Giao tranh pháo binh “10 đấu 1”
Thị trấn nhỏ Avdiivka đã trở thành trung tâm cuộc xung đột ở Ukraine. Mặc dù Kiev vẫn nắm quyền kiểm soát thị trấn này nhưng nó đã bị quân đội và pháo binh Nga bao vây từ 3 phía. Cả hai bên đều đối mặt với thương vong nặng nề.
Lính bắn tỉa Ukraine có biệt danh là Bess đã kể lại cảnh tượng kinh khủng trên chiến trường, nơi mà những người lính thiệt mạng “chỉ nằm đó và chết cóng”.
“Không ai sơ tán họ, không ai đưa họ đi”, Bess nói. “Có cảm giác như mọi người không có nhiệm vụ cụ thể, họ cứ đi và chết", sĩ quan của Nhóm Lực lượng Đặc biệt Omega cho hay từ một ngôi nhà cách chiến tuyến vài km ở khu vực Donetsk, miền Đông Ukraine.
Teren, chỉ huy một đơn vị trinh sát máy bay không người lái của Ukraine trong thị trấn, nói rằng ngay cả khi “chúng tôi có thể tiêu diệt 40 đến 70 binh lính bằng máy bay không người lái trong một ngày thì ngày hôm sau họ (Nga-ND) sẽ tăng cường lực lượng và tiếp tục tấn công". Người này cho biết, trong 18 tháng chiến đấu quanh thị trấn, các phi công thuộc Lữ đoàn cơ giới 110 đã hạ ít nhất 1.500 lính Nga. Tuy nhiên, đối phương vẫn tiếp tục điều quân đến.
Trong chuyến thăm bất ngờ tới Avdiivka vào cuối tháng 12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã mô tả trận chiến giành thị trấn là một “cuộc tấn công dữ dội”, đồng thời nói thêm rằng trận chiến này về nhiều mặt có thể “quyết định diễn biến chung của cuộc xung đột”.
Các nhà lãnh đạo Ukraine dường như nhận thức được những chỉ trích xung quanh việc phòng thủ và thừa nhận căng thẳng rõ ràng giữa việc giữ vững các địa điểm không có ý nghĩa chiến lược to lớn và việc bảo vệ tính mạng của binh lính.
Cuộc giao tranh của Ukraine hiện nay phụ thuộc lớn vào nguồn cung vũ khí.
Vào một buổi sáng tháng 1/2024 đầy băng giá, nhiệt độ chỉ ở mức âm 22 độ C, CNN theo dõi một đội quân đặc nhiệm Omega của Ukraine chạy đua đến vị trí bắn xung quanh Avdiivka. Vội vã lắp đặt bệ phóng tên lửa thời Liên Xô – được gắn vào phía sau một chiếc xe bán tải của Mỹ – một trong những binh lính đã bật công tắc để phóng một loạt đạn nhưng thời tiết lạnh giá khiến tên lửa không bắn ra.
Dựa vào những vũ khí mà mình sở hữu chứ không phải các phương tiện lý tưởng mà mình mong muốn, Ukraine hiểu mỗi một cơ hội khai hỏa thất bại nhằm đáp trả quân đội Nga đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều binh lính thương vong.
Một vài ngày sau, một xe tải hậu cần vượt qua mặt đất bùn lầy ở Marinka gần đó đã mang đến cho Ukraine loại đạn pháo mà họ đang cần.
Tại một vị trí khai hỏa cách Avdiivka 90 phút về phía Bắc quanh thị trấn Bakhmut, khoang chứa đạn của lựu pháo Paladin do Mỹ cung cấp hoàn toàn trống rỗng. Các binh lính không có đạn pháo để khai hỏa. Một đợt vận chuyển sau đó đã mang tới 4 quả pháo nhưng không có quả phảo nào gây tổn thất lớn cho Nga.
"10 đấu 1" là sự khác biệt giữa nguồn cung pháo của Nga và Ukraine, Chỉ huy Lữ đoàn cơ giới 93 của Ukraine có biệt danh là Korsar cho hay.
Ông tiết lộ: "Họ (Nga-ND) sử dụng các hệ thống cũ thời Liên Xô nhưng các hệ thống này vẫn có khả năng sát thương".
Tình thế cấp bách của Ukraine
Trong khi đó, sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine, bao gồm cả các loại đạn pháo mà Kiev đang rất cần dường như không còn được đảm bảo. Các gói hỗ trợ tương lai vẫn mắc kẹt tại Quốc hội và nỗi ám ảnh nếu ông Trump - người phản đối việc hỗ trợ cho Ukraine, trở thành tổng thống đã làm gia tăng thêm sự không chắc chắn này.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby đã nói rõ trong tháng này rằng: "Sự hỗ trợ của chúng tôi hiện đã tạm dừng. Nhưng các cuộc tấn công của Nga chỉ ngày càng gia tăng".
Dù vậy, một chỉ huy của Ukraine có tên là Barbie cho rằng, phương tiện chiến đấu Bradley mà Mỹ cung cấp cho Ukraine để hỗ trợ bộ binh, đang khẳng định khả năng trước các cuộc tấn công của Nga. Người này đánh giá, "nếu không có Bradley, có lẽ tôi không còn ở đây nói chuyện". Theo ông, đó là một phương tiện mạnh mẽ "không sợ bất kỳ thứ gì".
Tuy nhiên, các xe Bradley của Mỹ đang gặp hạn chế về nguồn cung. Khoảng 200 phương tiện này đã được Mỹ cam kết cung cấp cho Ukraine nhưng hàng chục xe Bradley đã bị hư hại và bị phá hủy trong giao tranh.
Teren - chỉ huy một đơn vị trinh sát UAV đã nói thẳng rằng, Ukraine không có đủ vũ khí và trang thiết bị để đối phó với Nga. Phi công Ukraine buộc phải trở nên linh động và sáng tạo hơn để xoay xở với nguồn lực hạn chế của mình.
Dù vậy, chỉ huy này đánh giá: "Trong giai đoạn đầu xung đột, lợi thế của Nga về UAV lớn gấp 10 lần chúng tôi. Hiện nay, tôi nghĩ chúng tôi là một đối thủ đáng gờm về UAV. Chúng tôi đã bao quát bầu trời cả ngày lẫn đêm".
Các cuộc tấn công của Nga không có dấu hiệu dừng lại. Điều đó tức là Avdiivka giờ đã trở thành cuộc đua về số lượng vũ khí, Bess nói.
Để cân bằng quân số vượt trội của Nga, giới lãnh đạo Ukraine – dưới áp lực từ các tướng lĩnh hàng đầu đất nước – đang cân nhắc huy động thêm nửa triệu quân để củng cố hàng ngũ quân đội.
Cuộc sống ở các thành phố Ukraine cách xa mặt trận dường như không bị ảnh hưởng bởi giao tranh, ít nhất là bề ngoài. Mặc dù các áp phích tuyển quân và các trạm kiểm soát quân sự nằm rải rác trên đường cao tốc và những người đàn ông mặc quân phục là cảnh tượng thường thấy, nhưng có rất ít dấu hiệu rõ ràng về những hạn chế hoặc thay đổi trong thời chiến đối với cuộc sống hàng ngày. Các siêu thị và quán cà phê vẫn chật kín khách hàng.
Tuy nhiên, nhập ngũ là một chủ đề nhạy cảm. Tổng thống Ukraine có quyền thực thi việc huy động thêm binh lính - hiện chỉ giới hạn ở những người trên 27 tuổi, nhưng đã chọn cách tìm kiếm sự chấp thuận của Quốc hội. Dự luật đang được xúc tiến, song không phải không gặp khó khăn trong việc vượt qua sự giám sát kỹ lưỡng của các nhà lập pháp.
Trong khi đó, giao tranh ở chiến trường Avdiivka vẫn diễn ra ác liệt.
“Chúng tôi đang làm mọi thứ khả thi và bất khả thi để giữ vững phòng tuyến. Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Nhưng chúng tôi đang ở trên đất của mình. Chúng tôi không còn gì để mất", sĩ quan Nhóm Lực lượng Đặc biệt Omega có tên là Sayer nói.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo: CNN