Cải tổ chính phủ ở Pháp

Việc tổng thống Pháp cải tổ nội các đã diễn ra không ngoài mọi dự liệu chung trước đấy ở cả trong lẫn ngoài nước Pháp về thời điểm cũng như về nhân sự.

 

Việc tổng thống Pháp Emmanuel Macron cải tổ nội các đã diễn ra không ngoài mọi dự liệu chung trước đấy ở cả trong lẫn ngoài nước Pháp về thời điểm cũng như về nhân sự. Thủ tướng đương nhiệm Elisabeth Borne phải ra đi, nếu không tự nguyện từ chức thì cũng sẽ bị ông Macron sa thải. Nữ thủ tướng thứ hai trong lịch sử nước Pháp chọn cách tự nguyện thoái vị. Người này vốn rất trung thành và tận tụy với ông Macron và trong thực chất đã không làm gì khiến ông Macron bị sa sút uy tín cá nhân trong thời gian vừa qua. Bi kịch chính trị của người phụ nữ này là ông Macron hiện cần người chịu trận thế mạng cho mình. Xưa nay, ở nhiều nơi trên thế giới chứ không chỉ có ở nước Pháp truyền thống và thông lệ chính trị là mỗi khi tổng thống gặp khó khăn, bị sa sút uy tín và bế tắc đường hướng cầm quyền thì luôn tiến hành cải tổ chính phủ và thay thủ tướng. Ông Macron hiện ở trong tình cảnh như vậy.

Trong quốc hội, phe cánh chính trị của ông Macron chỉ là thiểu số nên ông Macron phải dựa cậy vào các đảng phái chính trị khác để thông qua được các đạo luật mới phục vụ cho cầm quyền. Phe cánh các lực lượng cực hữu, cực đoan, dân tuý và dân tộc chủ nghĩa hiện lại mạnh nhất trong phe đối lập ở quốc hội. Những đạo luật cầm quyền mà ông Macron muốn và cần quốc hội thông qua vì thế bao hàm nhiều nội dung thoả hiệp với phe cánh cực hữu và dân tuý này. Chúng làm cho nội bộ phe cầm quyền bị phân rẽ và dư luận xã hội nói chung không đồng tình.

Tổng thống Emmanuel Macron (trái) trong cuộc họp hội đồng bộ trưởng đầu tiên sau khi cải tổ nội các ngày 21/07/2023. (AP - Christophe Ena)Ông Macron lâm vào tình cảnh gần như không còn được phe cánh chính trị của mình và đa số dân chúng ở Pháp ủng hộ, lúng túng và thiếu định hướng về đối nội cũng như đối ngoại. Cải tổ nội các vì thế trở thành cứu cánh bởi tạo cảm nhận và hình ảnh về sự khởi đầu mới cho ông Macron. Ông Macron ý thức được rằng phe cầm quyền càng suy yếu và rạn vỡ nội bộ thì phe cực hữu và dân tuý sẽ càng mạnh mẽ. Ở cuộc bầu cử tổng thống tới của nước Pháp vào năm 2027, ông Macron không còn có thể lại ứng cử vì đã cầm quyền hai nhiệm kỳ liên tục, nhưng nếu ông Macron cầm quyền thất bại nhiều hơn thành công thì chắc chắn ứng cử viên tổng thống của phe cánh cực hữu và dân tuý sẽ thắng lớn. Cho nên bà thủ tướng dẫu có miễn cưỡng đến mấy cũng phải ra đi.

Người kế nhiệm bà thủ tướng được ông Macron chọn là bộ trưởng giáo dục Gabriel Attal. Hiện tại 34 tuổi, người này trở thành thủ tướng trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước Pháp. Người này được coi là một bản sao hoàn hảo của ông Macron và là một trong số ít cộng sự được ông Macron tin cậy nhất. Thiên hạ đồn đoán người này sẽ kế nhiệm bà Borne vì hiện là chính trị gia có được mức độ tín nhiệm cao nhất trong dân chúng ở nước Pháp. Chỉ từ giác độ ấy không thôi mà nói thì ông Macron buộc phải cải tổ chính phủ như thế nào thì cũng buộc phải để cho ông Attal làm thủ tướng mới như thế. Chỉ khi bổ nhiệm người này làm thủ tướng mới, ông Macron mới có thể đạt được hiệu ứng cộng hưởng tối đa của việc buộc phải cải tổ chính phủ.

Người ta còn cho rằng ông Macron chọn ông Attal làm thủ tướng mới nhằm để chuẩn bị người kế nhiệm. Ông Attal hiện được coi là đại diện duy nhất ở phe cầm quyền có thể ngăn cản người của phe cực hữu, cực đoan, dân tuý và dân tộc chủ nghĩa chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tới ở nước Pháp.

Có thể đúng như vậy nhưng cũng có thể không phải như vậy bởi thời gian cầm quyền của ông Macron còn dài mà thủ tướng càng toả sáng thì tổng thống càng bị lu mờ mà ông Macron lại chỉ muốn mình toả sáng chứ đâu có chịu để bị lu mờ bởi ai đó khác. Trước bà Borne đã từng có một thủ tướng Pháp vì có được uy tín cá nhân cao hơn ông Macron mà rồi phải khăn cuốn, áo gói rời nhiệm sở./.

Hoàng Lan

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận