịnh

Chuyến công du vừa mới rồi của ông Putin tới Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UEA) và Arab Saudi trở thành sự kiện đối ngoại rất đặc biệt đối với Nga.

 

Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh ở Ukraine giữa Nga và Ukraine, những chuyến công du nước ngoài của tổng thống Nga Vladimir Putin trở nên rất hiếm hoi. Chính khách nước ngoài tới thăm Nga vẫn có nhưng cũng rất ít. Vì thế, chuyến công du vừa mới rồi của ông Putin tới Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UEA) và Arab Saudi trở thành sự kiện đối ngoại rất đặc biệt đối với Nga. Từ sau khi bùng phát cuộc chiến ở Ukraine, ông Putin mới chỉ đi Trung Quốc và Kazakhstan, tham dự một số lần gặp gỡ cấp cao giữa Nga với các nước ở khu vực Trung Á.

Tất cả những quốc gia mà ông Putin đã tới đều không tham gia Tòa án hình sự quốc tế (ICC). Tòa án này đã phát lệnh bắt giữ ông Putin, khiến cho nhiều quốc gia tham gia ICC tuy không thù địch Nga vẫn gặp khó xử không nhỏ. Để không làm khó những đối tác này, ông Putin tránh tới thăm các nước ấy. Trung Quốc, UEA và Arab Saudi không tham gia ICC cho nên sẽ không bị ràng buộc gì bởi trách nhiệm đối với ICC nếu tiếp đón ông Putin tới thăm.

Nhưng cả UEA lẫn Arab Saudi đều có quan hệ hợp tác gắn bó với những nước phương Tây hiện thù địch Nga. Vì thế, chỉ riêng việc hai vương triều này tiếp đón ông Putin trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới và khu vực hiện tại đã đủ để cho thấy hai vương triều trên không vì quan hệ với các nước trong khối phương Tây mà hy sinh những lợi ích thiết thực có được trong quan hệ với Nga.

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman (phải) tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Riyadh, Saudi Arabia, ngày 6/12/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)Cái lợi đối với hai vương triều này trong việc tiếp đón ông Putin thiết thực cả về chính trị lẫn kinh tế thể hiện rõ ở hai phương diện.

Thứ nhất, cả ba quốc gia này đều là những thành viên quan trọng của nhóm Opec+, bao gồm 23 quốc gia thành viên Opec và không phải là thành viên của Opec nhưng tất cả đều thuộc diện những quốc gia khai thác và xuất khẩu nhiều dầu lửa nhất trên thế giới, có ảnh hưởng lớn tới chiều hướng biến động của giá dầu lửa trên thị trường thế giới. Giá dầu lửa trên thị trường thế giới lại đang giảm. Mỹ và các nước trong phe phương Tây tăng cường gò ép và gia tăng áp lực mạnh mẽ tới các đồng minh và đối tác của họ, trong đó đặc biệt có những thành viên chủ chốt của nhóm Opec+ về giảm giá dầu lửa để triệt hạ nguồn thu nhập từ dầu lửa của Nga.

Bài toán khó đặt ra bây giờ cho nhóm Opec+ là phải nâng giá dầu lửa và ổn định mức độ giá dầu lửa ấy ở mặt bằng cao. Vì thế, UEA và Arab Saudi cần sự đồng hành của Nga, cần sự thống nhất quyết sách và phối hợp hành động với Nga. Lợi ích thiết thực của nhóm Opec+ bây giờ là chặn đà suy giảm của giá dầu, làm cho giá dầu tăng trở lại và ổn định giá dầu ở mặt bằng giá cao. Các nước thành viên của nhóm cần sự hợp tác với Nga bất chấp mối bất hòa giữa Nga và phương Tây liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.

Thứ hai, ở khu vực Trung Đông từ vài tuần nay diễn ra lần chiến tranh mới giữa Hamas và Israel. Mỹ ủng hộ Israel trong khi đại đa số các quốc gia trong khu vực Trung Đông và Vùng Vịnh đòi hỏi hai bên chấm dứt chiến sự và thôi thúc Mỹ gây ảnh hưởng tới Israel để Israel chấm dứt chiến sự. Bằng cách biểu lộ sự phối hợp hành động với ông Putin nhằm nâng giá dầu lửa trên thị trường, UEA và Arab Saudi không những chỉ biểu lộ sự độc lập của hai vương triều này với Mỹ trong chính sách đối với Nga và đối với cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine mà còn biểu lộ sự không hài lòng và đồng tình của họ đối với Mỹ liên quan đến lần chiến tranh này giữa Israel và Hamas.

Sự suy giảm của giá dầu lửa và lần chiến tranh mới giữa Hamas và Israel ở khu vực Trung Đông đã giúp ông Putin có được hoạt động ngoại giao dễ dàng mà vô cùng giá trị đối với Nga./.

Hoàng Lan

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận