An ninh Biển Đỏ và rủi ro ngày càng hiện hữu với thương mại toàn cầu

Các cuộc tấn công của lực lượng Houthi nhằm vào tàu thuyền trên Biển Đỏ làm gia tăng tâm lý lo ngại thương mại quốc tế tiếp tục gián đoạn.

 

Các cuộc tấn công của lực lượng Houthi nhằm vào tàu thuyền trên Biển Đỏ đang làm gia tăng tâm lý lo ngại rằng thương mại quốc tế đứng trước nguy cơ tiếp tục gián đoạn, kéo theo những ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động xuất nhập khẩu toàn cầu.

Bên cạnh những rủi ro phát sinh với tuyến vận tải huyết mạch, một trong những quan ngại lớn hơn còn là việc giá dầu tăng do nhu cầu tăng khi các nhà giao dịch đánh giá khả năng gián đoạn nguồn cung gắn liền với rủi ro địa chính trị ngày càng tăng.

Nhà sản xuất ô tô điện Tesla của Mỹ đã buộc phải ngừng sản xuất tại một nhà máy bên ngoài thủ đô Berlin của Đức trong khoảng hai tuần, với lý do đưa ra là thiếu hụt chuỗi cung ứng do các cuộc tấn công của Houthi nhằm vào các tàu container trên Biển Đỏ. Trong một tuyên bố mới nhất đưa ra hôm qua, Tesla cho biết, do thiếu linh kiện nên hãng này buộc phải tạm dừng sản xuất xe tại nhà máy Gigafactory Berlin-Brandenburg trong khoảng thời gian từ ngày 29/1 đến ngày 11/2.

Ảnh minh họa: Reuters

Hoạt động thương mại toàn cầu tháng 11,12 vừa qua cũng chứng kiến mức sụt giảm 1,3% do ảnh hưởng từ vấn đề an ninh ở Biển Đỏ. Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IfW Kiel) có trụ sở ở Đức công bố số liệu trong tháng 12/2023 cho thấy khối lượng hàng xuất khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) và khối lượng hàng nhập khẩu vào EU đã giảm lần lượt là 2% và 3,1%.

Không chỉ thương mại, giá cả hàng hóa, đặc biệt là giá năng lượng cũng có nguy cơ tăng "phi mã" trở lại. Vụ việc mới nhất là Iran ngày hôm qua bắt giữ một tàu chở dầu ngoài khơi Oman. Chính phủ Anh vừa đưa ra các kịch bản mô phỏng sự gián đoạn ở Biển Đỏ có thể tác động mạnh đến nền kinh tế Anh. Bộ Tài chính Anh cũng đang xem xét việc giá dầu thô quốc tế tăng ít nhất 10 USD/thùng và giá khí đốt tự nhiên tăng 25%. Ngày càng xuất hiện nhiều ý kiến lo ngại, nếu “khủng hoảng” ở Biển Đỏ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, người tiêu dùng có thể sẽ không nhận thấy rõ tác động gì, ngoại trừ giá năng lượng tăng cao, song nếu tình trạng này kéo dài lâu hơn sẽ khiến lạm phát tăng khó kiểm soát.

Mỹ và các đồng minh đã quyết tâm đảm bảo an ninh cho tuyến hàng hải được cho là rất quan trọng này. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng xác nhận các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Houthi ở Yemen sáng sớm nay là phản ứng cứng rắn của Mỹ và Anh trước “các cuộc tấn công chưa từng có của Houthi nhằm vào các tàu hàng hải quốc tế ở Biển Đỏ”.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết: “Những cuộc tấn công nhằm vào tàu thuyền ở Biển Đỏ là mối đe dọa trực tiếp đến tính mạng, quyền tự do hàng hải và thương mại toàn cầu tại một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất thế giới. Bất chấp những gì Houthi tuyên bố, lực lượng này đang đe dọa và nhắm mục tiêu vào các tàu thương mại có quan hệ với các quốc gia trên toàn thế giới. Những cuộc tấn công này là bất hợp pháp, liều lĩnh và có tính chất leo thang. Mỹ không tìm kiếm xung đột. Chúng tôi tìm kiếm con đường thương mại quốc tế an toàn và bảo đảm đến Biển Đỏ. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp và tham khảo ý kiến chặt chẽ với các đồng minh và đối tác của mình về các bước thích hợp tiếp theo nếu các cuộc tấn công này còn tiếp diễn”.

Những diễn biến leo thang mới nhất tại Biển Đỏ báo hiệu nguy cơ về một cuộc khủng hoảng mới đang nhen nhóm tại một trong những tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới, đe dọa làm đảo lộn chuỗi cung ứng cũng như đẩy giá dầu và lạm phát đi lên, vào thời điểm mà tăng trưởng kinh tế đang giảm tốc. Nếu các bên liên quan không sớm tìm được tiếng nói chung, nền kinh tế toàn cầu sẽ có thêm gánh nặng và đối mặt với những làn sóng bất ổn mới khi bước vào năm 2024 này.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận