EU vào trận

Sau nhiều ngày trao đi đổi lại trong nội bộ, EU cuối cùng cũng đạt được sự đồng thuận quan điểm về tiến hành chiến dịch quân sự ở vùng Biển Đỏ.

 

Sau nhiều ngày trao đi đổi lại trong nội bộ, EU cuối cùng cũng đạt được sự đồng thuận quan điểm về tiến hành chiến dịch quân sự ở vùng Biển Đỏ. EU đề ra mục tiêu cho hoạt động quân sự này là đảm bảo an ninh cho tàu thuyền vận tải hàng hải đi lại qua vùng Biển Đỏ.

Tự do hàng hải ở vùng này được không chỉ EU mà cả Mỹ, Anh và nhiều quốc gia khác nữa đề cao sau khi phe phiến quân người Houthi ở Yemen tiến hành hàng loạt vụ tấn công và bắt giữ tàu thuyền của Israel và của các đồng minh của Israel đi lại qua vùng Biển Đỏ. Phe phiến quân này tuyên bố hành động quân sự như vậy cùng với những cuộc không kích tên lửa nhằm trực diện vào Israel để thể hiện sự ủng hộ Hamas trong lần chiến tranh này giữa Hamas và Israel. Tàu chiến của Mỹ ở Biển Đỏ đã nổ súng đánh chặn tên lửa và thiết bị bay không người lái của phiến quân người Houthi.

Mỹ đã liên minh với hơn 20 quốc gia ở trong cũng như ngoài khu vực để bảo vệ an ninh cho tàu thuyền đi lại qua vùng Biển Đỏ. Sau đấy, Mỹ và Anh cùng một số đồng minh khác còn không kích vào phe phiến quân người Houthi ở bên trong lãnh thổ Yemen. Vậy là đã hình thành một chiến địa mới và một cuộc chiến thực sự mới ở vùng Biển Đỏ và Yemen.

Cuộc chiến này trong thực chất không biệt lập hoàn toàn với cuộc chiến tranh giữa Hamas và Israel ở khu vực Trung Đông mà có liên quan. Mỹ, EU và đồng minh của họ bị Hamas và phe phiến quân người Houthi ở Yemen coi là những bên hậu thuẫn Israel, thậm chí còn cả là đồng minh của Israel. Vì vậy, không có gì là khó hiểu chừng nào cuộc chiến giữa Hamas và Israel chưa chấm dứt thì chiến sự vẫn sẽ còn dai dẳng ở vùng Biển Đỏ và  ở Yemen.

Trong bối cảnh tình hình chung như thế, EU quyết định đưa tàu chiến và máy bay tiêm kích đến Biển Đỏ. EU chủ động vận hành chiến dịch riêng này chứ không tham gia liên minh đã được Mỹ thành lập và do Mỹ dẫn dắt với hơn 20 quốc gia khác. Cùng biện luận, cùng mục tiêu và cùng cách thức hành động nhưng lại tổ chức riêng, vận hành riêng và hành động cụ thể riêng.

Chiến hạm Đức sẽ xuất hiện trong chiến dịch của EU tại Biển Đỏ. (Ảnh: KT)Từ trước tới nay, EU đã tổ chức và tiến hành nhiều chiến dịch quân sự như thế này. Quyết định chính trị chung cho cả EU nhưng không phải các thành viên bị bắt buộc tham gia. Hiện tại, EU đang thực thi chiến dịch như vậy ở Ấn Độ Dương với mục tiêu là chống cướp biển, tức là cũng đảm bảo an ninh hàng hải và tự do hàng hải, và do Tây Ban Nha chỉ huy. Lúc đầu, EU dự định dùng chính lực lượng đang thực thi chiến dịch quân sự này ở vùng Biển Đỏ nhưng bị Tây Ban Nha phản đối và Tây Ban Nha phản đối vì lý do đối nội.

Với quyết định chính trị nói trên, EU đã quyết định vào trận và nhập cuộc chiến ở vùng Biển Đỏ. Thật ra, EU không cần phải thực thi chiến dịch quân sự này để bảo đảm an ninh cho tàu thuyền vận tải biển của EU đi lại qua vùng Biển Đỏ vì hoàn toàn có thể nhờ cậy vào liên minh của Mỹ với đồng minh hoặc trực tiếp tham gia liên minh này. EU hành động riêng rẽ vì tuyến đường vận tải biển này quá quan trọng đối với EU.

Khoảng 40% khối lượng hàng hoá trong trao  đổi thương mại giữa EU với các đối tác ở khu vực Trung Đông và châu Á được chu chuyển qua tuyến đường hàng hải này. Vì thế, EU phải chủ động tự lo cho chính mình và ngăn ngừa mọi hệ lụy của việc phải nhờ cậy hay lệ thuộc vào Mỹ hay ai đó khác. Ngoài ra, phất cao ngọn cờ hành động quân sự để đảm bảo tự do hàng hải sẽ giúp EU gây dựng và tăng cường vai trò, ảnh hưởng chính trị an ninh thế giới.

Chỉ có điều rủi ro lớn đối với EU là sa vào đụng độ quân sự trực tiếp với phe phiến quân người Houthi ở nơi đây. Khi ấy, EU sẽ rất khó xử trên nhiều phương diện và sẽ rất khó thoát được ra khỏi tình thế khó xử ấy./.

Hoàng Lan

 

Bình luận

    Chưa có bình luận